Nuôi Rắn Mối Cải Thiện Thu Nhập
Qua một thời gian nuôi thử nghiệm, mô hình nuôi rắn mối đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã mở ra cơ hội mới để người nông dân trên địa bàn tỉnh có thể đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập.
Nhằm giúp người dân tiếp cận mô hình chăn nuôi mới, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, hộ anh Trần Như Thanh tại xã Sùng Nhơn (Đức Linh, Bình Thuận) được Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ Bình Thuận hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư con giống nuôi thử nghiệm mô hình rắn mối.
Với sự hỗ trợ 500 con rắn mối giống và 50% kinh phí để xây chuồng trại, gia đình anh Thanh đã mạnh dạn đầu tư triển khai mô hình này đầu năm 2013. Đây là mô hình mới, lại là người nuôi đầu tiên nên anh gặp không ít khó khăn. Sau một thời gian nuôi, nhờ cần mẫn chăm sóc, lứa rắn mối đầu tiên đã sinh sản khẳng định sự thành công của anh trong mô hình này.
Từ 500 con giống ban đầu đến nay số rắn mối của anh đã phát triển lên 800 con. Anh Thanh chia sẻ kinh nghiệm: Nuôi rắn mối không khó, chi phí không cao, có thể tận dụng nguồn thức ăn trong tự nhiên như mối, dế, kiến… hay có thể cho rắn ăn cơm, cá, thịt bằm nhuyễn đều được. Rắn mối ít bị bệnh, không tốn công chăm sóc nhưng có loại bệnh thường gặp đó là bệnh khô da.
Rắn mối bị bệnh này rất dễ chết, do vậy người nuôi cần cho rắn uống thuốc phòng ngừa. Rắn mối nuôi chừng 4 tháng có thể xuất bán thịt, một con rắn mối mẹ có thể đẻ 1 lứa 8 - 10 con, một năm đẻ 2 - 3 lứa. Về khâu chuồng trại, rắn mối là loài leo trèo nên khi làm chuồng phải sử dụng vật liệu có bề mặt trơn như gạch men dán phía trong chuồng, ngăn không cho rắn mối bò ra ngoài. Trong chuồng có thể trồng các loại rau bí, rau lang hay bố trí gạch ống để rắn mối chui vào đẻ.
Hiện nay anh Thanh chỉ xuất bán rắn mối giống với giá 15.000 đồng/con. Nhiều nhà hàng, quán ăn đã xuống nhà anh đặt mua rắn mối thương phẩm với giá 350.000 - 400.000 đồng/kg để chế biến các món ăn và làm thuốc trị bệnh. Theo tính toán, với số lượng rắn mối anh Thanh nuôi hiện nay, sau khi trừ chi phí dự kiến một năm anh lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng. Thời gian tới, anh dự định xây thêm chuồng trại nhân rộng mô hình này và phối hợp với Hội Nông dân huyện hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu con giống cho những nông dân nào muốn đầu tư nuôi rắn mối.
Có thể bạn quan tâm
Anh là người tiên phong, cũng là người giúp nông dân trong xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) nhân rộng mô hình nuôi dông (kỳ nhông) trên cát. Anh là Phạm Khắc Bảo (25 tuổi, thôn Hải Triều, xã Cam Hải Đông) chủ một trại nuôi dông có giá trị lên đến cả tỷ đồng.
Những năm gần đây, trong khi người dân nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lao đao vì dịch bệnh trên tôm hoành hành thì ở xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) người nuôi tôm đều trở nên khá giả với mô hình nuôi tôm sú. Năm 2012, Vĩnh Sơn được đánh giá là địa phương nuôi tôm đạt năng suất và hiệu quả cao nhất tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh (Thạnh Phú - Bến Tre) cho biết, từ khi Dự án 418 khép kín, ngọt hóa, các ấp: Thạnh Bình, An Thạnh, một phần Thạnh Quí B và Thạnh Quí A, người dân làm lúa được một vụ.
Thực hiện chính sách của Nhà nước về việc hỗ trợ cho bà con nhà vườn trong phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn, theo Công văn số 498/TTg-KTN, ngày 13/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh chổi rồng hại nhãn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tiến hành các bước để làm cơ sở cho việc hỗ trợ nhà vườn trồng nhãn phòng, chống bệnh chổi rồng. Bước đầu tiên là thống kê sơ bộ diện tích nhiễm bệnh và mức độ thiệt hại để có cơ sở công bố dịch; bước tiếp theo là lập biên bản xác định diện tích nhiễm bệnh, tỉ lệ thiệt hại được lập cho từng hộ là căn cứ để hỗ trợ kinh phí phòng trừ bệnh; bước thứ ba là thẩm định việc phòng trừ bệnh của nhà vườn theo quy trình kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT để xác định chính xác số tiền được hỗ trợ của từng hộ trồng nhãn.
Trời mưa lớn kéo dài đã khiến trên 40 ha đỗ tương, đỗ xanh của xã Tiền Phong (Thanh Miện, Hải Dương) đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị thối.