Sầu Riêng Ri 6 Lên Ngôi

Tổ Hợp tác sản xuất sầu riêng ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách - Bến Tre) chuyên trồng sầu riêng Ri 6.
Tổ được thành lập vào năm 1999, có 16 hộ tham gia, về sau số lượng ngày một tăng lên. Đến nay, có 34 hộ, sản xuất trên 30 hecta. Tất cả các thành viên trong tổ đều thực hiện cải họ cây sầu riêng, vươn lên phát triển kinh tế. Cải họ là ghép giống sầu riêng Ri 6 vào cây sầu riêng giống khác (khổ qua, bí, Thái Lan) có thân cao, nhằm thuần hóa giống Ri 6 chất lượng cao, được nhiều khách hàng ưa chuộng, giá bán cao gấp 2 lần so với sầu riêng giống khác. Từ đó, nhiều hộ dân trồng sầu riêng ở Trung Hiệp chuyển sang cải họ, cắt ghép nhưng không bỏ gốc. Sau hai năm, cây sẽ cho trái là giống sầu riêng được ghép. Năng suất sầu riêng cải họ không tăng nhưng giá trị tăng gấp đôi.
Giá sầu riêng Ri 6 dao động từ 26 - 28 ngàn đồng/kg đã kịp xoa dịu nỗi buồn thất mùa của nhiều hộ dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Bé - Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng cho biết: “Năm nay, sầu riêng không nhiều trái như mọi năm, nhưng nhà vườn phấn khởi vì giá sầu riêng Ri 6 đang tăng cao. Thương lái tìm đến tận vườn hái rồi đóng thùng, nhà vườn chỉ ngồi chờ đếm tiền. Còn các loại sầu riêng khổ qua, bí, Thái Lan” thì người dân phải tự hái, tự chuyên chở tìm nơi tiêu thụ.
Gần đó, ông Bùi Văn Chiến - thành viên của Tổ chia sẻ, vườn nhà trồng nhiều giống sầu riêng nhưng chất lượng không cao, thêm phần buôn bán khó khăn nên chuyển qua trồng giống sầu riêng Ri 6 thấy có hiệu quả. Vừa rồi, tôi bán giá 26 ngàn đồng/kg, thương lái cắt xô (không phân biệt độ lớn nhỏ, chất lượng của sầu riêng), 6 tấn, tôi thu về trên 150 triệu đồng. Nhờ thuần hóa giống Ri 6 đem lại chất lượng cao, trái sầu riêng đẹp, không sâu, đạt 85 - 90%, ông Chiến có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Ông Bé cho biết thêm: Với kinh nghiệm tích lũy và những kiến thức thu được sau các chuyến tham quan thực tế, việc cải họ sầu riêng Ri 6 thật sự hiệu quả. Trồng sầu riêng không tốn nhiều phân, thuốc, chủ yếu là nhà vườn sử dụng phân hữu cơ, thuốc dưỡng cây, thuốc trừ sâu và kết hợp chế độ nước tưới cho thích hợp. Đặc biệt, nhà vườn cần chú ý vệ sinh nguồn nước để tránh nguy cơ bệnh xì mủ trên thân cây và con xoắn tóc đục thân làm chết cây.
Hiện nay, bà con địa phương đã thu hoạch xong vụ sầu riêng, đang bắt đầu tập trung cải họ sầu riêng sang giống Ri 6 nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Sau hơn một năm bị mất mùa, hơn một tuần vừa qua, sứa đã bắt đầu xuất hiện trở lại trong khu vực đầm Ô Loan (huyện Tuy an), tạo cơ hội cho ngư dân ven đầm có nguồn thu nhập đáng kể.

Đó là cây chuối, sâm, keo và con bò, heo, dê. Sáu loại cây trồng, vật nuôi này có nguồn tiêu thụ mạnh, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng miền núi, đem lại thu nhập cao và nhất là dễ thực hiện khi mà tập tục sản xuất của người dân còn lạc hậu. Đầu tư mạnh cho 3 cây, 3 con này sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân ở Nam Trà My thoát đói nghèo.

Ở trang trại của anh chị Nguyễn Hồng Quyền - Trần Thị Thu Hường trên đường Đặng Thái Thân, phường 3, Đà Lạt, cây nấm linh chi quý hiếm này đã thực sự được bàn tay con người thuần dưỡng, cung cấp cho thị trường những tai nấm linh chi đỏ thượng hạng.

Gạo Việt tăng mạnh khi cầu vượt cung song, Việt Nam có thể phải trả giá vì Thái Lan vẫn giữ giá, tấn công thị trường xuất khẩu truyền thống của VN.

Đáng chú ý là bệnh do nấm và vi khuẩn. Toàn tỉnh có trên 1.550 ha bị nhiễm bệnh cháy bìa lá, tỉ lệ phổ biến từ 10% đến 20% lá, trong đó có 178 ha bị nhiễm đến 40% lá. Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn cổ bông cũng xuất hiện trên diện tích hơn 800 ha, đã có một số diện tích bị nhiễm đến 20% bông.