Triển Vọng Mới Từ Mô Hình Kỹ Thuật Nuôi Tôm Toàn Đực

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.
Vì vậy, nhiều hộ đã tìm đến trung tâm giống của các tỉnh lân cận với hy vọng sẽ tìm được nguồn giống tốt. Tại Trung tâm Giống An Giang, sau khi được giới thiệu và tìm hiểu kỹ về giống tôm toàn đực, được sản xuất theo công nghệ mới, một số hộ nuôi tôm đã mạnh dạn đưa giống tôm này vào nuôi thử nghiệm. Bước đầu giống tôm toàn đực cho kết quả khả quan.
Ông Nguyễn Văn Sĩ ngụ xã Tân Mỹ (Lấp Vò) có 2ha đất nuôi tôm. Tháng 3/2013, ông mua 100.000 con tôm giống toàn đực tại Trung tâm giống An Giang với giá 360 đồng/con thả nuôi thử nghiệm trên vuông tôm diện tích 1ha. Còn lại, 1ha ông thả 150.000 con tôm post được mua ở một cơ sở khác với giá là 180 đồng/con. Cùng điều kiện chăm sóc, cùng loại thức ăn nhưng hiện nay số con và trọng lượng tôm giữa 2 ô bao có sự chênh lệch khá lớn.
"Giống tôm toàn đực có tỷ lệ sống rất cao, khoảng 85%. 1ha có thể thu lãi trên dưới 200 triệu đồng, trong khi giống tôm thường thì phải thu tỉa tôm trứng nên 1ha thu lãi được 100 triệu đồng", ông Nguyễn Văn Sĩ cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Huấn ngụ ấp An Quới, xã Mỹ An Hưng B đã thành công với mô hình nuôi tôm toàn đực cũng cho biết: "Giống tôm đực mới có năng suất rất cao vì với 90.000 con giống, thu hoạch trên 400 triệu đồng khi tổng chi phí đầu tư trọn vụ là 160 triệu đồng. Như vậy nuôi 90.000 con bảo đảm lãi 200 triệu đồng".
Vụ tôm năm 2013 này, toàn huyện Lấp Vò có hơn 150 hộ nuôi tôm với diện tích 185ha. Ông Lâm Minh Điển - Phó trưởng Trạm Thủy sản huyện Lấp Vò cho biết: "Huyện Lấp Vò có 9 hộ nuôi tôm toàn đực với diện tích khoảng 11ha tập trung chủ yếu ở Mỹ An Hưng B, Long Hưng B, Tân Mỹ. Hiện nay, các hộ trên đã nuôi được khoảng 6 tháng, tốc độ tăng trưởng của tôm toàn đực tương đối nhanh, kích cỡ đồng đều, màu sắc đẹp, đặc biệt tỷ lệ sống cao.
Với những ưu thế vượt trội của giống tôm toàn đực sẽ giúp nhiều hộ nuôi tôm giải quyết được bài toán "đau đầu" về con giống, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 7-5, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức xét duyệt, thông qua dự án “Chăn nuôi heo, gà tập trung trên nền đệm lót sinh học gắn với xây dựng công trình khí sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường”. Dự án do Phó Trưởng phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Nguyễn Hoàng Chiến làm chủ nhiệm.

Nắm bắt cơ hội, mạnh dạn chuyển đổi, ông Đặng Văn Thể (Chùa Hang - Đồng Hỷ - Thái Nguyên) đã từ bỏ hơn 300 thùng ong mật nội chuyển hướng sang nuôi ong mật ngoại cho thu nhập gấp nhiều lần.

Thông qua sinh hoạt, Hội Nông dân huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đã vận động hội viên nông dân chuyển đổi vườn tạp để trồng những loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xoài, cam, dừa, sơ ri là những loại cây mà địa phương này hướng đến. Trong đó, dừa được xem là loại cây trồng có giá trị và phát triển tốt.

Với bản tính cần cù, chịu khó, anh Nguyễn Văn Chiển, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng - Nam Định) là một nông dân dám nghĩ, dám làm đã tập trung vốn, xây dựng trang trại chăn nuôi vịt đẻ, vịt thịt trên diện tích hơn 5.000m2. Năm 2014, anh đã nuôi thành công đàn vịt trời trên 3.000 con, cho thu nhập khá.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng đệm lót sinh thái được nông dân các địa phương tích cực thực hiện, nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo vệ sinh, môi trường.