Nuôi Rắn Ri Tượng Phát Triển Kinh Tế
Rắn ri tượng là loài thực phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Nhận thấy được điều đó, để có nguồn cung ổn định cho thị trường, nhiều hộ dân ở huyện Thới Bình đã phát triển mô hình nuôi rắn ri tượng thương phẩm và sản xuất rắn ri tượng giống. Điển hình là mô hình của ông Lê Văn Thắng, ở ấp 6, xã Tân Lộc Đông.
Chỉ mới bắt đầu nuôi từ tháng 10/2011 với 50 con rắn giống, nhưng hiện ông Lê Văn Thắng đã phát triển đàn rắn thịt và rắn sinh sản lên vài trăm con, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ông Thắng cho biết, qua xem báo, đài thấy rắn ri tượng có giá khá cao, nếu nuôi được loại rắn này sẽ phát triển kinh tế gia đình. Ông đi đến nhiều nơi như: Vĩnh Long, Tiền Giang, huyện U Minh để học hỏi mô hình và tìm kiếm con giống.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ càng cách thức nuôi loại rắn này, ông mạnh dạn xây dựng chuồng nuôi và bắt đầu sự nghiệp nuôi rắn của mình.
Sau 1 năm nuôi, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và cung cấp đủ lượng thức ăn, rắn của ông Thắng lớn nhanh, đạt trọng lượng từ 700 g -1 kg/con. Ông Thắng chia sẻ, để nuôi rắn ri tượng đạt hiệu quả cao, chuồng trại và thức ăn là hai khâu quan trọng.
Nên xây chuồng rắn bằng bê-tông kiên cố, cao từ 1 m trở lên, mực nước luôn giữ ổn định từ 0,5 m trở lên, có hệ thống van để cấp, xả nước, ở đáy bể cần lót một lớp bùn dày khoảng 20-30 cm, thả cỏ hoặc lục bình để tạo môi trường tự nhiên cho rắn sinh sản và phát triển.
Riêng nguồn thức ăn cũng cần chọn nguồn thức ăn phù hợp, rắn ri tượng rất thích ăn các loại cá da trơn, nếu cho ăn các loại cá có vảy rắn sẽ khó tiêu hoá và ảnh hưởng đến đường ruột.
Để giảm chi phí và kịp thời đáp ứng nguồn thức ăn cho đàn rắn của mình, ông Thắng đầu tư nuôi cá trê lai và cá tra với số lượng lớn. Ông Thắng chia sẻ thêm, để rắn dễ tiêu hoá cũng nên thường xuyên trộn thuốc tiêu hoá dành cho vật nuôi hoặc mật ong rừng nguyên chất để tăng cường hệ tiêu hoá cho rắn. Đó cũng là bí quyết giúp cho đàn rắn của ông lớn nhanh.
Tháng 4/2011, đàn rắn của ông Thắng đã sinh sản lứa rắn giống đầu tiên. Với 40 con rắn cái, sinh ra gần 200 con rắn con, thời điểm đó rắn giống ông bán được từ 80.000-90.000 đồng/con. Ông bán 100 con, còn lại ông tiếp tục xây chuồng mở rộng mô hình.
Ông Thắng cho biết, rắn con rất mạnh, sau khi nở từ 1-2 ngày là có thể tự ăn mồi. Muốn cho rắn đẻ tốt, nhắm lúc rắn gần đẻ, xả nước khô, chỉ còn lại lớp bùn và cỏ. Khi rắn đẻ xong, bắt rắn con ra một chỗ riêng vì để trong đó một số rắn mẹ sinh xong rất đói sẽ ăn hết rắn con.
Nhờ kinh nghiệm như thế nên vụ này đàn rắn của ông sinh sản đạt hiệu quả hơn, ông dự tính thu được khoảng 300 con rắn giống. Với giá trên thị trường hiện nay từ 120.000-150.000 đồng/con, ông thu lãi trên 45 triệu đồng. Riêng chuồng rắn thịt khoảng 40 con, cân nặng từ 800 g -1 kg/con, với giá từ 500.000-600.000 đồng/kg như hiện nay, ông Thắng sẽ thu về khoảng 20 triệu đồng.
Từ sự thành công trong chăn nuôi của mình, ông sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn các hộ dân xung quanh cùng thực hiện. Đồng thời, ông cũng đã đăng ký với chính quyền địa phương về việc nuôi động vật hoang dã để có điều kiện phát triển, nhân rộng mô hình, tìm đầu ra ổn định và có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra đối với vật nuôi.
Đây là mô hình rất phù hợp vì người dân có thể tận dụng diện tích xung quanh nhà để nuôi và tăng thêm thu nhập cho gia đình mình./.
Có thể bạn quan tâm
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013, sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 5,918 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cá đạt 4,400 triệu tấn, tăng 1,3%; tôm đạt 704.000 tấn, tăng 11,7%.
Ngày 26/11/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phôi hợp Ủy Ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững các tỉnh phía Nam”. Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đồng chủ trì Hội nghị.
Ngày 19-12-2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo lần II để đánh giá đúng thực trạng và định hướng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn trong thời gian tới. Ông Lê Phong Hải - Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì.
Cùng với 121 hồ chứa thủy lợi và thủy điện, Quảng Ngãi còn có hệ thống sông suối dày đặc, rộng khắp nhưng hiệu suất sử dụng số diện tích mặt nước trên để nuôi trồng thủy sản nước ngọt hiện còn quá thấp…
Thực tế cho thấy, trong đợt rét đậm, rét hại của những năm trước, một số hộ nuôi cá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có kinh nghiệm chống rét hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có những hộ do chủ quan đã bị thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, chống rét cho thuỷ sản cần được cơ quan chuyên môn và người dân quan tâm.