Nuôi Ong Mật Ở Các Xã Nghèo Bình Liêu (Quảng Ninh)

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có diện tích tự nhiên 47.510ha, trong đó đất rừng, đất lâm nghiệp chiếm tới 42.510ha.
Trong những năm gần đây, huyện chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung. Hiện huyện có 156ha dong riềng, 3.500ha hồi, 100ha sở, đang có hướng mở rộng diện tích trồng sở lên 1.700ha, cùng hàng trăm ha trồng lúa, ngô, cây ăn quả như nhãn, ổi, vải, thanh long v.v..
Các loại cây này có một lượng hoa lớn, để từ đó hình thành các làng nuôi ong mật ở Bình Liêu. Đặc biệt các khu rừng hồi tập trung, trồng từ 13-15 năm mới cho thu hoạch hoa và có thể khai thác trong khoảng 20 năm.
Tình Húc là xã nuôi nhiều ong ở Bình Liêu. Trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, xã đã chọn “Mật ong Tình Húc” làm sản phẩm của xã mình. Ong được nuôi nhiều ở các bản Nà Kẻ, Nà Làng, Pắc Liềng, Khe Cóc với 39 hộ nuôi hơn 200 tổ ong.
Để giúp các hộ nuôi phát triển tốt nghề nuôi ong, xã đã mở 2 lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong và giúp vay vốn lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện. Đi cùng anh cán bộ xã Tình Húc, chúng tôi đến bản Pắc Liềng, là một trong những điểm nuôi ong nhiều nhất của xã.
Ông Lò Phúc Vân, là người nuôi nhiều ong ở bản, cho biết: Trước đây ở Pắc Liềng có nhiều người nuôi ong hơn bây giờ. Có một thời tưởng như mất nghề, bây giờ đang dần khôi phục.
Ông Vân hiện có 40 tổ ong, còn đa phần bà con trong bản nuôi từ 2-10 tổ để dễ chăm sóc. Thường thì một tổ ong có thể lấy được khoảng 7 lít mật/năm, giá bán tại nhà 250.000 đồng/lít. Có tổ ong khai thác được mật khoảng 20 năm.
Người dân Pắc Liềng và hầu hết các hộ nuôi ong ở Bình Liêu có kiểu nuôi ong khá độc đáo không giống các địa phương khác, là nuôi ong trong thân cây gỗ to được khoét rỗng ở giữa, 2 đầu bịt kín chỉ để lỗ nhỏ vừa con ong chui ra, vào. Tổ ong được gắn lên bờ tường nhà mình để phòng tránh ong dữ đến ăn mật, đánh đuổi ong nhà.
Một thời, khu rừng tự nhiên ở xã Hoành Mô bị thu hẹp dần, thay thế bằng các rừng keo. Người ta trồng keo chủ yếu là lấy gỗ, nên khi cây keo chưa ra hoa (keo trồng hơn 10 năm mới có hoa) người trồng đã khai thác.
Khai thác xong vụ keo, người ta lại đốt rừng trước khi trồng tiếp vụ khác, làm tuyệt diệt các loại thực bì cùng nhiều loại có hoa khác, làm cạn nguồn thức ăn của ong.
Vì thế nhiều đàn ong phải bay đi rất xa mới kiếm được nhụy hoa về làm mật. Do vậy người nuôi ong Bình Liêu càng quý con ong rừng vốn gắn bó với họ từ nhiều năm nay mà không chọn loại ong khác, vì ong rừng có bộ cánh rất khoẻ, có thể bay đi xa tìm mật.
Trước đây rừng nguyên sinh còn bạt ngàn, ong thường làm tổ ở các thân cây to rỗng, nhất là các cây đã mục. Người có nghề bắt ong quan sát trong đàn ong, rồi nhận biết từ hàng trăm con ong thợ để tìm ra ong chúa bắt về, cầm theo cả bọng ong, là các ong thợ tự theo về.
Ong phân tổ chia đàn vào tháng 3, tháng 4 âm lịch, đó là thời điểm tốt nhất người bắt ong hành nghề mà không sợ bị ong đốt. Vì ong mới tách đàn nên chúng tập trung xây tổ mới của mình, thường tránh đốt người, vì sợ bị gãy vòi chết hoặc không còn vòi để hút nhụy hoa.
Anh Hoàng A Sủi ở bản Loòng Vài, bản xa nhất của xã Hoành Mô, nuôi 40 tổ ong, chủ yếu trong các hốc đá trên đồi theo hướng bán tự nhiên, cho biết: “Nghề nuôi ong phải gắn liền với công tác bảo vệ rừng và phát triển tốt các khu rừng theo hướng phát triển tự nhiên. Mất rừng đồng nghĩa với mất nghề nuôi ong”.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2015, bên cạnh quy hoạch vùng trồng dong riềng, huyện còn quy hoạch vùng trồng rau, vùng nuôi ong mật để từng bước xây dựng thương hiệu “Mật ong Bình Liêu”.
Đối với vùng nuôi ong lấy mật, sẽ phát triển theo hướng tự nhiên, huyện khảo sát, phân tích giá trị mật ong từng khu vực để tìm được vùng nuôi ong cho chất lượng mật tốt nhất.
Quy mô dự kiến khoảng 2.000 hộ nuôi ong ở 50 thôn, bản, cho sản lượng khoảng 120.000 lít mật ong/năm. Việc xây dựng thương hiệu mật ong sẽ tạo điều kiện cho các hộ nghèo, các xã nghèo có nhiều cơ hội phát triển sản xuất, bởi hầu hết các khu rừng cung cấp nhiều hoa đều nằm ở các xã này.
Có thể bạn quan tâm

Chi phí đầu tư tăng cao, nhưng giá mía lại sụt giảm khiến người trồng mía ở ĐBSCL lỗ nặng. Điệp khúc trồng mía rồi lại chặt tái diễn.

Tổ được thành lập vào năm 1999, có 16 hộ tham gia, về sau số lượng ngày một tăng lên. Đến nay, có 34 hộ, sản xuất trên 30 hecta. Tất cả các thành viên trong tổ đều thực hiện cải họ cây sầu riêng, vươn lên phát triển kinh tế.

Năm 2013, tỉnh Dak Lak trích ngân sách 345 triệu đồng mua 129.650 con cá giống các loại thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn 8 huyện: Lak, Krông Ana, Ea Súp, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Pak và Ea Kar.

Chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ được thực hiện từ lâu, song việc sử dụng đèn sợi tóc với công suất 60 - 75 W tiêu thụ lượng điện rất lớn, dẫn tới chi phí đầu tư cho mỗi hecta cao, giảm tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, diện tích thanh long ngày càng tăng đã dẫn tới việc thiếu điện. Giải pháp để tăng thêm diện tích thắp sáng mà không thay đổi công suất thắp, giảm chi phí tiền điện, tăng lợi nhuận là thay thế đèn sợi tóc 60 - 75 W bằng đèn compact 20 - 23 W chống ẩm cho thanh long ra hoa trái vụ.

Nông dân trong huyện U Minh (Cà Mau) vừa kết thúc vụ thu hoạch cá đồng, giá cá ở mức cao ngay từ đầu vụ và tiếp tục tăng ở cuối vụ.