Nuôi Tôm Mùa Nắng Hiểm Họa Và Giải Pháp
Nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh EMS bùng phát. Đây thật sự là nỗi lo của người nuôi tôm. Tuy nhiên, nếu đảm bảo đúng qui trình kỹ thuật nuôi, một mùa vụ thành công trong mùa nắng nóng là không quá xa vời.
Hiểm họa mùa nóng
Những tháng đầu năm 2014, giá tôm nguyên liệu trong nước tăng cao, có khả năng bù đắp được rủi ro của các vụ trước, nên đã kích thích người nuôi tôm ồ ạt xuống giống, gia tăng diện tích nuôi và thả nuôi với mật độ rất cao, có nơi tôm chân trắng được thả với mật độ trung bình cao hơn từ 60-70con/m2 so với thông thường.
Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị cải tạo ao không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chính là những nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh đốm trắng, phân trắng, EMS ngay từ đầu năm, khiến cho nông dân chịu nhiều thiệt hại.
Tôm nuôi thu hoạch cỡ nhỏ đồng loạt đã làm giá tôm nguyên liệu lao dốc. Theo thống kê, so với thời điểm đầu năm, đến nay giá giảm từ 130.000 đồng/kg xuống còn 90.000 đồng/kg đối với tôm đạt cỡ 100con/kg.
Thị trường đầu ra có dấu hiệu không ổn định, giá giảm, cùng với tình hình dịch bệnh phức tạp đã làm cho người nuôi và đại lý thu gom hoang mang. Theo phản ánh của nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng….trong giai đoạn từ tháng 12/2013 đến 02/2014 thời tiết khá lạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khá lớn nên bệnh đốm trắng, phân trắng bùng phát và gây nhiều thiệt hại.
Dự báo, từ tháng 4 đến tháng hết tháng 6/2014 nhiệt độ sẽ tăng cao, đây chính là thời điểm dịch bệnh hoại tử gan tụy có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và gây nhiều thiệt hại.
Phát biểu tại hội nghị khách hàng được Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 24/04/2014 vừa qua, ông Trương Tấn Thống, một chủ đại lý cũng là hộ nuôi tôm qui mô lớn với nhiều năm kinh nghiệm tại Cà Mau cho biết: “Mùa nóng là mùa của dịch hoại tử gan tụy.
Trong tháng 4 vừa qua, nhiệt độ môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau tăng cao, quá trình bốc hơi nước diễn ra nhanh khiến cho độ mặn tại nhiều vùng nuôi tôm tăng cao, trung bình từ 35-36ppt thậm chí có nơi lên đến 38ppt. Dịch hoại tử gan tụy có nguy cơ bùng phát và rất khó kiểm soát”.
Lý giải hiểm họa nuôi tôm mùa nóng, ông Nguyễn Vĩnh Phú – Phó TGĐ phụ trách bán hàng khu vực Miền Nam thuộc Công ty C.P. Việt Nam cho rằng: “Nhiệt độ tăng sẽ kéo theo độ mặn nước biển tăng và kết quả là quá trình phân hủy các chất thải hữu cơ trong ao nuôi diễn ra nhanh hơn.
Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn Vibrio, trong đó có Vibrio parahaemolyticus, tác nhân gây hoại tử gan tụy, phát triển. Ngoài ra, khi nhiệt độ tăng cao, quá trình phân hủy đáy ao diễn ra nhanh, tảo phát triển mạnh, oxy hòa tan thấp, khí độc nhiều, tôm bị stress và dễ dàng bị dịch bệnh tấn công”.
Theo nhận định của nhiều đại lý, hộ nuôi tôm trong khu vực ĐBSCL, ngành tôm đang đứng trước rất nhiều nguy cơ, thách thức cả về thị trường lẫn dịch bệnh nhất là khi có diễn biến bất lợi của thời tiết vào mùa nắng nóng, dịch bệnh phân trắng, đốm trắng vẫn đang gây nhiều thiệt hại và dịch bệnh hoại tử gan tụy có nguy cơ bùng phát và tăng cao.
Giải pháp nuôi tôm mùa nóng
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ các yếu tố bất lợi của môi trường, dịch bệnh trên tôm còn là hậu quả của sự thiếu hiểu biết và ham tăng sản lượng của chính người nuôi.
Để đảm bảo một vụ nuôi thắng lợi trong mùa nóng, người nuôi cần kiềm chế, đừng tham vọng quá lớn, vượt tầm kiểm soát, và phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình nuôi kỹ thuật tiên tiến, con giống đạt chất lượng, mật độ vừa phải, cùng với khâu cải tạo ao nuôi bài bản.
“Trước hết, yếu tố cốt lõi để đối phó với dịch bệnh là xây dựng và tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống an toàn sinh học vùng nuôi. Đây là điều tối thiếu phải làm cho bất kỳ mùa vụ nào. Hơn 10 năm qua, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam luôn đề cao vai trò và xây dựng hệ thống ao toàn sinh học vùng nuôi ngay từ đầu bằng đường không, đường bộ,…bằng các hình thức như phủ bạt để ngăn cua, có lưới để ngăn chim, thuốc tím để vệ sinh chân tay….
Nuôi tôm là không thể dùng phương pháp trị bệnh, mà chủ yếu nhất là phòng bệnh. Công ty khuyến cáo khách hàng xây dựng và tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống ATSH, ngăn ngừa dịch bệnh ngay từ đầu” - ông Nguyễn Việt Phú phát biểu.
Thay đổi kết cấu, thiết kế ao nuôi, xây dựng hệ thống ao nuôi, ao lắng, ao xử lý nước thải… với tỷ lệ diện tích thích hợp là điều rất cần thiết. Theo đó, một hệ thống nuôi lý tưởng phải đảm bảo diện tích ao lắng, ao xử lý chiếm khoảng 60% toàn hệ thống, chỉ 40% dùng cho ao nuôi.
Rút kinh nghiệm thành công từ những vụ nuôi trước, ông Eakavist Hopisutthisan– Phó GĐ phụ trách vùng nuôi Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết: “Thông thường nếu độ trong của nước ao nuôi chỉ từ 25-30cm thì EMS rất dễ xuất hiện.
Do đó, để khống chế EMS thông qua kiểm soát độ đục, độ trong của nước ao nuôi chúng ta phải qui hoạch, thiết kế lại hệ thống ao nuôi để đảm bảo luôn có nguồn nước đạt chất lượng phục vụ nuôi, và phải có hệ thống ao lắng, ao xử lý nước thải…Theo tôi, tỷ lệ 60:40 là hợp lý”.
Bên cạnh đó, bài học rút ra từ những thất bại trong những vụ nuôi vừa qua đã chỉ ra rằng nuôi với mật độ hợp lý, phù hợp với trình độ kỹ thuật, khả năng người nuôi, kèm theo khâu xử lý ao bài bản, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật là vấn đề không kém phần quan trọng để có một mùa vụ thành công.
“Mô hình nuôi tôm chân trắng với mật độ hợp lý của các hộ nông dân dao động trong khoảng 40-50con/m2 vì nó phù hợp với đa số các hộ nuôi mới chuyển đổi từ tôm sú sang chân trắng. Khi đó, vốn đầu tư ban đầu thấp, ít bị rủi ro, phù hợp với trang thiết bị, khả năng quản trị của hộ nuôi, sau 45 ngày nuôi là có lời, kích cỡ thu hoạch lớn khoảng 40 con/kg sau 90 ngày nuôi” - anh Trương Tấn Thông chia sẻ.
Trong thời gian qua Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã giới thiệu và áp dụng giải pháp Chương trình Nuôi tôm sạch Probiotic Farming. Tôm giống PL12 sau khi mua về được ương trong nhà CPF-Green House làm bằng lưới lan, bạt nilông, hoặc xây tường... từ 25 - 30 ngày.
Khi tôm giống đạt trọng lượng khoảng 1g/con sẽ được chuyển sang hệ thống ao nuôi tôm thịt CPF-TurboProgram, với hệ thống ATSH như hệ thống ao xử lý, lưới ngăn địch hại, hệ thống vệ sinh, khử trùng tay chân trước khi vào ao nuôi... kết hợp với việc chăm sóc và quản lý môi trường ao nuôi thật tốt nhằm hạn chế tác động của thời tiết trong giai đoạn tôm còn nhỏ, giúp tăng tỷ lệ sống và sức khỏe của tôm.
Những mối nguy nuôi tôm mùa nóng là lớn, đặc biệt khi điều kiện môi trường thuận lợi cho dịch bệnh EMS bùng phát. Tuy nhiên, nếu người nuôi tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật, kiểm soát và khống chế được tham vọng của chính mình thì một vụ nuôi thành công vẫn rất hứa hẹn.
Có thể bạn quan tâm
Để tạo thuận lợi cho nông dân, xã phối hợp với HTX Cẩm Sơn (Hải Dương) hỗ trợ bà con về giống, đồng thời cử cán bộ tập huấn kỹ thuật: lên luống, bón phân, nước tưới, phòng trừ sâu bệnh... nên cây ớt sinh trưởng phát triển tốt. Sau khi thu hoạch, HTX Cẩm Sơn bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân.
Qua ba năm triển khai thí điểm (từ năm 2011), mô hình cánh đồng mẫu lớn đã dần phát triển và trở thành cánh đồng lớn kể từ năm 2014, tuy nhiên, những bất ổn trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn vẫn chưa được giải quyết.
Đậu nành là cây trồng có nhiều lợi thế phát triển ở ĐBSCL nhưng làm sao để nông dân mặn mà với việc phát triển sản xuất loại cây họ đậu này đang là một câu hỏi khó dành cho nhà quản lý và nhà khoa học.
Vừa qua, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có mời Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Viện Cây ăn quả miền Nam,… đến nghiên cứu dịch bệnh trên cây cam sành và đã khẳng định bệnh do vi-rút tấn công.
Nông dân đang rất quan tâm đến giống mít Thái siêu sớm, trồng 2 năm đã cho trái. Theo nhiều nhà vườn, với năng suất 40 tấn/ha, giá bán khoảng 15.000 đ/kg như hiện nay, trồng mít có thể đạt lợi nhuận vài trăm triệu đồng/ha. Vì thế, giống mít siêu sớm đang được nhiều nhà vườn chọn để chuyển đổi cây trồng.