Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hai Lúa Dám Nghĩ, Dám Làm

Hai Lúa Dám Nghĩ, Dám Làm
Ngày đăng: 19/06/2012

Một "hai lúa" của thời kỳ đổi mới dám vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống để tìm cho mình một chỗ đứng trên chốn thương trường nghiệt ngã và khẳng định tên tuổi cho sản phẩm của mình, đó là ông Nguyễn Văn Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Hiện sản phẩm của ông thường được người tiêu dùng nhắc đến với thương hiệu Nho sạch "Ba Mọi".

Từ Nho sạch Ba Mọi

"Làng nho" Ninh Thuận thường gọi ông Nguyễn Văn Mọi với cái tên trìu mến: Ông nho sạch. Bởi chính ông là một trong những người đầu tiên đã áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ sinh học trên cây nho (nói nôm na là nho sạch) và đã đưa được trái nho Ninh Thuận đến với người tiêu dùng qua các siêu thị. Ðể đưa được trái nho Ninh Thuận vào các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, nằm ngang hàng với các loại nho ngoại nhập khẩu đâu phải là điều đơn giản! Ông đã thành công, và ông là người đầu tiên tạo dựng được thương hiệu cho một loại trái cây được mệnh danh "nữ hoàng của các loại trái cây". Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhất là khi đã hòa mình trong dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu thì việc tạo dựng thành công một thương hiệu là vô cùng quan trọng. Ðã nhiều năm rồi, thương hiệu "Nho sạch Ba Mọi" đã tạo dựng được lòng tin nơi người tiêu dùng và tạo được ưu thế cạnh tranh với các loại nho ngoại nhập khác trong hệ thống các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh (tháng 12-2005, "Nho sạch Ba Mọi" đã được cấp dấu "Thực phẩm chất lượng 
an toàn vì sức khỏe cộng đồng " của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Hiện nay nho sạch Ba Mọi đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP).

Ninh Thuận được ví là vùng đất của cây nho. Vậy mà từ hàng chục năm nay Ninh Thuận chưa hề có được một ngành sản xuất rượu vang nho truyền thống. Trong khi đó, trái nho lại là nguyên liệu tuyệt hảo để sản xuất rượu vang. Ðiều đó khiến nông dân Nguyễn Văn Mọi ngày đêm trăn trở, nghĩ suy làm thế nào để nâng cao giá trị của cây nho bằng những sản phẩm được chế biến từ trái nho. Và ông đã chọn rượu vang nho để làm hướng đột phá. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương đứng ngoài cuộc chơi thì ông, một nông dân chính gốc, lại mạnh dạn đứng ra thành lập một cơ sở sản xuất rượu vang nho bán công nghiệp, thì quả là một chuyện khiến nhiều người bàn tán xôn xao.

Ðã từng có kinh nghiệm trong việc sản xuất thành công rượu vang nho bằng phương pháp thủ công, và được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cùng với Phân viện Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã chuyển giao cho ông một dây chuyền "Sản xuất rượu vang nho gia đình" theo phương pháp bán công nghiệp, sản xuất theo quy trình công nghệ TCVN 7045-2002 tiêu chuẩn Việt Nam vào năm 2005. Thời gian đó cũng là lúc mà Trung tâm giống vật nuôi, cây trồng tỉnh Ninh Thuận lai tạo thành công giống nho Syrah, một giống nho không hạt chuyên dùng để sản xuất rượu vang, ông mừng còn hơn bắt được vàng. Chạy vạy khắp nơi vay vốn, từ ngân hàng cho đến những người thân trong gia đình gần một tỷ đồng để thực hiện ước mơ nâng cao giá trị của cây nho. Thế rồi, cuối năm 2005, một xưởng sản xuất rượu vang nho công suất 10 nghìn lít/năm, mang thương hiệu "Vang nho Phan Rang" ra đời trong sự hân hoan lẫn lo lắng của ông và cả gia đình.

Sau gần một năm chuẩn bị, vào dịp Tết năm 2006, sản phẩm rượu vang nho "Phan Rang" đã được tung ra thị trường và đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng chẳng hề thua kém vang nho Ðà Lạt hay bất kỳ loại vang nho nội địa nào. Và điều quan trọng là vang nho mang thương hiệu "Phan Rang" đã được hệ thống siêu thị Co-op Mark hay Maxi - Mark chấp nhận đặt ngang hàng với các loại vang nho khác hiện có trong siêu thị.

Ðến giải thưởng Sao Thần nông

Người ta bảo rằng, Ba Mọi là một "Hai lúa" chịu chơi. Mà cũng đúng thiệt! Vì trong khi những nông dân khác chỉ biết bằng lòng cam phận với những gì mình đang có thì Ba Mọi cứ ngày đêm trăn trở làm sao để Ninh Thuận xứng danh "vương quốc nho" của Việt Nam. Ai cũng biết, ngoài việc dùng làm nguyên liệu để sản xuất rượu vang, trái nho còn chế biến được bao nhiêu là thứ. Nào là nho khô, mật nho, mứt nho, bột nho... Chính vì thế mà Ba Mọi không chỉ dừng lại việc sản xuất rượu vang mà còn nghĩ đến việc phải đa dạng hóa sản phẩm từ nho. Hiện ông đang liên hệ với các nhà khoa học trong cũng như ngoài tỉnh để giúp ông có được một dây chuyền sản xuất các sản phẩm kể trên. Và để có đủ nguyên liệu đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, ông đã xây dựng cho mình một vùng chuyên canh nho syrah lên đến 4 ha nhằm nâng công suất xưởng sản xuất rượu vang lên 20 nghìn lít/năm, đồng thời trang trại nho của ông cũng đang trồng thử nghiệm những giống nho mới có chất lượng tương đương với các giống nho ngoại nhập như NH-0148, NH-01152, 

Black Queen, Sauvignone, Cabenet Savignon... Ðó là những giống nho ăn tươi hay dùng để chế biến nho khô hoặc bột nho có chất lượng cao, nhằm nâng cao giá trị thương phẩm của trái nho, mở ra một hướng làm giàu mới cho người trồng nho Ninh Thuận.

Với tất cả những gì mà hai lúa Nguyễn Văn Mọi làm được, tháng 7-2009, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trao tặng ông giải thưởng Sao Thần nông. Và ngày nay, khi về Ninh Thuận, chỉ cần bạn nói đến trang trại nho Ba Mọi thì bất kỳ người chạy xe ôm nào cũng biết. Và khi ra về, ai cũng để lại đó những dòng cảm phục một nông dân dám nghĩ, dám làm tất cả để vượt lên mọi khó khăn thách thức mở ra cho mình và gia đình một cơ hội làm giàu chính đáng.

Có thể bạn quan tâm

Lục Nam (Bắc Giang) được mùa na Lục Nam (Bắc Giang) được mùa na

Thời điểm này, na Lục Nam (Bắc Giang) đang thu hoạch rộ. Tuy thời tiết không thuận lợi như một số năm trước song nhờ chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năm nay na lại được mùa.

17/08/2015
Người nuôi gà công nghiệp đang bị lỗ nặng Người nuôi gà công nghiệp đang bị lỗ nặng

Theo thống kê, tổng đàn gà công nghiệp của cả nước khoảng 14,4 triệu con, được chăn nuôi tập trung tại 5.000 trang trại. Hiện, người nuôi đang lỗ 10.000 đồng/con gà. Như vậy, trong 11 tháng qua, người nuôi gà cả nước thiệt hại trên 1.300 tỉ đồng.

17/08/2015
Hai nông dân kể chuyện nuôi heo rừng Hai nông dân kể chuyện nuôi heo rừng

Đầu năm 2010, ông Lê Dũng ở phường 8, ông Nguyễn Việt Hùng ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau “thử sức” nuôi heo rừng. Động cơ khiến 2 ông thử sức nuôi heo rừng rất đơn giản: heo rừng là “của hiếm”, giá trị kinh tế cao. Và trong quá trình nuôi, 2 ông trải qua không ít chuyện cười đau cả bụng và chảy cả nước mắt.

17/08/2015
Mô hình nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế cao Mô hình nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Xuân Cảnh (thôn 7, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu nuôi heo, bò song việc chăn nuôi khá vất vả, công sức bỏ ra nhiều mà thu nhập lại không đáng kể.

17/08/2015
Gà nhập khẩu đá bại gà trong nước Gà nhập khẩu đá bại gà trong nước

Suốt 11 tháng qua, các doanh nghiệp và người chăn nuôi gà công nghiệp trong nước đều đang bán dưới giá thành. Ước tính với số lỗ khoảng 10 nghìn đồng/con gà như hiện nay, trong 11 tháng qua, ngành chăn nuôi đã lỗ gần 1.376 tỷ đồng.

17/08/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.