Nuôi Trâu Thương Phẩm Hướng Thoát Nghèo Mới Cho Nông Dân
Nói đến con trâu người ta thường nghĩ ngay đến việc sử dụng sức kéo để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đàn trâu ở Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình còn có một tên gọi khác đó là con xoá đói giảm nghèo bền vững. Nhờ nó mà tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên cựu chiến binh (CCB) giảm dần theo từng năm, từ 9 hộ (năm 2013) nay chỉ còn 3 hộ.
Đây là chương trình dự án vay vốn quốc gia của Hội CCB tỉnh, lần đầu tiên được triển khai tại huyện Thới Bình. Dự án cung cấp 10 con trâu giống để hội viên CCB chăn nuôi sinh sản, nhân giống và bàn giao cho hội viên khác để phát triển. Đây là những con trâu tốt, đã được tiêm phòng đầy đủ và có chứng nhận kiểm dịch, được đặt mua ở tỉnh Kiên Giang với tổng trị giá trên 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Phép, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, bộc bạch: “Chúng tôi rất trăn trở với vấn đề nghèo đói của các hội viên CCB xã Tân Lộc Bắc. Tuy nhiên, đã qua các mô hình xoá đói giảm nghèo địa phương còn chưa thật sự bền vững. Với dự án này, chúng tôi có nhiều hy vọng hơn, bởi con trâu có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh lại đỡ tốn chi phí thức ăn, chủ yếu là lấy công làm lời nên rất phù hợp với điều kiện các hội viên nghèo tại địa phương”.
Để được nhận trâu giống về nuôi, các hội viên tham gia dự án phải cam kết thực hiện đúng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, quy trình thú y và thực hiện đúng quy định về xây dựng, phát triển đàn trâu để thu hồi vốn và bàn giao cho hội viên khác tiếp tục chương trình. Sau hơn 6 tháng nuôi, hiện đàn trâu của dự án đang phát triển rất tốt.
CCB Trần Minh Chánh, là 1 trong 9 hội viên nhận trâu về nuôi, cho hay: “Lúc mới mua trâu về, tôi cũng băn khoăn lắm, vì số vốn quá lớn (con nghé trị giá 14 triệu đồng), lại chưa có kinh nghiệm nuôi. Nhưng đến nay thì đã quen dần và con nghé ngày nào không chỉ phát triển tốt mà còn sắp đẻ thêm 1 nghé con.
So với bò, trâu dễ nuôi hơn nhiều vì sức đề kháng của trâu cao hơn, ít dịch bệnh, mùa mưa gió cũng không cần dựng chuồng trại, trong khi giá bán của trâu thương phẩm cũng tương đương bò. Hiện giá mỗi con trâu 1 năm tuổi từ 13-15 triệu đồng, còn trâu lớn có giá từ 25-40 triệu đồng. Với giá này mang lại thu nhập không nhỏ cho người nuôi”.
Với sức đề kháng tốt, lại được chăn nuôi trong vùng ngọt nên nguồn thức ăn dồi dào, đây được xem như một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả nhất hiện nay ở Tân Lộc Bắc. Đồng chí Lê Minh Đương, Thường trực Đảng uỷ xã, cho hay: “Ban Chấp hành Đảng uỷ xã đã bàn bạc, thống nhất với kế hoạch thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi trâu của CCB trong thời gian tới.
Khi HTX này thành công trong việc chăn nuôi và xuất bán trâu thịt thì cơ hội thoát nghèo cho các hội viên ngày càng cao. Không chỉ có vậy, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các hội, đoàn thể khác trên địa bàn xã để công tác xoá đói giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu”.
Nói về kế hoạch thời gian tới, ông Phạm Việt Trung, Chủ tịch Hội CCB xã, bộc bạch: “Hiện tại nguồn quỹ đồng đội của CCB xã được gần 200 triệu đồng, chúng tôi định vay thêm của Ngân hàng Chính sách - Xã hội 200 triệu đồng nữa để thành lập HTX nuôi trâu thương phẩm. Dự kiến HTX này sẽ mua trâu thịt về để vỗ béo và cho sinh sản trâu con để các hội viên tiếp tục nuôi. Với ý chí quyết tâm cao và mô hình hiệu quả thì không bao lâu sau CCB xã sẽ xoá trắng được hội viên nghèo”.
Được biết, trước khi có mô hình này, Hội CCB xã thông qua sự giúp đỡ của Hội CCB tỉnh đã thử nghiệm với nhiều mô hình sản xuất như: nuôi cá bống tượng, nuôi gà, nuôi vịt và nuôi heo,.. Tuy nhiên, từng mô hình đều có những rủi ro nhất định, năng suất đạt được không cao nên kết quả giảm nghèo chưa được như mong muốn.
Hiện tại, với mô hình nuôi trâu thương phẩm này, cấp uỷ địa phương đánh giá rất cao. Đồng chí Lê Minh Đương cho hay: “Trên địa bàn xã còn gần 1.000 ha đất trồng lúa hè thu và lúa 2 vụ, trong khi đó, trâu chỉ cần ăn cỏ và chăm sóc chuồng trại tốt là ổn.
Đối tượng CCB khó có thể đi lao động ngoài tỉnh được nên việc giữ và nuôi trâu tại địa phương là phù hợp nhất. Đây được xem là mô hình hiệu quả nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, giá con giống khá cao nên rất khó nhân rộng”.
Có thể bạn quan tâm
Sáng ngày 4/2/2015, Trạm khuyến nông huyện Châu Phú tổ chức hội thảo mô hình trồng bắp thu trái non kết hợp nuôi bò tại hộ anh Nguyễn Hoàng Mỹ, ấp Bình Hưng 2 xã Bình Mỹ (Châu Phú - An Giang). Buổi hội thảo có đại diện công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, các ngành chuyên môn của huyện và hơn 40 bà con nông dân trong huyện đến dự.
Đã hơn 10 năm nay, tại khu vườn của anh Phạm Văn Hà (40 tuổi) ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hàng trăm con gà rừng màu lông rực rỡ chạy loanh quanh dưới tán rừng trồng kiếm ăn, tối đến lại vào chuồng. Nghề nuôi gà rừng được anh Hà bắt đầu từ 7 quả trứng nhặt trong rừng đem về gây giống.
Nếu như thời điểm tháng 8/2014, nhiều tàu cá trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, trong khi giá các mặt hàng khai thác lại xuống thấp, thì vào thời điểm này ngư dân rất phấn khởi bởi sản lượng khai thác tăng và giá xăng dầu giảm sâu.
Ngày 5/2, tại Đồng Tháp, Hiệp hội cá tra Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo “Tái cấu trúc ngành cá tra gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Những ngày này, bà con các hộ làm mắm truyền thống ở Nam Ô, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đang tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng như chắt lọc, đóng chai, dán nhãn... để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ Tết. Không khí rộn ràng tràn ngập khắp làng nghề nước mắm đã nức tiếng từ thuở nào.