Nuôi ốc hương thu tiền tỷ
Nhiều người nuôi ốc hương ở Vũng Chào (vịnh Xuân Đài) 2 năm liên tiếp được mùa, được giá. Nuôi ốc hương thời gian ngắn, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế rất cao so với nghề nuôi tôm hùm lồng.
Anh Nguyễn Văn Tân, quê ở ngoài Bắc vào vịnh Xuân Đài thuê đìa rộng 4.000 m2, trong đó 3.000 m2 nuôi ốc hương còn 1.000m2 dùng chứa nước.
Sau 5 tháng nuôi anh thu hoạch bán 6 tấn ốc hương với giá 230.000đ/kg, doanh thu trên 1,3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí anh thu lãi trên 600 triệu đồng.
Anh Tân cho biết, thức ăn nuôi ốc hương rẻ hơn thức ăn cho tôm hùm. Cũng là cá giã, cua, ghẹ… nhưng thức ăn cho tôm 20.000đ/kg, thì ốc hương là 16.000đ/kg.
Nghề nuôi ốc hương “sướng” hơn nhiều so với nghề nuôi tôm hùm lồng, vì nuôi ốc khoảng 5 đến 6 tháng, trong khi nuôi tôm hùm lồng phải mất 2 năm mới thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Tùng, một người nuôi ốc hương ở Vùng Chào phấn khởi cho biết, từ 2 năm nay nghề nuôi ốc hương trong đìa ở đây trúng, người nuôi ít nhất thu 500 triệu đồng, chi phí xong lãi 200 triệu đồng.
Tuy nhiên anh cũng khuyến cáo, nuôi ốc hương chú trọng kỹ thuật nuôi, vì rủi ro lớn hơn tôm hùm. Đặc điểm ốc hương khi nhiễm bệnh chết sạch đìa, mình ốc thối rữa, còn tôm hùm chết lai rai vớt vát bán được.
Vì vậy để ốc hương không bị nhiễm bệnh, khi nuôi trong đìa phải tạo oxy thường xuyên, lắp 2 nguồn quạt nổi tạo ôxy trên bề mặt và 2 nguồn lủi âm dưới đìa để sục khí. Đặc biệt là thường xuyên cào vớt thức ăn thừa dưới đầm để không ô nhiễm nước.
Trước đây nghề nuôi ốc hương ở vùng này phải qua 3 “khâu”: Đẻ, ương, nuôi thành ốc thịt. Giai đoạn ốc đẻ khoảng 2,5 tháng, giai đoạn ương từ 10 đến 15 ngày, sau đó ốc hương con mới được nuôi thành ốc thương phẩm.
Thế nhưng gần đây đã có người chuyên nuôi cho ốc đẻ rồi ương, người nuôi ốc hương thành phẩm chỉ việc mua con giống. Giá con giống hiện nay thấp, 10 vạn con với giá 70 triệu đồng, còn trước đây là 90 triệu đồng.
Theo nhiều người nuôi trồng thủy sản ở TX Sông Cầu, cũng là người nuôi ốc hương nếu nuôi chắn đăng (dùng đăng chắn ngoài biển) thì tuột tay vì ốc chết, còn nuôi đìa thắng lớn.
Nguyên nhân, ngoài đìa nuôi còn có đìa trữ nước, khi nước ô nhiễm thì đóng đìa nuôi không để nước giao thoa với bên ngoài, sau đó cho nước vào đìa chứa xử lý clor rồi mới cho qua đìa nuôi.
Còn nuôi chắn đăng ngoài biển nước ô nhiễm ngâm trực tiếp vào chắn đăng lâu ngày, ốc hương chịu không nổi thò vòi ra chết sạch.
Nghề nuôi ốc hương ở TX Sông Cầu đang phát triển theo hướng mới, đó là thuê kỹ thuật trong khâu nuôi bằng cách chia phần trăm. Nghĩa là thuê người có am hiểu kỹ thuật chăm sóc đìa nuôi trả lương hàng tháng, bên cạnh đó giao khoán được hưởng phần trăm lợi nhuận.
Nếu cuối vụ người nuôi thu 500 triệu đồng thì công nhân kỹ thuật được hưởng 50 triệu đồng (ngoài lương tháng). Gọi là người có vốn, người có công cùng hưởng lợi để gắn kết trách nhiệm.
Thống kế của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, diện tích nuôi trồng thủy sản cá mú, cá chẽm, ốc hương, cua trong đìa rộng 302ha, trong đó khoảng 13ha diện tích nuôi ốc hương…
Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở đây mang tính tự phát, người nuôi chưa tuân theo lịch thời vụ cũng như quy hoạch vùng nuôi nên vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi thường xuyên xảy ra.
Bởi theo nhận định của Trạm thú y TX Sông Cầu, thức ăn con tôm hùm và ốc hương đều là thức ăn tươi sống (cá, ốc, hàu, sò...), trong khi đó các vùng nuôi này liền kề với nhau, điều này dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra.
Ông Phan Thanh Sơn, một người nuôi ốc hương ở xã Xuân Cảnh cho hay, đừng ham nuôi dày mà phải nuôi thưa, cỡ 10 vạn con ốc thả nuôi 1,5 sào, ốc hương lớn đều đặn đến tháng thứ 5 thì “sai 15” (tức là 150 con/kg), thu gần tấn ốc thành phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Đến thôn Tài Tùng, xã Yên Than (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), hỏi trang trại nuôi gà của anh Phạm Văn Bình ai cũng biết, bởi anh là một trong những người tiên phong bỏ công sức và kinh phí để khôi phục lại giống gà Tiên Yên nổi tiếng trước đây.
Thỏ là vật dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều công sức, vốn ít, có thể tận dụng thức ăn ngay tại địa phương, nhu cầu thị trường rất lớn, đang là một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi của nhiều hộ nông dân ở Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Được tiếp sức nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank Hòa Vang (Đà Nẵng), nhiều nông dân đã đầu tư đúng hướng, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.
Vụ lúa hè thu năm nay, nông dân huyện Cái Bè (Tiền Giang) gieo sạ hơn 17 ngàn hecta. Cơ cấu giống vẫn là những giống lúa kháng rầy, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất cao. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, bên cạnh đó bà con nông dân đã tích cực chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, nên hầu hết các diện tích đều phát triển tốt, tránh được bệnh rầy nâu và một số dịch bệnh hại lúa khác, ước tính năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/ha.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, từ nguồn hạt giống cà phê hỗ trợ của Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam. Từ đầu mùa mưa đến nay nông dân trong tỉnh đã trồng mới và tái canh được 835 ha cà phê.