Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng Đi Mới Cho Hành Tím Vĩnh Châu

Hướng Đi Mới Cho Hành Tím Vĩnh Châu
Ngày đăng: 21/01/2013

Sau bao phen thăng trầm, nghề trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) sắp có cơ hội vươn xa hơn, bởi nơi đây lần đầu tiên vừa thí điểm thành công và được cấp chứng nhận mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).

Từ bỏ lối trồng hành củ kém hiệu quả

Nghề trồng hành tím được duy trì trong cộng đồng người Hoa, người Khmer Vĩnh Châu hàng chục năm qua. Từ việc trồng nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia đình, nghề trồng hành tím nơi đây dần phát triển. Đến nay, Vĩnh Châu đã có trên 5.000 ha hành tím, là một trong những địa phương có diện tích trồng hành lớn nhất vùng ĐBSCL. Để nâng cao năng suất, chất lượng hành tím, thời gian qua, ngành chức năng thị xã Vĩnh Châu không ngừng tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng hành cho bà con, giúp bà con dần thay đổi tập quán trồng hành truyền thống.

Ông Dương Khươl, hộ Khmer trồng hành ở xã Vĩnh Hải, cho biết: “Thay đổi tập quán sản xuất có từ lâu đời là việc làm không phải dễ. Song, do áp lực cung cầu thị trường và đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng, nếu mình không đáp ứng được thì sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay hoặc hạn chế sử dụng, họ sẽ tìm mua những loại hành tím nơi khác đáp ứng được yêu cầu”.

Cùng quan điểm ấy, anh Thạch Huỳnh Ni, ấp Sở Tại, xã Vĩnh Phước, cho biết: “Nhờ cán bộ chỉ dẫn mà giờ đây tôi áp dụng quy trình trồng hành mới, cách bảo quản không dùng hóa chất độc đến sức khỏe mà vẫn hiệu quả, có giá cao mà lại dễ bán. Trước kia, trồng hành theo lối cũ phải sử dụng hóa chất vì không biết chất gì để thay thế”.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, khẳng định: Giá trị mang lại từ cây hành tím rất lớn, được xếp vào mặt hàng nông sản chủ lực của thị xã, chỉ sau tôm sú. Xác định rõ tầm quan trọng ấy nên thời gian qua chúng tôi luôn tìm cách giúp nhà nông trồng hành ổn định được diện tích, năng suất, chất lượng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Hướng đi mới và những kỳ vọng

Kể từ ngày hành tím Vĩnh Châu cải thiện được chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp từ TP.HCM, Lâm Đồng... bắt đầu tìm về Vĩnh Châu để đặt trạm thu mua, sơ chế, xuất khẩu đi các nước, như: Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan, Philíppin, Ấn Độ... Song để tạo được đầu ra ổn định, lâu dài, đáp ứng được điều kiện của nước nhập khẩu về tiêu chuẩn dư lượng hóa chất bảo quản…, lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu mạnh dạn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Hành tím Vĩnh Châu”. Đến cuối năm 2009 (sau 20 tháng đăng ký), Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Quyết định số 27199/QĐ - SHTT về việc chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hành tím Vĩnh Châu cho Câu lạc bộ Hành tím Vĩnh Châu (nay là HTX Hành tím Vĩnh Châu), thuộc ấp Cà Lăng A Biển (xã Vĩnh Châu). HTX này có 29 thành viên, chủ yếu là người Khmer và người Hoa, canh tác hành tím trên tổng diện tích hơn 34 ha, mỗi năm sản xuất từ 700 - 800 tấn hành thương phẩm.

Vụ hành 2011, HTX này được sự hỗ trợ từ Chi cục Bảo vệ thực vật và Sở KHCN Sóc Trăng thực hiện mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sau một thời gian triển khai, ngày 26/4/2012, xã viên nơi đây đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, cho biết: Thành công bước đầu là cơ hội để hành tím Vĩnh Châu tiến sâu vào những thị trường khó tính, bán được giá cao. Tuy nhiên, để vươn xa hơn, ngoài chuyện chất lượng cần phải đảm bảo số lượng. Muốn vậy, trồng hành theo quy trình GlobalGAP thời gian tới sẽ được mở rộng diện tích, áp dụng đại trà cho đông đảo nông hộ trong vùng. Thị xã đã giao ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất hành theo quy trình GlobalGAP vụ mùa 2012 này, cố gắng nhân rộng đến mức có thể.

Diện tích trồng hành tím thương phẩm ở Vĩnh Châu từ 5.000 - 7.000 ha/năm, sản lượng có thể lên đến 150.000 tấn, chỉ sau hơn 2 tháng gieo trồng. Ước tính của ngành chuyên môn, chỉ cần bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg, giá trị từ cây hành mang lại tương đương với 50.000 ha lúa sản xuất trong một năm.

 


Có thể bạn quan tâm

Xuất Khẩu Trái Cây Năm Nay Sẽ Thuận Lợi Xuất Khẩu Trái Cây Năm Nay Sẽ Thuận Lợi

Xuất khẩu rau quả trong hai tháng đầu năm nay đạt 136 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 22% so với cùng kỳ và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) hy vọng mặt hàng rau quả có thể đem về khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

13/03/2014
Nuôi Cá Lăng Vàng Mô Hình Mới Hứa Hẹn Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Nuôi Cá Lăng Vàng Mô Hình Mới Hứa Hẹn Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi cá lăng vàng không chỉ là hướng đi mới, mà còn hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển phong trào nuôi trồng thuỷ sản và cải thiện đời sống thu nhập cho bà con nông dân huyện Đông Triều (Quảng Ninh).

13/03/2014
Giải Pháp Phát Triển Thủy Sản Bền Vững Giải Pháp Phát Triển Thủy Sản Bền Vững

Để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, bên cạnh việc quy hoạch bãi giống, bãi đẻ thì việc tái tạo nguồn lợi thủy sản đang được quan tâm.

13/03/2014
Chứng Nhận Gia Cầm An Toàn Phao Cứu Sinh Chăn Nuôi Chứng Nhận Gia Cầm An Toàn Phao Cứu Sinh Chăn Nuôi

Nhiều hộ chăn nuôi dù đã bảo vệ thành công đàn gia cầm trong dịch cúm, nhưng lại khó bảo vệ kinh tế của mình trước lượng cầu đang sụt giảm.

13/03/2014
Giá Heo Hơi Tăng Kỷ Lục Giá Heo Hơi Tăng Kỷ Lục

Tại các chợ, giá thịt heo cũng tăng từ 3-5 ngàn đồng/kg. Theo các thương lái chuyên mua heo giết mổ đưa về các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, khả năng giá heo hơi sẽ còn tiếp tục giữ mức cao trong một vài tuần tới.

13/03/2014