Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Ong Giữa Vườn Cà Phê

Nuôi Ong Giữa Vườn Cà Phê
Publish date: Saturday. May 17th, 2014

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại thì mô hình nuôi ong giữa vườn cà phê đang được nhiều người dân xã Bình Thạnh (Đức Trọng - Lâm Đồng) áp dụng. Nghề nuôi ong đang đem lại nguồn thu nhập để nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình nơi đây.

Nhiều hộ dân ở xã Bình Thạnh đã tận dụng những khoảng trống giữa vườn cà phê để đặt thùng nuôi ong. Nuôi ong giữa vườn cà phê vừa không tốn diện tích mặt bằng vừa tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào cho ong từ mùa hoa cà phê nở trắng và giúp cho cây cà phê đậu quả cao hơn.

Cây cà phê vừa chắn gió, che nắng, che mưa cho những thùng ong đặt dưới gốc. Có thể nói, vườn cà phê là môi trường lý tưởng để đàn ong sinh trưởng và phát triển tốt.

Tuy vậy, trước đây người dân địa phương vẫn chưa biết tận dụng vườn cà phê để nuôi ong mà chỉ sau khi có một số người ở địa phương khác di chuyển đàn ong đến đây vào mùa hoa cà phê thì người dân mới làm theo.

Anh Vũ Trọng Nguyên, một trong những hộ đầu tiên nuôi ong với quy mô lớn tại Bình Thạnh cho biết, cách đây gần 4 năm anh thấy một số người ở địa phương khác đem thùng ong đặt nuôi giữa vườn cà phê của người dân địa phương nên anh học tập làm theo.

Ban đầu khi bắt tay thực hiện mô hình, anh gặp không ít khó khăn bởi thiếu vốn đầu tư, kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi ong, nên đã phải vay vốn ngân hàng, tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi ong ở nhiều nơi và qua tài liệu sách, báo. Sau đó, anh đã mạnh dạn đầu tư 80 triệu đồng để mua giống ong về nuôi.

Khi có được những thùng ong để nuôi rồi lại lo ong bị bệnh, chết hoặc bỏ đi nên suốt ngày anh phải quan tâm đàn ong như chăm sóc những đứa trẻ.

Vừa làm vừa học, đến nay anh Vũ Trọng Nguyên không những tích luỹ kinh nghiệm cho mình mà còn có thể chia sẻ truyền đạt kỹ thuật nuôi ong cho người khác làm theo. Từ 30 thùng ban đầu, đến nay anh đã nhân lên được 150 đàn ong. Vào mùa thu hoạch, trung bình 3 ngày anh sẽ thu hoạch sữa một lần, cứ 20 đàn sẽ cho được 1kg sữa ong chúa.

Mỗi kg sữa anh nhập cho các công ty tại thành phố Hồ Chí Minh với giá dao động khoảng từ bảy trăm ngàn đến một triệu đồng. Cùng với vườn cà phê thì hàng năm, những thùng ong đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập đáng kể.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Bình Thạnh, hiện nay, trên địa bàn có gần 70 hộ nuôi ong giữa vườn cà phê với số lượng hơn ba ngàn thùng. Hiện nay, nhiều hộ cũng đang đầu tư để phát triển đàn ong. Sản phẩm từ ong của người dân địa phương cũng rất đa dạng gồm sữa ong chúa, mật và phấn hoa.

Nhưng giá trị nhất vẫn là sữa ong chúa. Theo người dân nuôi ong tại địa phương cho biết, trước đây ít người nuôi nên các sản phẩm bán rất có giá và có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nhưng giờ nhiều hộ nuôi nên các công ty ép giá nên giá thấp hơn.

Trước đây, nếu 1kg sữa ong chúa có giá từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng thì giờ chỉ còn khoảng 8 trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Riêng mật và phấn hoa thì trước đây có giá từ 130 - 150 ngàn đồng/1kg thì nay chỉ còn khoảng 90 - 120 ngàn đồng.

Ông Bùi Đức Đảm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh cho biết: “Gần đây phong trào nuôi ong giữa vườn cà phê phát triển mạnh ở địa phương. Chúng tôi có 872ha cà phê đang kinh doanh là điều kiện tốt để phát triển đàn ong.

Bên cạnh nuôi ong giữa vườn cà phê, chúng tôi cũng đang tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích”.

Như vậy, nghề nuôi ong giữa vườn cà phê đã đem lại cho người dân xã Bình Thạnh có thêm nguồn thu nhập để nâng cao đời sống. Tuy nhiên, để nghề nuôi ong nơi đây phát triển bền vững thì chính quyền địa phương và Hội nuôi ong Lâm Đồng nên có sự quy hoạch cụ thể, hỗ trợ kỹ thuật, tạo liên kết trong sản xuất để đảm bảo đầu ra ổn định.

Mặt khác, người dân cũng nên phát triển đàn ong một cách hợp lý, không ồ ạt để dẫn đến tình trạng đàn ong thiếu nguồn thức ăn, sản phẩm làm ra cung vượt quá cầu bị ép giá, không hiệu quả.


Related news

Tây Ninh Phấn Đấu Phát Triển Ngành Thủy Sản Tây Ninh Phấn Đấu Phát Triển Ngành Thủy Sản

Bên cạnh đó, Sở cũng đã xây dựng, khuyến khích đầu tư các dự án nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, an toàn dịch bệnh; rà soát quy hoạch và nâng cao năng lực các cơ sở giống chất lượng, sạch bệnh, cung cấp đủ cho sản xuất; không ngừng kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở chế bến thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Monday. January 12th, 2015
Hiệu Quả Từ Mô Hình “Nuôi Ghép Tôm Thẻ Chân Trắng Với Cá Rô Phi” Hiệu Quả Từ Mô Hình “Nuôi Ghép Tôm Thẻ Chân Trắng Với Cá Rô Phi”

Trước tình hình người dân địa phương đang tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng và thường thả nuôi với mật độ cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường ao nuôi dễ biến động và khó quản lý. Để giúp quản lý tốt môi trường ao nuôi, nhằm đảm bảo hiệu quả cho người nuôi tôm, trong năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật “Nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với cá rô phi” tại hộ ông Lê Công Dư, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông với diện tích 0,5ha.

Monday. January 12th, 2015
Thủy Sản Quảng Ngãi Một Năm Bội Thu Thủy Sản Quảng Ngãi Một Năm Bội Thu

Nhờ đó, tổng công suất tàu thuyền cũng tăng nhanh. Vào cuối năm 2013, tổng công suất đạt khoảng 885.000 CV thì đến cuối năm 2014 đã vượt hơn 1 triệu CV. Chất lượng tàu thuyền đánh cá ở Quảng Ngãi ngày càng hiện đại, phần nào đáp ứng được nhu cầu khai thác hải sản ở các ngư trường xa, như Hoàng Sa, Trường Sa, đem lại hiệu quả lớn.

Monday. January 12th, 2015
Huyện Thới Bình (Cà Mau) Thu Hoạch Tôm Càng Xanh Huyện Thới Bình (Cà Mau) Thu Hoạch Tôm Càng Xanh

Do nước ngọt lợ rất thích hợp thả nuôi tôm càng xanh nên 3 năm qua mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh ở huyện Thới Bình phát triển khá mạnh. Tập trung chủ yếu ở các xã: Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Trí Phải, Tân Bằng và xã Thới Bình. Năng suất đạt từ 150 - 200 kg/ha, với giá bán khoảng 150.000 đồng/kg, bà con thu lợi nhuận từ 15 - 25 triệu đồng/ha.

Monday. January 12th, 2015
Ngư Dân Vui Đón Ngư Dân Vui Đón "Lộc Biển"

Những ngày đầu năm 2015, khí trời ấm áp sau những ngày giá buốt, trên biển có rất nhiều đàn cá, tôm, mực, ghẹ xuất hiện. Đó là tín hiệu vui cho ngư dân ven biển. Cùng vì vậy, sau những ngày ra khơi, các tàu cá trở về đầy ắp tôm cá, báo hiệu một mùa đánh bắt bội thu...

Monday. January 12th, 2015