Hiệu Quả Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Ở Ngọc Động
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Động (Quảng Uyên) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát huy hiệu quả nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế, năng suất, sản lượng cao vào sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND xã Ngọc Động Lý Khánh Họp cho biết: Những năm trước đây, nhân dân trong xã chủ yếu trồng các loại giống ngô, lúa địa phương, lại chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế chưa cao, năng suất, sản lượng thấp, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%.
Trước thực trạng đó, từ năm 2005, xã ra các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp, chọn những giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương đưa vào cơ cấu cây trồng của xã.
Cử cán bộ chuyên trách phối hợp với các trưởng xóm, những người có uy tín tuyên truyền, vận động bà con trồng các loại giống mới có giá trị kinh tế, năng suất, sản lượng cao. Chỉ đạo các trưởng xóm, các cán bộ, đảng viên trong xã gương mẫu, đi đầu trồng thử nghiệm các giống mới.
Đồng thời, phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện xây dựng các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, tổ chức các mô hình trồng thử nghiệm các loại giống mới, tổ chức các hội thảo đầu bờ để cho bà con thấy được hiệu quả kinh tế từ việc sử dụng giống mới mang lại, từ đó chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng.
Anh Lý Văn Cường, xóm Lũng Thoong, xã Ngọc Động cho biết: Từ năm 2007, gia đình tôi chuyển từ trồng ngô giống địa phương sang trồng các loại giống ngô lai. Đến nay, toàn bộ diện tích hơn 1,5 ha của gia đình tôi đang trồng ngô lai NK 54. Với giá thu mua tận nhà từ 5,5 - 7 nghìn đồng/kg, hằng năm gia đình tôi thu được từ 30 - 40 triệu đồng.
Từ năm 2009, được Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng mía nguyên liệu, xã đưa thêm cây mía vào định hướng phát triển kinh tế địa phương, tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng ngô lúa kém hiệu quả, diện tích đất nông nghiệp tại các xóm thiếu nước canh tác sang trồng mía nguyên liệu. Với giá thu mua 1 nghìn đồng/kg mía như hiện nay bà con yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích.
Anh Phan Văn Pì, Trưởng xóm Lũng Cải (xóm trồng nhiều mía nhất ở xã Ngọc Động) cho biết: Xóm hiện có 17 hộ, 83 nhân khẩu.
Trước đây, xóm chỉ trồng các loại giống ngô, lúa truyền thống, lại khó khăn về nguồn nước sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Sau khi được Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng đầu tư trồng mía nguyên liệu, nhận thấy cây mía phù hợp với điều kiện sản xuất của xóm, tôi cùng cán bộ xã vận động bà con tham gia trồng, thấy hiệu quả kinh tế cao từ trồng mía, bà con chủ động chuyển đổi sang trồng mía nguyên liệu. Hiện nay, 100% hộ trong xóm đều trồng mía, nhiều hộ thoát được nghèo từ trồng mía.
Từ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện nay bộ mặt nông thôn xã đã có nhiều thay đổi. Toàn xã có trên 95% diện tích ngô và hơn 60% diện tích lúa sử dụng các loại giống mới; diện tích mía nguyên liệu tăng lên hơn 70 ha.
Nhiều hộ chuyển đổi sang trồng các loại giống ngô, lúa mới và trồng mía, cuộc sống đã được cải thiện, như: gia đình anh Lý Văn Dùng, xóm Lũng Thoong trồng hơn 2 ha ngô lai, hằng năm thu trên 50 triệu đồng; gia đình anh Phan Văn Đức, ở xóm Lũng Cải trồng hơn 8.000 m2 mía, hằng năm thu nhập hơn 50 triệu đồng; anh Hà Văn Nứng, ở xóm Đống Đa trồng hơn 5.000 m2 mía, thu nhập hơn 30 triệu đồng; chị Nông Thị Tính trồng hơn 8.000 m2 mía, thu hơn 50 triệu đồng… Cuộc sống của người dân đã từng bước được cải thiện nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, trong khi dưa hấu rớt giá nhưng không có người mua khiến nông dân trong tỉnh Quảng Ngãi khốn đốn, thì có doanh nghiệp dù muốn thu mua giúp người dân, nhưng đành phải vào tận Phú Yên để vận chuyển dưa hấu về…
Hàng chục hộ xã viên của HTXNN Thạnh Phước đang có nguồn thu nhập khá nhờ mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản phẩm làm ra không chỉ được DN ký kết hợp đồng thu mua cung cấp cho các siêu thị mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Nếu như giá cà phê nội địa cuối năm 2013 tụt xuống dưới 35 triệu đồng/tấn, thì đến giữa tháng 3/2014 lên 42 triệu đồng/tấn và sau đó dịu dần đến cuối quí 1 còn quanh mức khoảng 40 triệu đồng/tấn. Lượng xuất khẩu trong ba tháng đầu năm nay nhờ thế mà tăng mạnh.
Trong khi lượng ngô (bắp) nhập khẩu những tháng đầu năm tăng đột biến thì trong nước, nông dân nhiều nơi đang khóc ròng vì ngô vào chính vụ nhưng giá giảm mạnh.
Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết từ đầu tháng 4 đến nay đã có 7 hợp tác xã và tổ hợp tác ở các vùng ven biển thuộc các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải bước vào vụ thu hoạch với hơn 740ha bãi nuôi nghêu, tổng sản lượng ước đạt 4.200 tấn nghêu thương phẩm, doanh thu khoảng 32 tỷ đồng.