Nuôi tôm siêu thâm canh
Lễ khởi công Khu phức hợp SX tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành
Sau mô hình đầu tiên thành công tại Bạc Liêu, Tập đoàn Việt Úc tiếp tục xây dựng Khu phức hợp SX tôm chất lượng cao tại Bình Định.
Công nghệ độc đáo
Khu phức hợp SX tôm chất lượng cao vừa được Tập đoàn Việt Úc khởi công xây dựng tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với diện tích 300 ha, bao gồm: Khu SX giống; khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến xuất khẩu (XK) với tổng vốn đầu tư trên 500 tỉ đồng.
Từ tháng 10 - 12/2015, Tập đoàn Việt Úc sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 150 ha mặt nước nuôi tôm, thả nuôi 2 vụ tôm/năm, mật độ tôm thả nuôi từ 200 - 500 con tôm giống/m2, năng suất từ 120 - 300 tấn/ha/năm.
Từ năm 2016 - 2017, tập đoàn sẽ mở rộng quy mô SX và xây dựng nhà máy chế biến tôm XK với quy trình SX, chế biến khép kín.
Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Việt Úc, cho biết, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính được áp dụng công nghệ rất độc đáo, mang lại nhiều lợi ích.
Lợi ích quan trọng nhất là an toàn sinh học, dịch bệnh không thể lây lan từ chỗ này sang chỗ khác.
Thứ nữa là công nghệ tiên tiến này quản lý môi trường rất tốt, thời tiết bên ngoài không thể gây ảnh hưởng đến khu nuôi.
Với phương thức nuôi tôm siêu thâm canh có thể thả giống mật độ dày, và đặc biệt là nuôi theo nhu cầu của khách hàng.
“Chúng tôi rất hoan nghênh Tập đoàn Việt Úc đã chọn Bình Định là điểm đến để đầu tư phát triển SX, kinh doanh trên lĩnh vực thủy sản.
Khu phức hợp SX tôm chất lượng cao hoàn thành sẽ là động lực thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động của địa phương.
UBND tỉnh Bình Định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để tập đoàn nhanh hoàn thành và đưa vào hoạt động Khu phức hợp SX tôm chất lượng cao tại xã Mỹ Thành”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
“Khách hàng yêu cầu tôm thương phẩm có kích cỡ nào mình cũng đáp ứng được tất.
Điều hấp dẫn nhất với các khách hàng khó tính là tôm nuôi của mình truy xuất được nguồn gốc.
Từ khi thả giống đến khi xuất bán mỗi ngày được ghi chép cẩn thận.
Việc truy xuất nguồn gốc được bảo đảm hoàn toàn từ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn.
Điều này giúp gia tăng giá trị kinh tế của sản phẩm và sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Văn nói quả quyết.
Theo ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, dự án nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc sẽ mở ra cho địa phương hướng phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
Bởi sau khi thực hiện thành công mô hình, tập đoàn sẽ chuyển giao công nghệ nuôi tôm công nghệ cao đến với hộ dân nuôi tôm trong vùng.
Sau đó tổ chức thu mua, chế biến, tạo ra chuỗi SX khép kín.
“Dự án này sẽ mang đến cho nghề nuôi tôm ở Bình Định bước chuyển mình, đi theo hướng bền vững, đạt hiệu quả cao.
Cụ thể, với phương thức nuôi tiên tiến, năng suất tôm sẽ tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi bình thường”, ông Hổ nói.
Tăng sức cạnh tranh
Theo ông Lương Thanh Văn, mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành sẽ áp dụng quy trình SX nhà màng của Isarel, công nghệ hệ thống lọc lước tuần hoàn của Đức và Mỹ, công nghệ SX tôm giống của tập đoàn…Nhờ đó sẽ giảm thiểu được rủi ro, cung ứng nguồn nguyên liệu sạch, truy xuất nguồn gốc từ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn.
Tập đoàn Việt Úc thu hoạch tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu
Ngoài ra, do chỉ ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh, hóa chất nên tôm nguyên liệu sau thu hoạch sẽ rất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là yêu cầu của các thị trường tiêu thụ trên thế giới, vượt qua được các rào cản kỹ thuật khi đưa tôm XK.
“Hiện tôm của Việt Nam đang xuất khẩu 3 thị trướng lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Ba thị trường này đều yêu cầu sản phẩm chất lượng cao.
Trong khi đó ở Việt Nam chưa có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao đáp ứng được nhu cầu đó nên sản phẩm của Việt Úc sẽ thu hút được nhiều khách hàng”, ông Văn cho biết thêm.
Theo khẳng định của ông Văn, điểm nổi bật nhất trong nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc là kiểm soát được nhiệt độ.
Đây là khâu then chốt trong nuôi tôm.
Bởi, nếu đang nuôi mà thời tiết thay đổi đột ngột mưa lớn hoặc nắng to sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của tôm.
Không chỉ thế, nuôi tôm trong nhà kính sẽ hạn chế được mầm bệnh lây lan từ bên ngoài, hạn chế ô nhiễm môi trường quanh khu vực nuôi.
“Sau mô hình đầu tiên nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu thành công, Tập đoàn Việt Úc đã nhận được nhiều đơn đặt hàng bao tiêu hết sản phẩm của mình từ nhiều nước trên thế giới.
Do vậy, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu phức hợp SX tôm công nghệ cao tại Mỹ Thành.
Sau khi đi vào hoạt động, khu phức hợp tại Mỹ Thành sẽ SX từ 24.000 - 60.000 tấn tôm thương phẩm/năm và giải quyết hàng ngàn lao động tại địa phương”, ông Văn cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ có vai trò quyết định nhằm tăng năng suất lao động của người nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Trên cánh đồng Tộc rộng hơn 10ha, không khí thu hoạch lúa tái sinh của bà con cũng khẩn trương, rộn ràng chẳng kém khi gặt lúa chiêm xuân. Ai nấy đều vui mừng phấn khởi bởi vẫn chân ruộng ấy, không mất công cấy hái, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, chỉ đầu tư thêm một yến phân bón NPK mà sau một tháng rưỡi đã được thu hoạch, năng suất bình quân đạt 90 kg/sào, có nơi năng suất lên đến 1,2 tạ/sào.
Sau một thời gian dài chờ đợi, nông dân huyện Duy Xuyên mới được phía doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa giống đến thu mua sản phẩm.
Bên dòng kênh chính Thạch Nham ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), vợ chồng ông Lê Văn Trang trong nhiều năm nay đã tập trung cải tạo đất hoang thành khu vườn lý tưởng rộng khoảng bốn nghìn mét vuông để làm kinh tế theo mô hình vườn-ao- chuồng (VAC).
Huyện Nghĩa Hành đã triển khai nhiều chương trình nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng lai bò nhập ngoại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Nhờ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.