Nuôi Heo Không Tắm
Nhiều nông dân đã mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới từ việc nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học trong việc chăn nuôi, sản xuất của mình. Nhờ những ứng dụng này, không chỉ hiệu quả sản xuất tăng cao mà còn mở ra những hướng mới cho người nông dân trong công việc.
Chỉ về lứa heo “không tắm” đầu tiên của mình, ông Khải cười hể hả: “Giờ mới tin là heo không cần tắm vẫn có thể khỏe mạnh bình thường, tui đang chuẩn bị xây thêm chuồng để chuyển dần tất cả trang trại của mình sang nuôi mô hình này”.
Heo không tắm
Đệm lót sinh học là một chế phẩm sinh học mới, được tạo ra bằng cách trộn hỗn hợp men vi sinh với trấu và mùn cưa tạo một lớp nền dày trong chuồng, trại để chăn nuôi. Ngoài việc khử mùi hôi, tấm đệm lót này còn có thể chuyển hóa phân và tạo ra những vi khuẩn có lợi giúp vật nuôi khỏe mạnh. Đặc biệt, người nuôi heo khi đã thả heo vào nuôi thì chỉ việc cho ăn chờ heo lớn, không phải vất vả tắm xả, giữ vệ sinh chuồng như cách nuôi truyền thống.
Nuôi heo gần chục năm, là một trang trại lúc nào cũng phải lo lắng cho gần 500 con heo, ông Khải và bốn nhân công của mình vốn làm không hết việc. “Chỉ cần giữ vệ sinh chuồng trại với tắm heo thôi cũng đủ oải, chưa kể lúc heo có biểu hiện bệnh, ốm thì y như rằng không có giờ ngủ”, ông Khải kể. Rồi một ngày thấy trên truyền hình có quay cảnh Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đi khảo sát và khuyến khích mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học ở Hà Nam, ông Khải hỏi thăm những nhà cung cấp loại men làm đệm lót này và tự mày mò làm chuồng, trộn trấu thả heo nuôi. Có điều vẫn chưa dám đánh đổi cả cơ nghiệp mình cho một cách nuôi hoàn toàn mới mẻ, và có phần hoàn toàn “phản truyền thống”, ông Khải chỉ dám xây hai chuồng loại 20m2 và thả 50 con heo vừa bỏ bú vào nuôi.
Đó là chuyện của hơn hai tháng trước, giờ thì lứa heo đó hơn 40kg. Con nào cũng khỏe mạnh, căng thịt, háu ăn và chưa từng phải tốn của ông Khải một mũi thuốc mặc dù... sống ngay trên phân của chúng. Dù theo nguyên tắc của những nhà chế phẩm loại đệm lót này, mỗi một lần tạo đệm lót có thể sử dụng cho nhiều lứa heo. Nhưng ông Khải đã kỹ tính xây nhiều chuồng sát nhau, cứ thế tạo đệm lót rồi luân chuyển heo đổi chuồng xoay vòng khi thấy đệm lót có dấu hiệu... dơ.
“Giờ mới thấy không cần thiết, mình thì cứ nghĩ con heo thải ra rồi dù thuốc có thần tiên thế nào cũng không khỏi xảy ra tình trạng dơ làm con heo khó chịu. Nhưng không biết nó chuyển hóa thế nào mà con heo ngoài ăn cám thì suốt ngày cứ chúi mũi xuống nền chuồng tiếp tục rà ăn”, ông Khải cho biết. Hàng xóm cũng bớt phiền hà khi ở quanh một trại chăn nuôi heo lớn của ông Khải, bởi loại men vi sinh này có tác dụng khử ngay mùi hôi nước tiểu và phân thải của heo.
Ngoài mùi cám, chúng tôi không phải ngửi thấy bất cứ mùi khó chịu gì khác trong khi đi thăm những “chuồng heo sinh thái” của ông Khải.
Thế là chỉ từ một ký men vi sinh ban đầu giá chưa tới 100.000 đồng, cộng với công ban đầu phải trộn mùn cưa và trấu, ông Khải chỉ việc cho heo ăn thức ăn, uống nước và chờ xuất chuồng. “Tính ra tui giảm được khoảng 25% chi phí so với cách nuôi trước đây. Nhưng điều quan trọng nhất là rất ít tốn công lao động và bớt được mối lo heo bệnh”, ông Khải nhận định.
Từ thành công ban đầu của ông Khải, những hộ dân ở các khu vực lân cận bắt đầu tìm đến học tập mô hình, cả xứ dừa đến giờ đã có gần chục hộ bắt đầu làm theo mô hình này.
Nuôi gà không mùi hôi
Ngược về Mỏ Cày Bắc, chúng tôi tiếp tục tham quan nhiều trại chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học ở vùng này. Dẫn vào một chuồng gà thả rộng 60m2, có sử dụng đệm lót sinh học ở xã Phú Mỹ, anh Nguyễn Văn Thông, cán bộ Trạm Khuyến nông, khuyến ngư Mỏ Cày Bắc, cho biết: “Chúng tôi đã thí điểm và cho nhân rộng mô hình này từ bốn tháng trước, ngoài việc chuồng trại không có mùi hôi, con gà nuôi bởi mô hình này tăng trọng nhanh hơn cách nuôi truyền thống và lông rất mượt, bán được giá hơn khoảng 5% so với trước”.
Cũng như nuôi heo, người nuôi gà chỉ cần chuẩn bị nền chuồng bằng cách trộn men vi sinh với trấu và dàn đều ra trong chuồng rồi thả gà. Hiện tại có khoảng 400 hộ nuôi gà ở Mỏ Cày Bắc thì đã có hơn 200 hộ được vận động chuyển qua mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Trạm Khuyến nông, khuyến ngư Mỏ Cày Bắc đang đề xuất thí điểm mô hình nuôi heo sinh thái bằng tấm lót sinh học để khuyến khích các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn đi theo mô hình này.
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp được xem là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học này. Ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Tháp, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích người nông dân chăn nuôi theo mô hình này để đảm bảo không ô nhiễm nguồn nước, môi trường.
Trong những đợt thí điểm mô hình nuôi heo sinh thái bằng đệm lót sinh học, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã hỗ trợ người dân 40% con giống và hỗ trợ toàn bộ vi sinh cho nông dân để xây dựng mô hình này cho các hộ chăn nuôi.
Trước đây, ngành nông nghiệp địa phương từng có nhiều phương án chỉ dẫn người nông dân nuôi heo cách thức xử lý phân heo, nước thải làm hầm biogas, phân hữu cơ nhưng vẫn không hạn chế được việc ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Do đó hình thức chăn nuôi sinh thái bằng đệm lót sinh học đang là sự lựa chọn chính cho ngành nông nghiệp chăn nuôi của tỉnh để hướng tới việc giữ gìn môi trường, nguồn nước và hạn chế được dịch bệnh trong chăn nuôi. Không chỉ chăn nuôi heo, Đồng Tháp cũng đang tiếp tục lên phương án để khuyến khích các hộ nuôi gia cầm chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi này.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 29-10, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất lương thực năm 2015 và sơ kết xây dựng Cánh đồng lớn sản xuất lúa; phương hướng, nhiệm vụ năm 2016.
Tính đến nay, diện tích lúa thu đông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xuống giống được 143.000ha, vượt 43% so với kế hoạch và tăng 20.000ha so với cùng kỳ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thạch ở thôn Chùa, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thực hiện mô hình trồng gừng trâu dưới tán vải thiều. Hiệu quả là tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất.
Mới đây, Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Đắk Nông đã tổ chức đoàn kiểm tra chất lượng giống cây mắc ca tại các cơ sở gieo ươm, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, nguồn giống tại các cơ sở này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi người dân mua giống về trồng.
Tốt nghiệp Trung cấp cơ khí và là thợ sửa chữa máy trong thời bao cấp nhưng ông Đoàn Đắc Miên tại xã Sơn Nguyên - huyện Sơn Hòa – tỉnh Phú Yên được biết đến với tên gọi là ông Miên “mía”. Biệt danh Miên “mía” gắn chặt với cuộc đời lão nông tri điền này đã hơn 20 năm.