Nuôi Vỗ Béo Dê Cừu, Cách Làm Mới Của Các Gia Trại Ở Ninh Phước
Ninh Phước có tổng diện tích tự nhiên 342,3 km2, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm có gần 26.000 ha. Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế, những năm qua Ninh Phước đã thực hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả, năng suất cao. Đặc biệt việc phát triển nuôi vỗ béo dê, cừu theo hình thức trang trại gia đình (gia trại) đã cho thấy sự sáng tạo trong cách làm mới của các nông dân địa phương.
Đồng chí Phạm Y, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: “Bình Quý thuộc thị trấn Phước Dân là nơi khởi phát việc sử dụng lá nho, lá táo và trái táo hư làm thức ăn cho dê, cừu. Từ Bình Quý, cách nuôi mới này đã nhanh chóng lan rộng ra các xã khác trong huyện như Phước Thuận, Phước Hậu, Phước Sơn”. Cuối tháng 2, ngay sau những ngày Tết nguyên đán Quý Tỵ, chúng tôi đã tìm về Khu phố 8 (Bình Quý), điểm khởi phát hình thức nuôi trên, gọi là khu phố nhưng thực chất đây là vùng nông thôn thuần tuý có đến 70% hộ dân làm nghề chăn nuôi vỗ béo dê, cừu.
Anh Kiều Tấn Phúc, Trưởng khu phố cũng là một nông dân nuôi dê, cừu kể: “Vào những năm 2002, 2003 ở đây chủ yếu nuôi dê và trồng nho, nhiều hộ gia đình tận dụng lá nho cắt bỏ cho dê ăn, phát hiện dê chóng lớn hơn so với ăn các loại cỏ, lá khác, thế là tất cả hộ chăn nuôi đều làm theo. Về sau, cây táo xuất hiện đã được các hộ lấy lá và trái táo hư rụng làm thức ăn cũng hiệu quả như cho ăn lá nho và con cừu cũng thay thế dần con dê vì cừu là giống ăn tạp, dễ nuôi hơn dê”.
Phước Dân hiện có đàn dê 1.170 con và đàn cừu 2.700 con, có 20 ha diện tích trồng nho và 70 ha trồng táo, thì riêng khu phố 8 đã có 770 con cừu, 330 con dê, 5 ha nho và 16 ha táo, bình quân mỗi hộ nuôi vỗ béo từ 10 đến 15 con, phần lớn là cừu. Theo tính toán của anh Phúc, nếu giá cừu thịt là 80.000 đồng/kg, người nuôi sau 3 tháng xuất chuồng có thể lãi trung bình 1 triệu đồng/con.
Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, toàn huyện hiện có gần 12.000 con dê và khoảng 16.400 con cừu, trong đó tập trung đông nhất tại xã Phước Vinh và Phước Thuận. Tuy dẫn đầu với tổng đàn trên 2.000 con dê và trên 5.000 con cừu, nhưng Phước Vinh chủ yếu nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên.
Còn Phước Thuận, tổng đàn có trên 3.000 con cừu và 3.000 con dê nhưng do không có đồng cỏ tự nhiên nên hoàn toàn làm chuồng nuôi vỗ béo dưới tán vườn nho, táo. Phước Thuận hiện có diện tích 120 ha nho và 190 ha táo. Phân tích về cách nuôi của các hộ gia đình, anh Nguyễn Đức Thuận, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Phước Thuận nói: “Ở đây họ nuôi vỗ béo bình quân từ 10 con trở lên, nhiều nhất có khoảng vài chục hộ nuôi 20-30 con.
Cái hay của cách nuôi này không chỉ là tận dụng, mà là ở điểm các lá nho, lá táo và trái táo sâu bệnh được dê, cừu ăn sạch giúp huỷ diệt mầm bệnh phần nào và phân của chúng được sử dụng bón thúc lại cho nho, táo”. Gần đây ở Phước Thuận còn manh nha một mô hình liên kết rất hiệu quả, người nuôi dê, cừu sẽ cung cấp phân cho các hộ trồng nho, táo nhưng không chăn nuôi, ngược lại các hộ này sẽ cung cấp lá nho, táo cho hộ chăn nuôi.
Nhưng nói đến gia trại vỗ béo dê, cừu, không thể không nhắc tới Phước Hậu, với diện tích 150 ha táo và 15 ha nho, chỉ trong 2 năm qua, từ mô hình nuôi vỗ béo dê kết hợp trồng nho, táo, đã có trên 100 hộ đang ăn nên làm ra, trong đó có 62 hộ nuôi dê bachboer. Anh Huỳnh Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu cho hay: “Hiện nay nhu cầu dê bachboer rất lớn, liên tục có người đặt mua nhưng không cung ứng kịp. Với xu hướng chuyển dịch dần sang nuôi dê lai siêu thịt Bachboer, mô hình gia trại ở Phước Hậu đang tiếp tục phát triển mạnh”.
Điều cần nói rõ, dù trở thành nguồn thức ăn chính nhưng với diện tích nho, táo trên địa bàn chỉ đủ đáp ứng một nửa nhu cầu của người nuôi vỗ béo dê, cừu ở Ninh Phước. Theo anh Kiều Tấn Phúc, 1 sào nho chỉ đủ lá cho 20 con dê, cừu ăn một tuần và 1 sào táo có thể nuôi 30-40 con ăn thường xuyên cho tới khi ra trái, trong thực tế phải trồng thêm cỏ và tìm thêm thức ăn cho dê, cừu ăn mới đủ. Vì vậy cứ 1-2 ngày, người nuôi phải đi nhặt lá nho tận Thái An (Vĩnh Hải, Ninh Hải) và các vùng trồng nho, táo khác. Tuy nhiên một ưu điểm cần nhấn mạnh là lá nho, táo và cả trái táo có thể phơi khô để dành, gặp lúc hiếm sẽ cho dê, cừu ăn mà vẫn tăng trưởng như ăn tươi.
Từ cách làm mới của các gia trại nuôi vỗ béo dê, cừu, nhiều địa phương thuộc huyện Ninh Phước đang khuyến khích nhân rộng mô hình này. Qua thực tiễn của nông dân, có thể thấy đây là bài học kinh nghiệm quý về việc tận dụng, khai thác điều kiện đang có, biến cái không thuận lợi thành lợi thế phát triển. Dù chưa phải là mô hình hoàn thiện, song rõ ràng hình thức nuôi vỗ béo dê, cừu ở các gia trại đang giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống người chăn nuôi Ninh Phước.
Có thể bạn quan tâm
Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được xem là thiết bị liên lạc hiện đại nhất hỗ trợ tàu cá hành nghề trên biển. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sử dụng, ngư dân không mấy mặn mà vì cho rằng nó không phát huy tác dụng như mong đợi.
Sau nhiều vụ thả nuôi sò trên đầm Thủy Triều, nhiều ngư dân ở tổ dân phố Hoà Dò 4, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) thắng lớn. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi sò, ngư dân Lê Văn Hoàng cho biết: “Mặc dù bà con nơi đây không được chuyển giao kỹ thuật nuôi thả sò, nhưng cứ mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên vụ nào cũng lãi”.
Sử dụng thức ăn trong nuôi trồng thủy sản ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường nước vùng đầm phá. Ở Chi hội nghề cá Cồn Hạc Châu (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bà con ngư dân nuôi tôm, cá sử dụng thức ăn tự nhiên góp phần làm sạch môi trường nước.
Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều đồng tinh rằng việc nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra là cách bảo đảm cho người nuôi có lãi, hạn chế rủi ro khi nguồn nguyên liệu dư thừa hay thiếu hụt đẩy người nuôi cá nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.
Trong 96 mô hình ứng dụng sản xuất được triển khai trong năm 2013 ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) thì có 49 mô hình đầu tư nuôi gà thả vườn, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 227 con giống, trong đó, chủ yếu dành cho hộ nghèo và cận nghèo.