Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dồn Đổi Ruộng Đất Khó Vạn Lần Dân Liệu Vẫn Xong

Dồn Đổi Ruộng Đất Khó Vạn Lần Dân Liệu Vẫn Xong
Ngày đăng: 06/03/2015

Trong lần về xã Hương Nộn (huyện Tam Nông) mới đây, tôi được một người quen hồ hởi cho biết: Bây giờ  nhà chỉ còn một thửa ruộng với diện tích hơn một mẫu! Thấy tôi bán tin, bán nghi anh bảo: Xã vừa tiến hành dồn đổi ruộng đất xong bây giờ nhà nào nhiều còn ba ô, phổ biến chỉ một hai thửa.

Nhờ dồn đổi ruộng đất thành ô thửa lớn, nông dân xã Hương Nộn thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Nông dân khu 7 làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân.

Trong bối cảnh đồng ruộng manh mún, đâu đâu cũng khó khăn, vướng mắc do ruộng đất nhỏ lẻ, dồn lại mỗi hộ còn vài ô, thửa như Hương Nộn xem như kỳ tích. Nói về chuyện sử dụng, sở hữu đất đai  quốc gia nào cũng có, nhưng dai dẳng, phức tạp ít nơi nào như  ta. Chỉ riêng đất nông nghiệp hơn ba mươi năm qua đã qua mấy lần điều chỉnh, thay đổi hình thức sử dụng, từ chung đến xé nhỏ bây giờ đang là giao khoán đến khẩu, đến hộ.

Dù là thời khó khăn, thiếu đói, hay bây giờ dư thừa gạo thóc, bức tranh đồng ruộng ở miền xuôi, cũng như miền ngược vẫn như tấm áo vá, quá manh mún. Một nhà có cả chục thửa ruộng ở 5-7 xứ đồng là chuyện phổ biến với rất nhiều ô thửa chỉ có quy mô vài chục m2.

Dù cách đây gần chục năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nghị quyết chỉ đạo dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, nhiều xã đã dồn đổi giảm từ trên chục ô thửa xuống 5-6 ô thửa/hộ nhưng nhìn chung đồng ruộng vẫn là manh mún, khó sản xuất, nhất là  trước xu thế lao động  nông thôn sụt giảm, yêu cầu cơ giới hóa nông nghiệp gia tăng, sản xuất vùng hàng hóa lớn.

Hãy tưởng tượng mỗi khẩu được giao trên dưới một sào ruộng, mỗi hộ có 7-8 sào mà chia ra 5-7 xứ đồng, quy mô mỗi thửa 300-500 m2 làm sao cày máy, cùng sản xuất. Năm 2013-2014 các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Ba, Cẩm Khê... thí điểm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhưng mỗi mô hình vài chục ha mà có tới hàng trăm hộ tham gia. Triển khai các mô hình sản xuất, thực hiện xây dựng nông thôn mới gặp trở ngại rất lớn vì "rào cản" ruộng đất manh mún… Đây là điều ai cũng biết, cũng muốn thay đổi nhưng vướng phải sức ì quá lớn.

Nguyên nhân có nhiều nhưng khó nhất với người có điều kiện là tâm lý “ly nông, ly hương” nhưng vẫn không “ly ruộng”; với người còn làm ruộng là “có xấu, có tốt”, còn với một số người “cầm cân, nảy mực” ở làng không muốn “thoát ly” ruộng tốt, diện tích “hời”… Do vậy, nhiều việc trong làng, ngoài xã dù khó, phức tạp bàn tính, huy động làm vẫn xong nhưng dồn đổi ruộng đất phức tạp quá, ít nơi thành công.

Điển hình như xã Thượng Nông, huyện Tam Nông - một xã điểm xây dựng nông thôn mới, luôn tiên phong trong nhiều phong trào kinh tế, xã hội, lãnh đạo xã cũng bỏ công đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm dồn đổi, xây dựng vài, ba phương án để dồn đổi từ 5-6 ô thửa xuống còn 2-3 ô thửa, nhưng khi xin ý kiến vẫn không đồng thuận đành gác lại… 

Xã Hương Nộn của Tam Nông cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Qua tìm hiểu nguyện vọng số đông người dân thấy cần dồn đổi, xã tìm giải pháp khắc phục hạn chế dồn đổi trước đây đó là phải quy hoạch chia lại ruộng  đất nông nghiệp theo vùng sản xuất thay cho phương pháp “có xa, có gần, có xấu có tốt” trước đây.

Nói thì dễ, nhưng khi vào việc khá phức tạp vì đồng ruộng của địa bàn trung du, miền núi khá cập lệch, dân cư phân tán, tâm lý ai cũng muốn nhận nơi thuận lợi, đặc biệt kết cấu hạ tầng kênh mương, đường xá phá vỡ gần hết phải đầu tư xây dựng lại, nhưng lãnh đạo xã rất kiên quyết lãnh đạo dồn đổi.

Các cụ xưa vẫn bảo “Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm”, làm công cuộc dồn đổi ruộng đất là chia ruộng nên cực khó, nếu không kiên quyết, công tâm là khó thành công. Song với sự nỗ lực xã đã huy động được sức dân "phá vỡ" những quan niệm, định kiến cùng tư tưởng cố hữu về đồng ruộng.

Nhiều người băn khoăn, lấn cấn, nhưng với tinh thần chỉ đạo kiên quyết, khoa học, công minh mọi người đều đồng thuận. Trên cơ sở tôn trọng quỹ đất đã dồn làm trang trại trước đây, còn lại toàn xã thực hiện rũ rối, đem  254ha đất nông nghiệp của 1.185 hộ sử dụng, chia lại theo tiêu chuẩn sổ đỏ, thành 3.636 ô thửa, giảm 3.470 ô thửa so với trước đây, bình quân chung còn hơn 3 ô thửa/ hộ.

Cách làm này không chỉ tạo điều kiện dồn đổi mỗi hộ giảm xuống còn 2-3 ô thửa mà còn khắc phục tình trạng diện tích đo, giao trước đây không chính xác, dành ra quỹ đất dôi, dư phục vụ xây dựng hạ tầng, đất đai phân chia theo quy hoạch vùng sản xuất.

Ngay sau dồn đổi xã huy động xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa, san gạt mặt bằng tạo thành ô liền khoảnh. Một số hộ không có nhu cầu  sản xuất cho các hộ khác thuê, mượn san gạt tạo thành những ô thửa quy mô vài mẫu, điều trước đây không bao giờ có, trở thành xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành dồn đổi triệt để đất nông nghiệp.

Rời Hương Nộn, những băn khoăn, khó lý giải về quản lý đất đai bấy lâu, nhất là sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, khẳng định ổn định quỹ đất nông nghiệp như cũ đã được giải tỏa. Bước đột phá xã tiên phong đã xong, kinh nghiệm, bài học đã có, mong rằng sau đây việc dồn đổi sẽ trở thành phong trào rộng khắp thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn tiến triển mạnh mẽ.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Bỏ Mía Ở Hậu Giang Nông Dân Bỏ Mía Ở Hậu Giang

Trước tình hình sản xuất mía gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư tăng cao, giá cả trồi sụt thất thường, đầu ra bấp bênh, điều kiện tự nhiên không phù hợp,... khiến cho nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thua lỗ, buộc lòng phải chuyển sang cây trồng khác.

27/05/2013
Toàn Tỉnh Thu Hoạch Được 1.988 Ha Tôm Nuôi, Sản Lượng 4.546 Tấn Toàn Tỉnh Thu Hoạch Được 1.988 Ha Tôm Nuôi, Sản Lượng 4.546 Tấn

Hiện nay, mùa mưa lũ đang đến gần, ngành Thủy sản tỉnh yêu cầu người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh khẩn trương thu hoạch những diện tích tôm còn lại và có biện pháp bảo vệ an toàn những diện tích nuôi tôm trên cát, nhằm tránh thiệt hại do mưa lũ.

29/09/2013
Nhập Lậu Cá Trắm Nhập Lậu Cá Trắm

Không chỉ dừng lại ở cá tầm, cá quả, cá trê, ốc, ếch... mà vừa có thêm cá trắm được đưa vào danh sách vật nuôi được cơ quan chức năng phát hiện có tình trạng nhập lậu từ nước ngoài.

31/07/2013
Tăng Cường Kiểm Tra Việc Sử Dụng Lưới Lồng Trong Khai Thác Thủy Sản Tăng Cường Kiểm Tra Việc Sử Dụng Lưới Lồng Trong Khai Thác Thủy Sản

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT Bình Định, qua kiểm tra tình hình sử dụng lưới lồng (hay còn gọi là lờ dây, lờ bát quái) đã phát hiện trên địa bàn 26 xã, phường ven biển có 1.205 hộ ngư dân với 85.057 phương tiện lưới lồng đang sử dụng để khai thác thủy sản.

29/09/2013
Mô Hình Gà Ri Lai Tại Thị Trấn Phong Châu Thu Lãi 12 - 13 Triệu Đồng Ở Phú Thọ Mô Hình Gà Ri Lai Tại Thị Trấn Phong Châu Thu Lãi 12 - 13 Triệu Đồng Ở Phú Thọ

Trạm khuyến nông huyện Phù Ninh (Phú Thọ) vừa tổ chức tham quan đánh giá mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại thị trấn Phong Châu

30/11/2012