Đặc Sản Vùng Nước Lợ
Xã Phước An ( huyện Nhơn Trạch) từ lâu đã nổi tiếng về nguồn thủy sản nước lợ phong phú với nhiều loài được xem là đặc sản, như: tôm sú, cua xanh, bạch tuộc, cá nâu, cá hường…
Thủy sản ở Phước An có quanh năm, nhưng mùa mưa mới là thời điểm rộ. Có lẽ, do sống trong môi trường nước lợ tự nhiên nên các loại thủy sản nơi đây luôn có vị thơm ngon hơn các vùng khác.
* Thủy sản nước lợ
Sau gần một đêm lênh đênh trên sông, sáng sớm những chiếc ghe đánh bắt thủy sản của người dân mới bắt đầu cập bến. Những rổ cá nâu, cá kèo, bạch tuộc, cua, tôm sú,... đều được chuyển hết lên bờ.
Theo các ngư dân ở đây cho biết, mùa mưa thường là mùa các loại thủy sản bắt đầu đổ thịt và rộ nhiều vào những tháng cuối năm, đặc biệt là các loại cua, tôm, cá kèo. Người dân ở đây đánh bắt quanh năm, nhưng vào mùa này thường bắt được nhiều hơn so với những ngày bình thường.
Anh Hùng Văn Lầu, ấp Bàu Bông (xã Phước An), cho biết: “Lượng thủy sản đánh bắt đươc nhiều hay ít cũng tùy thuộc vào con nước, những ngày nước tốt nguồn thủy sản sẽ nhiều hơn. Một tháng có 10 ngày nước tốt, may mắn thì cũng kiếm được từ 500-700 ngàn đồng/ngày”.
Các loại cua, ghẹ, cúm… có mặt quanh năm ở vùng rừng ngập mặn. Tuy nhiên, từ tháng 7 âm lịch kéo dài tới tháng 3, tháng 4 năm sau là thời điểm chúng sinh sản.
Anh Nguyễn Văn Tươi, ấp Bàu Bông, chia sẻ: “Muốn bắt những loại này thường dựa vào tập quán của chúng là chỉ đi ăn khi nào có con nước lớn, dùng lưới cào, đóng đáy hoặc dùng bẫy rập cua để đặt là có thể bắt được. Hoặc vào buổi sáng khi thủy triều xuống, sẽ lộ những bãi bồi phù sa, tôi sẽ đi tìm hang ở của chúng để đào. Cua, ghẹ ở thời điểm này ăn chắc thịt và nhiều gạch”.
Người dân ở đây thường đi đánh bắt thủy sản vào buổi đêm và buổi sáng. Vào mỗi buổi sáng khi nước ròng, người dân lại rủ nhau ra sông đánh bắt cho đến chiều.
Khi con nước bắt đầu lên cao, những người đi đánh bắt lần lượt đem “chiến lợi phẩm” bán cho các đầu mối mua gom thủy sản. Ngư dân bán cua tại bến cho các chủ khoảng 240 ngàn đồng/kg, bạch tuộc từ 170-200 ngàn đồng/kg, tôm thẻ từ 200-250 ngàn đồng/kg…
* Nỗi lo của dân chài
Mặc dù vùng nước lợ xã Phước An luôn đa dạng các loại thủy sản, nhưng những ngư dân nơi đây vẫn không khỏi nỗi lo nguồn thủy sản đang ngày cạn kiệt. Chị Trần Phương Loan, ấp Bàu Bông, cho biết: “Bây giờ đa phần người dân đi đánh bắt đều thả bằng lưới mắt nhỏ, các loại cá, tôm, cua… nhỏ đều lọt hết vô lưới.
Có bao nhiêu người dân tận thu bấy nhiêu mà không thả lại sông nên lượng thủy sản ngày một khan hiếm. Trước đây, một gia đình đi đánh bắt một ngày có thể thu hơn 1 triệu đồng, nhưng bây giờ bữa nào trúng thì được khoảng 4 trăm ngàn đồng, có bữa chỉ được 100-200 ngàn đồng”.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, cán bộ UBND xã Phước An, cho biết trước đây, người dân Phước An chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản. Nhưng khi dòng sông này bị ô nhiễm, nhiều người đã lên bờ đi làm công nhân. Hiện nay, dân địa phương khai thác thủy sản ở vùng nước lợ chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là những người dân ở huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) tới đánh bắt.
Mùa này có lẽ là mùa để những ngư dân đánh bắt cá trên dòng sông Thị Vải tận dụng thời gian để khai thác thủy sản nhằm tăng thêm thu nhập, song các loại thủy sản đã không còn nhiều như trước. Anh Nguyễn Văn Tươi cho biết: “Vào mùa nước nổi khoảng tháng 8, tháng 9 mới là thời điểm “rộ” các loại thủy sản nhất, nhưng không phải bữa nào cũng bắt được, có ngày bắt được nhiều, ngày bắt được ít, thậm chí là chẳng có con nào”.
Sau một thời gian vắng bóng bởi sự ô nhiễm nguồn nước, các loại thủy sản nay đã về với dòng sông Thị Vải. Song, với cách khai thác “ triệt để” như hiện nay cũng khiến những người ngư dân nghèo có thêm nỗi lo sẽ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú này.
Có thể bạn quan tâm
Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh Cà Mau sẽ gieo cấy gần 45.000 ha lúa trên đất nuôi tôm ở những nơi có đủ điều kiện về ngăn mặn giữ ngọt, có nguồn nước tưới bổ sung khi cần thiết.
Cây chè được xem là cây trồng chủ lực không chỉ giúp nông dân Lâm Đồng xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, do nhiều nơi sản xuất vẫn còn tự phát, không theo quy hoạch, chưa tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với người sản xuất, nên hiện giá trị sản phẩm chè Lâm Đồng trên thương trường cạnh tranh trong và ngoài nước vẫn còn ở mức “khiêm tốn”.
Người trồng dừa lo lắng khi thương lái hỏi mua tại vườn với mức giá từ 26.000 - 30.000 đ/chục.
Cách đây khoảng vài tháng, giá chanh đạt mốc 20 - 25 ngàn đồng/kg, nhà vườn rất phấn khởi, tuy nhiên hiện nay thì 10kg chanh chưa đổi được một ly café đá đã khiến không ít nhà vườn trăn trở khi canh tác loại cây trồng này.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phường Cự Khối, quận Long Biên, TP Hà Nội đã mạnh dạn đưa cây ổi găng về trồng.