Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Ba Bể

Mặc dù là tỉnh miền núi nhưng Bắc Kạn vẫn có tiềm năng phát triển kinh tế thuỷ sản. Thời gian qua, những chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích phát triển ngành kinh tế này đã giúp thuỷ sản dần trở thành hướng đi xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân ở các huyện: Ba Bể, Chợ Mới,...
Đối với huyện Ba Bể, bên cạnh hồ Ba Bể, địa phương còn có hồ Pé Vài, dòng sông Năng, sông Chợ Lèng, sông Hà Hiệu và các con suối, khe rạch, thuận lợi cho phát triển ao nuôi trồng thuỷ sản. Từ bao đời nay, cư dân ở các xã quanh hồ Ba Bể như: Nam Mẫu, Khang Ninh, Quảng Khê, Cao Thượng, Thượng Giáo… đã khai thác, đánh bắt nguồn lợi thuỷ sản trên sông, hồ, không ít hộ mưu sinh ổn định bằng nghề này. Một người dân ở thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu chuyên sống bằng nghề đánh cá trên sông Năng và hồ Ba Bể cho biết: Trung bình mỗi ngày ông đánh bắt được khoảng từ 2-2,5kg cá, thu nhập từ đánh bắt tôm cá khoảng 150-200 nghìn đồng/ngày, chưa kể làm thức ăn trong gia đình, ổn định cuộc sống cho có 4 miệng ăn. Trao đổi về nuôi trồng thủy sản, đồng chí Đặng Thị Anh Thơ, Trưởng phòng nông nghiệp-PTNT huyện Ba Bể cho biết: Toàn huyện có khoảng trên 100ha diện tích nuôi trồng thủy sản, hiện nay, ngoài việc nuôi cá lồng được chú trọng mở rộng ở xã Khang Ninh, còn lại hầu hết là nuôi cá ao, nuôi truyền thống là chủ yếu. Trung bình mỗi năm toàn huyện thu sản lượng thủy sản dao động khoảng 187-200tấn.
Hồ Bản Vài, thuộc xã Khang Ninh, còn gọi là hồ Pé Vài, với diện tích mặt nước khoảng hơn 10 ha, những năm qua, không chỉ khai thác nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, mà còn nuôi cá lồng, hiện nay, việc nuôi cá lồng được thực hiện nhiều xã Khang Ninh, cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm/hộ. Nuôi cá lồng là hình thức thâm canh ở môi trường nước lưu thông nên có thể thả cá với nhiều chủng loại như: trắm cỏ, trê lai, rô phi, cá quả… vật liệu làm lồng dễ kiếm, có thể dùng những vật liệu có sẵn ở vùng núi như tre, luồng, nứa và các lưới sắt, thùng nhựa, tấm xốp… nên chi phí ban đầu bỏ ra không quá lớn. Mật độ nuôi cá tùy theo khả năng cung cấp thức ăn mà có thể thả từ 40- 60 con/m2 lồng. Nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật sản lượng cá có thể đạt từ 12- 20 kg/m2 lồng. Để hỗ trợ người dân có điều kiện mở rộng số lượng lồng, nâng cao thêm thu nhập, năm 2010, Dự án quan hệ đối tác vì người nghèo (3PAD) đã hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho bà con và 1.200 nghìn đồng/hộ tiền mua vật liệu làm lồng. Năm 2012, Trung tâm khuyến nông-khuyến lâm tỉnh tiếp tục hỗ trợ thí điểm cho 2 hộ 100% cá giống và 60% thức ăn. Đến nay, tại hồ Pé Vài đã nhân lên được trên 20 lồng cá, với hàng chục hộ dân tham gia phát triển, trung bình mỗi năm trừ chi phí thu được khoảng từ 25-30 triệu đồng trở lên.
Thực tế cho thấy mô hình nuôi cá lồng có thể tận dụng được tiềm năng về nguồn nước, nguồn thức ăn thiên nhiên sẵn có và có thể sử dụng nhân lực ở nhiều lứa tuổi. Với một địa phương được thiên nhiên ưu đãi nhiều nguồn lợi cho việc phát triển kinh tế thuỷ sản như ở Khang Ninh thì đó là một hướng phát triển kinh tế triển vọng. Bên cạnh việc nuôi cá lồng ở Khang Ninh thì nhiều địa phương đã áp dụng mô hình nuôi cá trên ruộng lúa. Không chỉ các thôn vùng thấp, các thôn vùng cao cũng chọn nuôi loại cá phù hợp với điều kiện khí hậu để nuôi. Cụ thể là một số hộ dân đồng bào Dao Phiêng Phàng, xã Yến Dương, mặc dù khí hậu nơi đây có khắc nghiệt, nhưng ngoài thực hiện nuôi cá ao, bà con còn nuôi cá ruộng, theo bà con, việc nuôi cá ruộng chưa thực sự cho thu nhập cao, nhưng bước đầu cũng đã có cá bán và giải quyết ổn định thức ăn trong gia đình, giảm bớt một phần chi tiêu. Sau khi cấy xong lúa mùa chừng 15 ngày, người dân bắt đầu thả cá con xuống ruộng, khoảng 1 tháng sau thì được thu hoạch. Trừ mọi khoản chi phí, mỗi ha nuôi cá trên ruộng thu về hàng chục triệu đồng.
Theo các hộ dân nuôi cá lồng thì đối với cá trắm, nuôi trong khoảng thời gian một năm trở lên có trọng lượng từ 1,5 - 2 kg. Thức ăn chủ yếu là rong rêu tự nhiên tại hồ và bột ngô sẵn có nên không tốn nhiều vốn đầu tư. Từ mỗi hộ 1-2 lồng nuôi thử những năm đầu, hiện nay, nhiều hộ đã nhân lên được nhiều lồng, nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi. Với kinh nghiệm đã đúc kết qua nhiều năm, kết quả từ những lồng cá thu nhập ngày càng cao. Nuôi cá lồng thu nhập gấp 2-3 lần làm ruộng, hơn cả chăn nuôi lợn vì đầu tư ít vốn. Sản phẩm được lái buôn đến tận nhà đặt hàng đem bán lẻ tại các chợ trong, ngoài huyện. Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2010-2015 xã Khang Ninh đã đề ra, tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình nuôi cá lồng; quản lý khai thác hợp lý nguồn thủy sản từ hồ; mở rộng cơ sở chế biến tép chua, tôm, cá để trở thành sản phẩm hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế thủy sản cũng còn nhiều khó khăn, trong đó, nổi bật là khâu tiêu thụ và tìm đầu ra cho sản phẩm của người nông dân. Thực tế hiện nay, nhiều hộ đã thay đổi nhận thức từ thả cá sang nuôi cá. Nhưng, nếu đánh giá một cách tổng quan thì kinh tế thuỷ sản của Ba Bể vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Do thiếu vốn, kỹ thuật và chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía ngành chức năng nên các hộ dân thường nuôi nhỏ lẻ, năng suất chưa cao, chưa thực sự trở thành hàng hoá. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực của người nông dân, rất cần sự hỗ trợ, khuyến khích của các ngành chức năng hơn nữa để phát triển kinh tế thuỷ sản thực sự là một hướng đi hiệu quả góp phần xoá đói giảm nghèo cho bà con nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), người dân trồng gừng Tết năm nay trúng mùa, được giá. Toàn huyện có gần 200 ha gừng Tết, được trồng ở các xã: Quơn Long, Bình Phan, Bình Phục Nhứt và Tân Thuận Bình.

Sau nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng quy mô, đến nay gia đình anh Thảo đã có trại nấm mèo, bào ngư gần 100 bịch. Anh Thảo cho biết: Trồng nấm dễ, không mất nhiều thời gian, công sức nhưng để duy trì nghề này thì phải biết kỹ thuật, kinh nghiệm và kiên trì, chịu khó.

Cách đây gần 10 năm, gia đình ông Nguyễn Minh Thiềm, tiểu khu 6, thị trấn Neo (Yên Dũng) tham gia dự án trồng dó bầu với diện tích 0,6 ha. Đến nay, một số cây được cấy trầm bắt đầu cho thu hoạch. Ông Thiềm nói: “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn là sau khi cấy chế phẩm trầm, vết sẹo trên cây dó có hình bầu dục, không bị liền bởi các thớ gỗ. Khi thu hoạch, cưa cây tại điểm cách gốc khoảng 10 cm. Phần còn lại để trau mầm, đỡ công trồng cây mới cho lứa tiếp theo. Công ty TNHH Lâm Viên (Hà Nội) thu mua mức giá 40 nghìn đồng/kg gỗ, với 1,2 tấn cây dó cấy trầm, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng”.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã trồng hơn 493ha chè, tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc. Trong đó, Phước Lộc là xã có diện tích chè trồng dưới tán điều cao nhất (148ha), kế đến là thị trấn Đạ M’ri (113ha) và xã Hà Lâm (90ha). Các xã Đoàn Kết, Đạ P’Loa và Đạ M’ri, mỗi xã có gần 80ha.

Hiện nay, đối với những diện tích cà phê già cỗi đang trong giai đoạn nhổ bỏ chuẩn bị tái canh, người sản xuất phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc ổn định đời sống vì thiếu hụt nguồn thu nếu không có giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Vì thế, việc phát triển sản xuất cây khoai tây giống Atlantic trên đất cải tạo tái canh cà phê là một biện pháp hữu hiệu đã và đang triển khai tại TP. Buôn Ma Thuột.