Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Ong Giữa Vườn Cà Phê

Nuôi Ong Giữa Vườn Cà Phê
Ngày đăng: 17/05/2014

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại thì mô hình nuôi ong giữa vườn cà phê đang được nhiều người dân xã Bình Thạnh (Đức Trọng - Lâm Đồng) áp dụng. Nghề nuôi ong đang đem lại nguồn thu nhập để nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình nơi đây.

Nhiều hộ dân ở xã Bình Thạnh đã tận dụng những khoảng trống giữa vườn cà phê để đặt thùng nuôi ong. Nuôi ong giữa vườn cà phê vừa không tốn diện tích mặt bằng vừa tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào cho ong từ mùa hoa cà phê nở trắng và giúp cho cây cà phê đậu quả cao hơn.

Cây cà phê vừa chắn gió, che nắng, che mưa cho những thùng ong đặt dưới gốc. Có thể nói, vườn cà phê là môi trường lý tưởng để đàn ong sinh trưởng và phát triển tốt.

Tuy vậy, trước đây người dân địa phương vẫn chưa biết tận dụng vườn cà phê để nuôi ong mà chỉ sau khi có một số người ở địa phương khác di chuyển đàn ong đến đây vào mùa hoa cà phê thì người dân mới làm theo.

Anh Vũ Trọng Nguyên, một trong những hộ đầu tiên nuôi ong với quy mô lớn tại Bình Thạnh cho biết, cách đây gần 4 năm anh thấy một số người ở địa phương khác đem thùng ong đặt nuôi giữa vườn cà phê của người dân địa phương nên anh học tập làm theo.

Ban đầu khi bắt tay thực hiện mô hình, anh gặp không ít khó khăn bởi thiếu vốn đầu tư, kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi ong, nên đã phải vay vốn ngân hàng, tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi ong ở nhiều nơi và qua tài liệu sách, báo. Sau đó, anh đã mạnh dạn đầu tư 80 triệu đồng để mua giống ong về nuôi.

Khi có được những thùng ong để nuôi rồi lại lo ong bị bệnh, chết hoặc bỏ đi nên suốt ngày anh phải quan tâm đàn ong như chăm sóc những đứa trẻ.

Vừa làm vừa học, đến nay anh Vũ Trọng Nguyên không những tích luỹ kinh nghiệm cho mình mà còn có thể chia sẻ truyền đạt kỹ thuật nuôi ong cho người khác làm theo. Từ 30 thùng ban đầu, đến nay anh đã nhân lên được 150 đàn ong. Vào mùa thu hoạch, trung bình 3 ngày anh sẽ thu hoạch sữa một lần, cứ 20 đàn sẽ cho được 1kg sữa ong chúa.

Mỗi kg sữa anh nhập cho các công ty tại thành phố Hồ Chí Minh với giá dao động khoảng từ bảy trăm ngàn đến một triệu đồng. Cùng với vườn cà phê thì hàng năm, những thùng ong đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập đáng kể.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Bình Thạnh, hiện nay, trên địa bàn có gần 70 hộ nuôi ong giữa vườn cà phê với số lượng hơn ba ngàn thùng. Hiện nay, nhiều hộ cũng đang đầu tư để phát triển đàn ong. Sản phẩm từ ong của người dân địa phương cũng rất đa dạng gồm sữa ong chúa, mật và phấn hoa.

Nhưng giá trị nhất vẫn là sữa ong chúa. Theo người dân nuôi ong tại địa phương cho biết, trước đây ít người nuôi nên các sản phẩm bán rất có giá và có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nhưng giờ nhiều hộ nuôi nên các công ty ép giá nên giá thấp hơn.

Trước đây, nếu 1kg sữa ong chúa có giá từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng thì giờ chỉ còn khoảng 8 trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Riêng mật và phấn hoa thì trước đây có giá từ 130 - 150 ngàn đồng/1kg thì nay chỉ còn khoảng 90 - 120 ngàn đồng.

Ông Bùi Đức Đảm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh cho biết: “Gần đây phong trào nuôi ong giữa vườn cà phê phát triển mạnh ở địa phương. Chúng tôi có 872ha cà phê đang kinh doanh là điều kiện tốt để phát triển đàn ong.

Bên cạnh nuôi ong giữa vườn cà phê, chúng tôi cũng đang tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích”.

Như vậy, nghề nuôi ong giữa vườn cà phê đã đem lại cho người dân xã Bình Thạnh có thêm nguồn thu nhập để nâng cao đời sống. Tuy nhiên, để nghề nuôi ong nơi đây phát triển bền vững thì chính quyền địa phương và Hội nuôi ong Lâm Đồng nên có sự quy hoạch cụ thể, hỗ trợ kỹ thuật, tạo liên kết trong sản xuất để đảm bảo đầu ra ổn định.

Mặt khác, người dân cũng nên phát triển đàn ong một cách hợp lý, không ồ ạt để dẫn đến tình trạng đàn ong thiếu nguồn thức ăn, sản phẩm làm ra cung vượt quá cầu bị ép giá, không hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Nuôi Bò Sinh Sản Làm Giàu Từ Nuôi Bò Sinh Sản

Từ một hộ nghèo có cuộc sống kinh tế khó khăn, nhờ áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sinh sản,đến nay gia đình ông Bùi Văn Bảo ở xóm Đồng Bái, xã Đú Sáng (Kim Bôi - Hòa Bình) là hộ điển hình trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc bán bò, bê.

07/10/2013
Nuôi Chim Bồ Câu Nuôi Chim Bồ Câu

Bà Nguyễn Thị Chi, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng tâm sự, tình cờ bà đọc được thông tin trên báo chí giới thiệu mô hình nuôi chim bồ câu ở TPHCM rất hiệu quả. Năm 2006 hai vợ chồng bà lặn lội về tận nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua được 10 cặp chim bố mẹ về nuôi thử.

07/10/2013
Giá Cá Tra Tăng Trở Lại Giá Cá Tra Tăng Trở Lại

Ông Lê Hồng Đức - Chủ tịch Hiệp Hội thủy sản huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, những ngày gần đây giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại.

08/10/2013
Mô Hình Nuôi Gà Đồi An Toàn Sinh Học Ở Yên Định Cho Hiệu Quả Cao Mô Hình Nuôi Gà Đồi An Toàn Sinh Học Ở Yên Định Cho Hiệu Quả Cao

Đầu năm 2013, cùng với các huyện: Vĩnh Lộc, Triệu Sơn và Thiệu Hóa, huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học tại 2 xã là Định Tường và Định Liên với hơn 3.500 con giống và hơn 20 hộ gia đình tham gia nuôi thử.

11/10/2013
Khánh Hòa Khai Thác Gần 70.000 Tấn Thủy Sản Khánh Hòa Khai Thác Gần 70.000 Tấn Thủy Sản

Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 1.200 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 10.000 lao động, được tổ chức thành gần 170 tổ đoàn kết sản xuất an toàn trên biển. Các tổ đoàn kết trên cơ sở quan hệ gia đình, bạn bè, cùng khai thác trên 1 ngư trường và giúp nhau tìm kiếm, cứu nạn.

12/10/2013