Nuôi Lươn Không Bùn Ở Thành Phố
Không đòi hỏi diện tích rộng hay kỹ thuật cao, không gây ô nhiễm môi trường, lại có thể tận dụng được diện tích chuồng trại nuôi heo cũ, mô hình nuôi lươn không bùn đang là một hướng đi mới của nhiều hộ dân ở TP.Biên Hòa.
Hiện toàn thành phố có hơn 30 hộ dân tại các phường, xã: An Hòa, Hiệp Hòa, Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình Tân... đang tham gia thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
* Sử dụng lại chuồng trại cũ
Để đảm bảo cho việc phát triển kinh tế phù hợp với quy hoạch nông nghiệp đô thị, tháng 9-2013, Hội Nông dân TP.Biên Hòa đã tổ chức cho 110 cán bộ hội, nông dân đi tham quan mô hình nuôi lươn không bùn tại trang trại Sơn Ca (huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh).
Nhận thấy đây là một mô hình phù hợp với điều kiện hiện tại của địa phương, sau chuyến đi nhiều hộ dân đã tiến hành cải tạo lại chuồng trại thành hồ nuôi lươn, đồng thời chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại khác để xây dựng thí điểm mô hình tại gia đình.
Dãy hồ nuôi lươn không bùn của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (KP.4, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa).
Anh Lại Công Chức (KP.4, phường Trảng Dài) đã cải tạo chuồng trại nuôi heo trước đây thành 29 hồ nuôi lươn với diện tích mỗi hồ gần 4m2. Trong lần thí điểm này, gia đình anh Chức đã thả 1 tấn (hơn 2.000 con) lươn giống loại 20 con/kg trong 17 hồ nuôi. Anh Chức chia sẻ: “Nuôi lươn không bùn phải đảm bảo có nguồn nước sạch và cung cấp đầy đủ, mỗi hồ cũng cần có thêm một vỉ tre để làm nơi trú ẩn cho lươn”.
Đặc biệt, gia đình anh đã xây dựng hệ thống lọc nước khép kín nhằm tái sử dụng lại nguồn nước, giúp tiết kiệm chi phí về điện, nước và không gây ô nhiễm môi trường. Lứa lươn đầu tiên gia đình anh nuôi đã gần 4 tháng, hiện mỗi con bình quân đạt từ 400-500gr, nếu chăm sóc tốt có thể lên tới 700-800gr/con. Với giá thu mua là 130 ngàn đồng/kg, dự tính trừ chi phí gia đình anh cũng lời từ 40-50 triệu đồng.
Anh Hà Phúc Chung (KP.4, phường Trảng Dài) cho biết: “Việc nuôi lươn không bùn không khó, nhưng quan trọng là phải tìm được nguồn nước phù hợp, vì nếu để nước bẩn, có mùi hôi, lươn sẽ dễ bị mắc bệnh và chết”. Anh Chung cũng đã cải tạo lại chuồng heo cũ và thả 50kg lươn giống loại 30 con/kg vào 2 hồ nuôi. Bên cạnh đó, anh cũng đang tiến hành cải tạo 200m2 diện tích chuồng heo cũ để mở rộng diện tích nuôi.
Ngoài ra, anh còn nuôi thêm giun quế để chủ động nguồn thức ăn cho lươn. “Giun quế là loại thức ăn có lượng đạm lớn, nuôi lươn lớn rất nhanh. Việc sản xuất thức ăn cho lươn tại nhà giúp giảm bớt chi phí cũng như thời gian, công sức. Sắp tới tôi cũng cải tạo hồ phù hợp để nuôi thêm lươn sinh sản” - anh Chung nói.
* Nhân rộng mô hình
Theo nhiều hộ dân, với điều kiện chuồng trại nuôi heo cũ đang bỏ không do buộc phải ngưng nuôi heo trong đô thị, nuôi lươn không bùn được xem là một mô hình khả quan nhất ở thời điểm hiện tại. Việc nuôi lươn ít vất vả, không gây ô nhiễm môi trường, bên cạnh đó thị trường của mặt hàng này trong nhiều năm gần đây ổn định và ít biến động hơn so với nuôi heo.
Hiệu quả của nuôi lươn không bùn khá cao, từ 100kg lươn giống có thể thu khoảng 600kg lươn thành phẩm. Một số hộ nuôi lươn cho biết, sắp tới sẽ mở rộng mô hình để tận dụng hết diện tích chuồng heo bị bỏ trống. Dự kiến mỗi gia đình sẽ thả từ 3-5 tấn lươn giống/vụ.
Theo ông Triệu Văn Minh, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.Biên Hòa: “Mặc dù mới thí điểm những lứa đầu tiên, nhưng mô hình nuôi lươn không bùn nhìn chung khá phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân TP.Biên Hòa hiện nay, đảm bảo môi trường trong sạch.
Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này mới đầu cũng gặp khó khăn do kỹ thuật còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư ban đầu để chuyển đổi mô hình khá lớn đối với những hộ nông dân”. Thêm vào đó, sự tính toán kỹ về mặt đầu ra cũng cần được chú ý thêm.
Một số người nuôi lươn cho biết, mỗi ngày chỉ cần cho lươn ăn 1-2 lần, sau 3 giờ thì thay nước. Thức ăn chủ yếu là các loại phụ phẩm từ cá, ốc xay nhỏ trộn với cám. Lươn hầu như không bị bệnh, tốc độ tăng trưởng nhanh. So với nuôi bùn phải mất 10-12 tháng mới có thể xuất bán, nuôi lươn không bùn chỉ mất 4-6 tháng, giúp tiết kiệm chi phí thức ăn, nhân công, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ thịt lươn sạch.
Có thể bạn quan tâm
Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể thiệt hại từ cơ quan chức năng nhưng theo ghi nhận, toàn tỉnh Lâm Đồng số hành tây đổ bỏ vì nhà vườn tích trữ lâu do giá quá rẻ dẫn đến hư hỏng đã lên tới hàng trăm tấn.
Chỉ khi đóng vai thương lái thu mua mới có cái nhìn thật nhất về giá vải thiều ở “thủ phủ” Bắc Giang. Người nông dân đã và đang mất ăn mất ngủ vì vải thiều. “Đến hẹn lại lên”, do không tìm được đầu ra, người nông dân than trách: Thông tin không chuẩn xác như lâu nay chẳng khác gì “cầm dao cứa vào tim chúng tôi”!
Một thương lái bị bắt quả tang dùng nam châm gắn vào cân đồng hồ trong lúc cân tôm của nông dân, làm sai lệch trọng lượng đến 50% nhưng công an nói không có cơ sở để xử lý
Những tuần qua, ngư dân tại các vùng biển Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều được mùa cá nục.
Cuối năm nay, Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Cùng với đó, một số hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị ký kết như FTA với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc... đang mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam khi hàng rào thuế quan đối với mặt hàng này hầu hết được dỡ bỏ.