Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi trồng thủy sản mũi nhọn phát triển kinh tế

Nuôi trồng thủy sản mũi nhọn phát triển kinh tế
Ngày đăng: 25/09/2015

Từ sản xuất tôm giống chất lượng đến các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Bạc Liêu còn là tỉnh đầu tiên trong cả nước có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính.

Nâng cao chất lượng sản xuất và nuôi trồng thủy sản

Công ty TNHH Tôm giống Dương Hùng (gọi tắt là doanh nghiệp Dương Hùng) là một trong những cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng của tỉnh.

Doanh nghiệp này còn được biết đến với những hoạt động hỗ trợ người nuôi về kỹ thuật và xây dựng cơ sở vật chất để vụ nuôi đạt hiệu quả, an toàn. Với phương châm luôn đem lại con giống chất lượng tốt nhất, tôm giống của doanh nghiệp Dương Hùng đảm bảo cho nông dân có những vụ nuôi thành công.

* Xét nghiệm chất lượng tôm giống trước khi xuất bán ở Công ty TNHH Tôm giống Dương Hùng.

* Tập đoàn Việt - Úc thu hoạch tôm nuôi trong nhà kính.

Với 2.100 hồ ương tôm, hàng năm doanh nghiệp Dương Hùng sản xuất hàng tỷ con tôm giống chất lượng. Tôm giống Dương Hùng luôn đồng hành cùng nông dân, mỗi năm hỗ trợ hàng triệu con tôm giống cho nông dân nghèo, giúp họ có điều kiện sản xuất.

Thực hiện chương trình liên kết với nông dân, doanh nghiệp Dương Hùng phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm cho nông dân, hỗ trợ nông dân có tôm giống sạch bệnh để sản xuất đạt hiệu quả.

Còn Tập đoàn Việt - Úc không chỉ nổi tiếng trong cả nước về lĩnh vực sản xuất tôm giống, mà còn được trong và ngoài nước biết đến với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính.

Với khát vọng nâng tầm con tôm Việt, năm 2015, Tập đoàn Việt - Úc đã triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Đây là mô hình hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, được Bộ NN&PTNT đánh giá cao.

Mô hình này được Tập đoàn Việt - Úc triển khai tại ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) với diện tích 50ha, hơn 410 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 500m2, mật độ thả 200 - 500 con/m2. Mô hình này áp dụng các công nghệ vượt trội như công nghệ của Isarel, hệ thống lọc nước của Mỹ…

Mô hình được thực hiện gồm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Giai đoạn 1, công ty thả nuôi trong 5 khu nhà kính với 90 ao. Sau hơn 3 tháng thả nuôi tôm phát triển tốt, đạt hiệu quả 100%. Năng suất mỗi ao đạt từ 2 - 4 tấn, tương đương 40 - 80 tấn/ha/vụ, 120 - 240 tấn/ha/năm.

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, cho biết: “Mô hình nuôi tôm trong nhà kính của chúng tôi đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm do quy trình nuôi ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ưu điểm của mô hình là cho năng suất cao và kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro do thời tiết, giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường bên ngoài... Đây là những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của lĩnh vực nuôi tôm”.

Tập đoàn Việt - Úc đã được Bộ NN&PTNT trao giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát đánh giá: “Mô hình siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt-Úc kiểm soát chặt chẽ những điều kiện trong quá trình nuôi tôm, từ đó hạn chế những rủi ro do dịch bệnh.

Trong tương lai, công nghệ này sẽ được áp dụng rộng rãi trên cả nước, không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn hướng tới các hộ gia đình. Từ những ưu điểm của mô hình, việc nuôi tôm theo công nghệ này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân”.

Chung tay làm tốt công tác an ninh xã hội

Ngoài việc tập trung sản xuất, kinh doanh, các công ty, doanh nghiệp cũng đã chung tay cùng chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội.

Điển hình như doanh nghiệp Dương Hùng, bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh tôm giống, còn tạo việc làm ổn định tại địa phương cho hơn 500 lao động với mức lương từ 3 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Doanh nghiệp có những chính sách ưu đãi cao để tuyển “nhân tài” vào làm việc, như chia lợi nhuận cho đội ngũ kỹ thuật. Nhờ vậy, trung bình mỗi cán bộ kỹ thuật được trả 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, doanh nghiệp Dương Hùng còn mua bảo hiểm cho công nhân, dự định sẽ xây nhà trẻ để tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân gửi con cái, từ đó yên tâm gắn bó và cống hiến cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hàng năm doanh nghiệp còn trích ra một khoản lợi nhuận để đóng góp vào quỹ An sinh xã hội của địa phương.

Từ năm 2010 - 2014, doanh nghiệp đóng góp cho công tác này gần 2 tỷ đồng. Năm 2015, doanh nghiệp trích 1 tỷ đồng lợi nhuận làm công tác an sinh xã hội.

Còn Tập đoàn Việt - Úc đã hỗ trợ cho 5 hộ nông dân ở các huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu thí điểm nuôi tôm trong nhà kính, mỗi hộ nuôi 200m2 (bao gồm 100m2 ao lắng và 100m2 ao nuôi). Đến nay, các hộ đang ủi ao, trải bạt và làm nhà kính…

Ông Lê Minh Khái, Chủ tịch UBND tỉnh, nhận xét: “Thời gian qua, Tập đoàn Việt - Úc đã khẳng định được vị thế và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực thủy sản.

Hy vọng, thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục phát huy hơn nữa các lợi thế tiềm năng; hỗ trợ nông dân thí điểm mô hình nuôi tôm trong nhà kính với quy mô nhỏ.

Đồng thời, đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi, từng bước khẳng định vị thế con tôm Việt Nam”.


Có thể bạn quan tâm

Dọn đường xuất khẩu nhãn chín muộn sang Mỹ Dọn đường xuất khẩu nhãn chín muộn sang Mỹ

Là một trong bốn loại cây ăn quả chủ lực nằm trong đề án phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, nhãn chín muộn là đặc sản của đất Hà thành, giúp nông dân vươn lên làm giàu. Đặc biệt, từ khi vải, nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, Hà Nội đang chuẩn bị các bước cần thiết để xuất khẩu nhãn chín muộn sang thị trường này.

31/08/2015
Hiệu quả từ vùng quy hoạch cây ăn trái Hiệu quả từ vùng quy hoạch cây ăn trái

Ông Lê Huy Cường - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: Năm 2008, UBND huyện quy hoạch vùng trồng cây ăn trái chủ lực đến năm 2010 gồm chôm chôm, sầu riêng, măng cụt và bưởi da xanh. 4 loại cây ăn trái chủ lực này được quy hoạch ở 2 vùng chính: phía Đông, từ xã Hưng Khánh Trung (nay là xã Hưng Khánh Trung B) đến xã Hòa Nghĩa, là vùng trồng sầu riêng và măng cụt; phía Tây, từ xã Long Thới đến xã Phú Phụng, là vùng trồng chôm chôm và bưởi da xanh. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng và thương hiệu trái cây của huyện.

31/08/2015
Trồng thử nghiệm dưa lưới trên vùng đất cát ven biển Thạch Hà Trồng thử nghiệm dưa lưới trên vùng đất cát ven biển Thạch Hà

Nhằm đa dạng hoá các loại củ quả có năng suất, chất lượng cao, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã tổ chức trồng thử nghiệm thành công 1 ha giống dưa lưới Kim Cô Nương trên vùng đất cát ven biển Thạch Văn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Kết quả bước đầu khẳng định đây là giống dưa phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Hà Tĩnh, mở ra triển vọng về giống cây trồng mới mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

31/08/2015
Xuất hiện cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm Xuất hiện cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm

Ông Nguyễn Quang Úy- Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết, trên địa bàn huyện đã xuất hiện cúm A/H5N6.

31/08/2015
Cam kết không nuôi heo bằng chất cấm Cam kết không nuôi heo bằng chất cấm

Đồng Nai vừa phát động phong trào trong giới chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm, đồng thời giám sát, tố cáo khi phát hiện hành vi vi phạm.

31/08/2015