Nuôi Tôm Nước Lợ 2015 Chủ Động Phòng Tránh Dịch Bệnh
Theo lịch thời vụ, nuôi tôm nước lợ năm 2015 ở các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh sẽ được bắt đầu từ ngày 5.3.2015 và kết thúc vào ngày 30.9.2015. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã có cuộc trao đổi với P.V Báo Quảng Nam về công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong vụ mới này.
P.V: Năm nào lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ cũng được ban hành nhưng thực tế là hiện tượng người nuôi “xé rào”, thả nuôi trước vụ liên tục xảy ra dễ gây nên dịch bệnh cho tôm. Ngành thủy sản áp dụng các biện pháp gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?
Ông Ngô Tấn: Từ cuối năm 2014 đến thời điểm này, ngành thủy sản địa phương đã liên hệ chặt chẽ với các tỉnh, thành có kinh doanh tôm giống cũng như các cơ sở sản xuất, ương nuôi tôm giống trên toàn quốc để phổ biến lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ của Quảng Nam. Theo đó, các cơ sở kinh doanh tôm giống không được xuất bán tôm giống cho các hộ nuôi ở vùng triều ven sông Quảng Nam trước và sau khi vụ nuôi kết thúc.
Có thực tế, ở Quảng Nam hiện nay tồn tại 2 vùng nuôi riêng biệt: nuôi tôm trên cát được nuôi quanh năm và nuôi ở vùng triều theo lịch mùa vụ nên rất khó kiểm soát việc mua bán tôm giống trước mùa vụ thả nuôi mới. Ngành thủy sản của tỉnh cũng đang phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành công tác tuần tra, thanh tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xóa bỏ những lô tôm giống không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc mang mầm bệnh từ các trại giống trong và ngoài tỉnh về Quảng Nam, khống chế tình trạng mầm bệnh xâm nhập ngay từ đầu.
P.V: Chất lượng của tôm giống là yếu tố đầu tiên quyết định đến hiệu quả sản xuất, vậy biện pháp nào để kiểm soát chất lượng con giống?
Ông Ngô Tấn: Đến thời điểm này, Quảng Nam đã có quy chế phối hợp giữa Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Chi cục Thú y về công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Hai cơ quan này thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau để thanh tra, kiểm tra các cơ sở ương nuôi tôm giống trên địa bàn tỉnh cả về điều kiện vệ sinh thú y thủy sản lẫn chất lượng tôm giống. Các cơ sở đó chỉ được tồn tại khi đáp ứng được cả 2 yêu cầu trên.
Ngoài ra, mỗi năm qua 1 - 2 lớp tập huấn cho mỗi địa phương có nghề nuôi tôm nước lợ, chúng tôi luôn tuyên truyền cho người nuôi sử dụng con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và được kiểm dịch để đảm bảo nuôi tôm bền vững.
Qua các lớp tập huấn, hơn ai hết, người nuôi hiểu rõ rằng, chính họ là người quyết định thành bại của vụ nuôi nên rất hưởng ứng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các công ty cung cấp tôm giống chất lượng tốt tổ chức hội thảo với sự góp mặt của đông đảo người nuôi để họ hiểu rõ các yếu tố cụ thể của loại tôm giống chất lượng mà lựa chọn mua về, thả nuôi.
P.V: Ngành thủy sản khuyến cáo gì về quy trình kỹ thuật nuôi tôm đối với các nông hộ để tôm nuôi có thể phát triển tốt trong điều kiện hạ tầng vùng nuôi ven sông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đảm bảo vào thời điểm này?
Theo Sở NN&PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ của Quảng Nam trong năm 2015 khoảng 2.000ha, trong đó nuôi tôm ở vùng triều là 1.200ha. Sản lượng thu hoạch theo dự kiến của ngành thủy sản là khoảng 18 nghìn tấn.
Ông Ngô Tấn: Lưu vực các dòng sông của Quảng Nam, đặc biệt là sông Trường Giang liên tục bị bức hại trong nhiều năm qua bởi các hoạt động xả thải không qua xử lý. Trong khi đó, hạ tầng vùng nuôi, thủy lợi ao nuôi lại chưa được đầu tư đúng mức. Trong thời gian đến, khi vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với đối tượng chủ lực là con tôm được triển khai ở thôn Diêm Trà (xã Tam Tiến, Núi Thành) thì tình hình sẽ được cải thiện.
Hiện nay, chúng tôi khuyến cáo các hộ nuôi phải cải tạo ao nuôi thật tốt, phải kiện toàn giao thông, điện, phải trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ như quạt nước, máy bơm nước, các thiết bị xử lý môi trường ao nuôi. Đặc biệt, các nông hộ phải trích phần quỹ đất của mình để đầu tư đầy đủ cả hệ thống ao chứa lắng và ao xử lý nước thải. Chỉ có vậy mới đảm bảo được môi trường nước ổn định cho quá trình phát triển của tôm nuôi. Đối với các hộ dân chưa hoàn thiện được các công trình nuôi tôm thì chỉ nên thả nuôi các loài cá hoặc cua.
P.V: Để tránh tình trạng bệnh trên tôm nuôi lây lan thành dịch tại các vùng nuôi thì sự phối hợp hoạt động giữa ngành thủy sản tỉnh, các địa phương có nuôi tôm và các nông hộ sẽ được tiến hành thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Tấn: Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm nước lợ. Chúng tôi trực tiếp tham mưu UBND tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng như triển khai thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý vùng nuôi tôm an toàn. Đến thời điểm này, chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh trực tiếp lấy mẫu nuôi tôm định kỳ với tần suất 2 lần/tháng tại 6 địa phương ven biển có nuôi tôm để xác định sớm và chính xác bệnh trên tôm nuôi nếu có.
Sở NN&PTNT cũng đã hướng dẫn các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch khi có dịch xảy ra, không để dịch lây lan ra diện rộng bằng lượng Chlorin dự trữ sẵn. Các xã ven biển khi phát hiện bệnh trên tôm nuôi xảy ra tại địa phương phải cấp báo ngay về cơ quan quản lý thủy sản để xử lý kịp thời, tránh lây lan thành dịch.
Các hộ nuôi phải chấp hành đầy đủ quy định về công tác phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm như tuân thủ mùa vụ thả nuôi, tuân thủ đúng quy trình chuẩn bị ao nuôi, quản lý chất lượng nước và chỉ được phép sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam cũng như hợp tác chặt chẽ với địa phương và ngành thủy sản.
PV: - Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Được trồng làm nguyên liệu giấy từ năm 2004, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày đưa vào trồng, hơn 60ha cây luồng đến thời kỳ khai thác không có người đến thu mua, tưởng chừng sẽ chẳng để làm gì, nay luồng đã bắt đầu đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng ở xã Mỹ Phương (Ba Bể).
Nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, Đồng Tháp đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất để đưa nông sản vào hệ thống phân phối. Thế nhưng, trong khi các siêu thị có nhu cầu rất lớn đối với nhóm hàng rau, củ, quả tươi sống thì nông dân trong tỉnh lại chưa thể tham gia vào hệ thống này...
Từ đầu năm 2014 đến nay, huyện Cao Lãnh đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng các đê bao khép kín diện tích vườn với chiều dài trên 15,5km, tập trung tại các xã ven quốc lộ 30. Đến thời điểm này, các công trình trên đều cơ bản hoàn thành, bảo vệ hơn 5.000ha vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện.
Khi nước lũ ở đầu nguồn đổ về mạnh, nhiều nông dân tìm mua các loại cá giống để thả nuôi trong mùa lũ, nên hiện nay sức mua các loại cá giống ở huyện Tam Nông đang bắt đầu tăng mạnh.
Ngày 19/8, tại hội trường UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương có buổi làm việc với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ nội dung liên quan đến báo cáo công tác khuyến nông về ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh (lúa, cây ăn trái, rau quả).