Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Thị Xã Sông Cầu Phát Huy Vai Trò Tổ Quản Lý Cộng Đồng
Năm 2014, TX Sông Cầu (Phú Yên) có chủ trương đa dạng hóa các vật nuôi thủy sản thân thiện với môi trường, phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở quản lý chặt chẽ quy hoạch các vùng nuôi. Tổ quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu là một nhân tố quyết định đến sự thành công của vụ nuôi, đồng thời giúp ngư dân nuôi thủy sản bền vững.
Hiệu quả từ tổ quản lý cộng đồng
TX Sông Cầu có diện tích mặt nước đầm vịnh nuôi trồng thủy sản lớn nhất tỉnh, ngư dân đang nuôi 12.000 lồng tôm hùm thịt, khoảng 2.000 lồng tôm hùm ươm, hơn 4.400 lồng cá mú. Ngoài ra, tại TX Sông Cầu người dân còn nuôi ốc hương chắn đăng khoảng 10ha, 775ha tôm và khoảng 385ha nuôi các đối tượng thủy sản khác.
Để có môi trường vùng nuôi ổn định và phát triển theo hướng bền vững, tổ quản lý cộng đồng nuôi trồng thủy sản (tổ QLCĐ) góp phần rất lớn, quyết định đến vụ nuôi thành công hay thất bại. Ông Lê Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ QLCĐ số 4 thuộc khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, cho biết: “Được thành lập từ năm 2008, đến nay Tổ QLCĐ số 4 đã có 26 thành viên tham gia và hiện có một số đơn tiếp tục xin gia nhập tổ.
Mấy năm nay, nhiều hộ nuôi trong tổ có thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng (lãi ròng). Có được thành quả này là nhờ các thành viên trong tổ chấp hành tốt quy ước hoạt động của tổ nên môi trường vùng nuôi được ổn định, tình hình dịch bệnh trên tôm hùm được khống chế”.
Theo UBND phường Xuân Yên, người nuôi thủy sản trên địa bàn phường chấp hành rất tốt quy ước hoạt động như thả nuôi đúng lịch thời vụ, đúng mật độ, thường xuyên kiểm tra thức ăn đối với tôm nuôi và đặc biệt các hộ nuôi rất ý thức trong việc thu gom rác thải ở khu vực vùng nuôi đem vào bờ xử lý.
Nhờ có tổ QLCĐ mà các thành viên được tập huấn về kỹ thuật nuôi, cách phòng ngừa và xử lý bệnh trên thủy sản nuôi, đồng thời thường xuyên trao đổi kinh nghiệm để chăm sóc cho thủy sản nuôi được tốt hơn. Thông qua tổ QLCĐ, nhiều tổ viên được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, được các thành viên khác trong tổ giúp đỡ về vốn khi có rủi ro xảy ra.
Nhờ vậy, trong 2 năm qua, phường Xuân Yên có nhiều hộ nuôi thủy sản rất thành công, thu nhập mỗi năm trên 400 triệu đồng như Nguyễn Văn Đảo, Nguyễn Văn Khánh, Trần Văn Thuận, Nguyễn Ngọc Công, Nguyễn Văn Sáng, Hà Thị Lan, Phạm Văn Xin, Bùi Văn Khỏe… Ông Trần Quang Viên, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Yên, cho biết: “Hiện nay, toàn phường có hơn 4.000 lồng tôm hùm, 10 tổ QLCĐ với hơn 315 thành viên tham gia, hoạt động ổn định.
Ngoài việc bảo vệ môi trường vùng nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế, các tổ QLCĐ còn giữ gìn an ninh trật tự tại vùng nuôi. Với lợi thế nuôi thủy sản trong khu vực vịnh Xuân Đài, nhiều hộ nuôi còn tham gia chở khách tham quan du lịch để tăng thêm thu nhập”.
Hướng đến vùng nuôi bền vững
Năm 2014, chủ trương của TX Sông Cầu là đa dạng hóa các vật nuôi thủy sản, thân thiện với môi trường, phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở quản lý chặt chẽ quy hoạch các vùng nuôi theo hướng bền vững. Thực tế việc đa dạng các đối tượng nuôi trồng thủy sản ở TX Sông Cầu thời gian qua đã tạo ra sự cân bằng sinh thái tự nhiên cho môi trường sống của các đối tượng thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch UBND phường Xuân Yên, cho biết: “Để phát triển vùng nuôi bền vững, ngoài đa dạng hóa các vật nuôi thân thiện với môi trường, tổ QLCĐ đóng vai trò rất lớn. TX Sông Cầu là địa phương có sản lượng thủy sản nuôi hàng năm rất lớn, tỉnh và thị xã cần thành lập một cơ quan thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản để nghiên cứu, đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi nhằm giúp người dân hạn chế thiệt hại, phát triển nuôi trồng bền vững hơn”.
Theo UBND TX Sông Cầu, để phát triển các vùng nuôi theo hướng bền vững thì hạn chế phát triển số lượng ở mức khoảng 16.000 lồng. UBND thị xã đã quy hoạch xong 4 vùng nuôi mặt nước biển gồm Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Thành, còn 2 vùng nuôi Xuân Yên, Xuân Đài đã khảo sát xong và sẽ phê duyệt trong tháng 3 này.
Đến nay, TX Sông Cầu đã thành lập được 153 tổ QLCĐ với hơn 2.835 thành viên, hầu hết các tổ QLCĐ đều hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả. Sắp đến thị xã sẽ triển khai các giải pháp, chế tài trực tiếp, gián tiếp để hạn chế ô nhiễm môi trường trên tất cả các vùng nuôi, đặc biệt ở khu vực đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: “Thị xã đã phân bổ chỉ tiêu nuôi trồng thủy sản năm 2014 cho các xã, phường và ban hành các văn bản chỉ đạo trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi, nuôi luân canh, xen canh với một số vật nuôi thủy sản khác.
UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo các xã, phường quản lý, bố trí lồng, bè theo phương án phân vùng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển đã được phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương củng cố, kiện toàn các tổ QLCĐ, tham mưu nội dung sinh hoạt cho các tổ QLCĐ để quản lý vùng nuôi và phòng, chống dịch bệnh đối với thủy sản nuôi.
Thời gian qua, UBND TX Sông Cầu cũng đã hợp đồng với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III để nghiên cứu đối tượng nuôi mới và hướng dẫn, tập huấn người nuôi thủy sản chăm sóc, quản lý vật nuôi tốt hơn.
Ngoài ra, các địa phương còn hướng dẫn người nuôi chủ động thực hiện thả nuôi tôm theo đúng quy trình, hạn chế dịch bệnh tôm, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn cho người nuôi thủy sản về kỹ thuật phòng, trị bệnh cho tôm hùm. Đồng thời, triển khai các mô hình nuôi mới theo nguồn vốn khuyến nông của thị xã và các mô hình về vật nuôi thủy sản mới theo nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia”.
Có thể bạn quan tâm
Không có mặt bằng, không nghề nghiệp, không có vốn nhưng nhờ đam mê hoa lan và mạnh dạn đầu tư đã giúp gia đình chị Lê Thị Hồng Hạnh (thôn Phú Trung, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang, Khánh Hòa) có được cơ ngơi khang trang, con cái đều học tập thành đạt và đã tạo được uy tín cho nhiều khách hàng.
Cây lúa là cây trồng chính của tỉnh Quảng Nam, diện tích gieo trồng vụ hè thu có khoảng 44.000 ha, trong đó khoảng trên 5.000 ha đất lúa không chủ động nước, sản xuất kém hiệu quả cần được chuyển đổi.
Trong chăn nuôi trâu bò gia trại và trang trại cần bố trí, quy hoạch đất để trồng cây thức ăn. Tùy theo quy mô chăn nuôi, phương thức chăn nuôi và các điều kiện cụ thể về đất đai mà quy hoạch khu trồng cỏ thâm canh để thu cắt hoặc khu trồng cỏ để chăn thả luân phiên hoặc cả hai.
Chiều 10-9, ông Tiết Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết vừa tiêu hủy 120 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ nuôi vỗ trong bể ương của Trại sản xuất tôm giống Hoàng Duy (ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, Cà Mau) do ông Chu Hoàng Thái làm chủ.
Trạm Khuyến nông huyện Vân Canh (Bình Định) vừa đưa vào nuôi thử nghiệm mô hình cá chình bông thương phẩm ở hai hộ gia đình ông Ung Minh Hải ở thôn 3, thị trấn Vân Canh và ông Phạm Văn Thanh ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển. Tổng chi phí đầu tư cho mô hình gần 100 triệu đồng với lượng giống cá chình ban đầu thả nuôi là 70kg (loại giống có kích cỡ 100g/con).