Mở Rộng Diện Tích Nuôi Các Giống Cá Cho Thu Nhập Cao
Hiện nay thủy sản đã được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh. Năng suất thủy sản ngày càng được nâng cao, giúp giá các mặt hàng ổn định, có mức giá vừa phải, phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng đồng thời vẫn giúp người nuôi thủy sản tăng thu nhập.
Ngoài các loại cá truyền thống như trôi, mè, chép, trắm… trong những năm gần đây, một số loại cá có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng như diêu hồng, lăng, lăng chấm, nheo, trắm đen… đã dần được đưa vào nuôi rộng rãi. Tuy nhiên, những giống cá này hiện nay vẫn chỉ được nuôi ở quy mô nhỏ do kỹ thuật chăm sóc phức tạp, chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y… cao hơn so với các loại cá truyền thống nên khó nhân nuôi một cách đại trà.
Theo giá cả thị trường hiện nay thì các loại cá truyền thống có giá bình quân khoảng 25.000 - 55.000 đồng/kg tùy theo từng loại và trọng lượng cá. Trong khi đó, những loại cá đặc sản nói trên có giá thành khoảng 90.000 - 120.000 đồng/kg. Nếu vào dịp lễ Tết, giá còn có thể cao hơn. Đơn cử, như cá trắm đen, loại 4kg/con trở lên ngày thường có giá khoảng 100.000 đồng/kg thì Tết có thể lên đến 150.000 - 180.000 đồng/kg; cá diêu hồng, lăng chấm… cũng tăng hơn thường ngày khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Minh Tiến, một người nuôi thủy sản ở làng nghề sản xuất và dịch vụ thủy sản Thủy Trạm, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy cho biết: Làng nghề hiện có gần 100ha nuôi trồng thủy sản mỗi năm doanh thu gần 25 tỷ đồng chiếm tới 80% tổng giá trị sản xuất của làng.
Nếu như trước đây các hộ chỉ có ao nhỏ 1-3 sào thì nay đã dồn điền đổi thửa thành những ao lớn 7-8 sào hoặc trên một mẫu. Ngoài các loại cá truyền thống, bà con còn nuôi các loại cá giống mới, đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: Rô phi đơn tính, cá lăng, cá nheo…
Đến nay, sản phẩm cá của làng đã có mặt ở khắp các tỉnh thành lân cận như: Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Hà Nội… Một vài năm gần đây, giá cá thành phẩm, đặc biệt là các loại cá truyền thống có xu thế giảm nên người nuôi thủy sản ở Sơn Thủy rất cần có các thông tin, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật về các loại thủy sản có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao; có nguồn cung cấp con giống đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý để có thể nuôi thả một cách rộng rãi.
Để có thể đưa các giống cá có giá trị vào nuôi một cách rộng rãi, đại trà, bên cạnh việc tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp nguồn con giống đảm bảo cho người nuôi, cũng cần chú ý đến việc dồn điền đổi thửa để thuận lợi cho việc nuôi thả, đặc biệt là ở những địa phương có diện tích đất lúa chiêm trũng, canh tác không hiệu quả. Bên cạnh đó, có thể xây dựng các mô hình nuôi xen ghép giữa các loại cá truyền thống với các loại cá đặc sản.
Hộ ông Đặng Văn Được là một trong những điển hình nuôi thủy sản ở xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Ông cho biết: Trước đây, gia đình chỉ trông vào cây lúa nên không đủ ăn nên tôi quyết định chuyển sang nuôi cá.
Năm 2003, khi được phép chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi thủy sản, gia đình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư đào đắp ao, dồn đổi diện tích với một số bà con xung quanh, mở rộng dần diện tích lên 1,5ha, lúc đầu chỉ nuôi cá truyền thống, mấy năm sau mới nuôi tôm càng xanh.
Hiện giờ ông Được vừa có ao chuyên nuôi tôm, vừa có ao nuôi xen ghép các loại cá truyền thống, đặc sản... Ước tính, mỗi năm ông thu khoảng trên dưới 150 triệu đồng.
Với mục tiêu xây dựng mô hình nuôi xen ghép các đối tượng thủy sản giống mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương để tuyên truyền nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản trên địa bàn, nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai hình thức nuôi xen ghép một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, để phát triển một cách ổn định và bền vững thì ngành thủy sản cũng cần tăng cường tuyên truyền cho người nuôi thủy sản kiến thức về bảo vệ môi trường nước; nuôi thả thủy sản theo các hình thức an toàn vệ sinh thực phẩm; liên kết xây dựng chuỗi cửa hàng bán thủy sản an toàn, nơi người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm… góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm
Đứng thứ 2 về sản lượng cung cấp cho thị trường thế giới nhưng cà phê Việt Nam lại đang đối mặt với nhiều vấn đề, mà đặc biệt là chất lượng và tính bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Nhiều hộ nuôi cá tra ở các huyện: Châu Phú, Châu Thành và Phú Tân (An Giang) cho biết, giá cá tra hiện chỉ ở mức 18.000 đồng/kg, trong khi chi phí thức ăn, nhân công, bơm nước, con giống lên đến 21.000-22.000 đồng/kg nên không có lời.
Thay đổi tập quán chăn thả truyền thống trước đây, hiện nay nhiều hộ nông dân ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã chuyển sang nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng. Cách nuôi mới này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nông dân Thái Hữu Lộc (khóm Bình Đức 1, phường Bình Đức, TP.Long Xuyên - An Giang) cho biết: Gia đình trồng 3 công điên điển Thái Lan trên đất ruộng trồng lúa từ cuối tháng giêng, đến nay đang cho hoa.
Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, vụ mùa 2013 thời tiết diễn biến phức tạp, nông dân trong tỉnh nên xuống giống sớm để tránh hạn cuối vụ. Thời điểm xuống giống thích hợp nhất từ ngày 5-8 đến ngày 15-8. Đồng thời, bà con nên chọn những giống ngắn ngày, năng suất cao và có khả năng kháng sâu bệnh cao.