Ồ Ạt Phá Rừng Nuôi Tôm

Việc người dân ồ ạt phá rừng phòng hộ ven biển để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường bị phá hủy. Người dân đầu tư quá lớn, nếu thương lái giở trò thì trắng tay…
Trong những ngày này, dọc tuyến đường Thanh Niên, ven biển 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành của tỉnh Quảng Nam, rất nhiều người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, bất chấp ô nhiễm môi trường cũng như cảnh báo của chính quyền địa phương.
Những khu rừng dương phòng hộ ven biển xanh tươi trước đây giờ đã bị phá tan hoang. Thay vào đó là những ao tôm mọc lên như nấm. Rầm rộ nhất có lẽ là tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, người dân tận dụng tất cả diện tích đất có được để đào ao tôm. Từ các ao tôm, chằng chịt những đường ống dẫn nước thải chảy thẳng ra sông.
Ông Đỗ Hồng Thanh (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến) cho biết trước đây ông và một số ngư dân sắm thuyền đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm 2013 đến nay, thấy những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thu lợi lớn nên ông và các ngư dân khác bỏ biển để nuôi tôm. Năm ngoái, ông vay ngân hàng gần 450 triệu đồng đầu tư đào 3 ao tôm, chỉ qua 2 vụ, gia đình ông đã trả hết nợ.
Thấy việc nuôi tôm dễ dàng, thu lợi cao, năm nay ông Thanh rủ thêm người em sống ở tỉnh Đắk Lắk về quê góp vốn nuôi. Anh em ông Thanh mở rộng diện tích lên 7 ao.
“Sáng nào, các đầu nậu cũng mang xe tải lớn chạy khắp đường làng. Ao nào đến thời điểm thu hoạch thì chỉ cần kéo lên cân, thương lái đưa tiền sòng phẳng, có bao nhiêu cũng mua hết khiến người dân rất hào hứng. Các thương lái cho biết họ thu gom rồi bán lại cho các đầu nậu người Trung Quốc. Buôn bán với người Trung Quốc thì cũng sợ nhưng cả năm nay có thấy gì đâu?” - ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho biết việc người dân ồ ạt phá rừng phòng hộ ven biển để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường bị phá hủy. Người dân đầu tư quá lớn, nếu thương lái giở trò thì trắng tay…
“Để ngăn chặn việc này, UBND tỉnh đã thông báo nêu rõ hộ nào đang nuôi thì cho nuôi hết vụ, hộ nào mới đào ao chưa thả nuôi thì cấm. Tuy nhiên, khi đến xử lý thì hộ này nhìn hộ kia, phân bì nên rất khó khăn” - ông Giúp nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi nhận được phản ánh, chi cục đã lập đoàn kiểm tra và xử lý rất nhiều trường hợp sai phạm. Về lâu dài, để tránh ô nhiễm môi trường, tỉnh Quảng Nam đang lên phương án quy hoạch vùng nuôi tôm cho các hộ dân.
“Chúng tôi đã khảo sát lập quy hoạch, đo đạc xác định vùng nuôi tôm tạm thời tại 2 huyện Núi Thành và Thăng Bình. Chúng tôi đang chờ sự góp ý của 2 huyện, sau đó trình UBND tỉnh ký thông qua để thực hiện” - bà Tâm cho biết.
Related news

Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khuyến khích nông dân trong vùng áp dụng phương pháp sử dụng túi yếm khí để trữ lúa giống, vì bảo đảm chất lượng, tỷ lệ nảy mầm cao. Cách bảo quản rất đơn giản: Sau khi thu hoạch lúa, phơi sấy khô đúng thời gian, nông dân nên dùng túi nhựa PE (còn gọi là túi ni lông yếm khí) có kích cỡ bằng các bao phân bón (loại 50 kg, đang được bán phổ biến trên thị trường) để đựng lúa giống.

Từ năm 2006, nông dân xã Thừa Đức (Bình Đại - Bến Tre) được Chi cục Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện mô hình “trồng dưa hấu trải bạt” trên đất giồng cát, thu hoạch đạt năng suất cao. Trong vài năm trở lại đây, nông dân trúng lớn nhờ áp dụng mô hình “dưa hấu trải bạt” xen vụ các loại rau màu trên đất giồng cát.

Quảng Nam vẫn còn 1.200 ha diện tích nuôi tôm nước lợ chưa được thả nuôi dù vụ 1/2013 đã bắt đầu từ hơn 2 tháng nay. Trong khi nông dân lúng túng trong sản xuất thì một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã không đem lại hiệu quả.

Trong quá khứ, giá cá tra nguyên liệu cũng nhiều lần lên đỉnh rồi lao dốc nhưng chu kỳ chỉ kéo dài vài ba tháng, tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, quy luật ấy đã hoàn toàn thay đổi khi giá nguyên liệu ngày một giảm sâu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện tôm nuôi trên địa bàn tiếp tục chết trên diện rộng, chủ yếu là do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy; trong khi thời tiết rất bất lợi nắng mưa thất thường.