Nuôi Heo Thả Rông... Trong Chuồng
Heo tộc không còn được thả rông trong vườn, ngoài đường; không chỉ được nuôi một vài con để làm thịt mỗi khi tết đến, lễ hội về mà nay đã được nuôi với số lượng lớn hơn và đang góp phần cải thiện sinh kế cho người dân ở xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm.
Ông Nguyễn Văn Ba - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bảo, cho biết: Bắt đầu từ giữa năm 2011, dự án nuôi heo tộc thương phẩm đã được Sở Khoa học công nghệ triển khai ở Lộc Bảo. Ban đầu với 18 con giống cấp miễn phí cho 6 hộ, đến nay, không kể lượng heo thịt xuất đi, toàn xã đã có khoảng 70 con heo giống sinh sản.
Điều đặc biệt trong việc nhân rộng giống heo này ở Lộc Bảo là con giống không chỉ được bà con bán rẻ cho nhau mà nhiều nhà còn cùng chung nuôi heo giống đến khi heo sinh sản, heo con được phân phát cho các hộ góp vốn. Vì vậy, từ 6 hộ nuôi thí điểm, đến nay mô hình chăn nuôi này đã được bà con tự nhân rộng ra toàn xã.
Chị Ka Bích, một trong những hộ nuôi heo tộc điển hình ở Lộc Bảo chia sẻ: Heo tộc cây gì cũng ăn được, nên bà con chủ yếu cho chúng ăn bẹ chuối, thân cây ngô non, rau, các loại cỏ, các loại quả xanh, mầm cây, tro bếp… Sáng thả ra, tối gọi “ộc, ộc” là heo tự chạy về chuồng ngủ, không sợ heo bị chết lạnh ngoài vườn như trước đây.
Cũng là một trong những hộ nuôi heo với số lượng lớn ở Lộc Bảo, anh K’Bớ, đồng thời là cán bộ thú y xã cho rằng: Sức đề kháng của loài vật nuôi này rất cao nên hầu như không bị mắc các bệnh dịch như heo nhà, tuy nhiên, phải tiêm phòng, tẩy giun sán định kỳ heo mới chóng lớn để bán được.
Heo tộc không còn sinh sản tự do như trước mà nhờ có sự giúp đỡ của con người, heo con sinh ra con lớn và không bị chết nhiều như khi nó tự sinh trong vườn, trong rẫy. Sau gần 2 tháng tuổi, heo con tách mẹ được đưa sang chuồng rộng hay sân vườn. Chuồng trại chỉ cần đảm bảo hợp vệ sinh, không bị nắng rọi, mưa hắt và gió lạnh lùa vào là được.
Qua quan sát những chuồng nuôi heo của bà con ở Lộc Bảo, nguyên liệu để làm chuồng trại ngoài vườn có thể là tre, gỗ, gạch hoặc quây thép B40 rào chắn cẩn thận xung quanh một khoảng đất có tán cây để dành chỗ cho heo trú ngụ vào ban ngày và có máng thức ăn đặt rải rác trong đó. Các hộ gia đình thường xây thêm một chuồng có mái che đơn giản để heo chạy vào lúc trời mưa hay tối đến.
Từ thực tế chăn nuôi của gia đình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bảo cho rằng, để chăn nuôi heo tộc đạt hiệu quả kinh tế cao, điều quan trọng nhất là lựa chọn, chủ động được con giống tốt, chuồng trại gắn với khu vườn rộng thoáng mát đảm bảo điều kiện nuôi "bán hoang dã".
Thức ăn cho heo chủ yếu tận dụng nguồn cây cỏ có sẵn, tinh bột chỉ chiếm khoảng 10% để tránh cho heo bị nhiều mỡ, bán không được giá, thịt mất ngon, nên tốn rất ít chi phí và công chăm sóc. Heo con cần được chích thuốc phòng đầy đủ, nhất là ở những gia đình nuôi với số lượng lớn.
Ông Ba cho biết thêm: Cùng khoảng thời gian 6 tháng nếu nuôi heo tộc với trọng lượng 15 - 20 kg thì bán thu lãi gấp 3 lần so với heo nhà. Riêng ở Lộc Bảo, heo cứ từ 15 - 20kg là thời điểm tốt nhất để xuất chuồng.
Giá thịt heo tộc mà thương lái đang thu mua tại Lộc Bảo hiện nay khoảng 120.000 đồng/kg, song lượng heo luôn không đủ lượng cầu của thương lái. Đặc biệt, vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán, giá cao hơn nhiều mà heo vẫn khan hiếm.
Được biết, tại Làng du lịch Madagui, món thịt heo tộc quay hiện nay rất nổi tiếng. Ông Nguyễn Hữu Chinh - Giám đốc Làng du lịch Madagui chia sẻ, hiện thịt heo tộc là đặc sản tại làng du lịch này. Đặc biệt, heo tộc do chính bà con nuôi là loại thực phẩm sạch, sử dụng hoàn toàn nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt heo tộc nhiều nạc, mềm, rất ít mỡ, lớp da dày nhưng rất giòn.
Việc nuôi heo tộc theo cách cổ truyền của bà con kết hợp với khoa học hiện đại nên vừa nâng cao số lượng đàn đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng. Thịt heo tộc vẫn là loại thương phẩm rất hút hàng trên thị trường hiện nay. Hiện tại, chưa có hộ nào đầu tư nuôi theo quy mô lớn, chỉ dừng lại ở mức hộ gia đình nhiều nhất là 20 con nên việc tiêu thụ còn dễ dàng.
Vì vậy, nếu muốn đưa heo tộc thành sản phẩm chăn nuôi chính đem lại hiệu quả cao thì việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định là bước đầu tiên cần phải tính tới.
Có thể bạn quan tâm
Đến ấp 4B, xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) hỏi ông Huỳnh Văn Chính nuôi rùa không ai không biết, bởi ông có tiếng là người thành công và đi tiên phong nuôi rùa thịt tại địa phương.
Đồng Nai đang đẩy mạnh hình thành hàng loạt mô hình cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, thế nhưng muốn đạt được mục tiêu đề ra cần giải quyết nhiều trở ngại, nhất là đồng vốn.
Tháng 10, đi dọc tuyến quốc lộ 15A ngược ngàn Hương Khê, chúng tôi bắt gặp không ít sạp bán cam “di động”. Càng đi về trung tâm huyện Hương Khê, cam bày bán càng nhiều. Đây cũng là thời điểm cam Khe Mây - đặc sản của vùng vào vụ thu hoạch...
Sau 3 ngày, 3 đêm lênh đênh trên biển, những chuyến đánh bắt cá của ngư dân Việt có sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật Bản đã cập bờ.
Bình quân mỗi cây phật phủ sẽ cho 40 - 50 trái đối với cây 1 năm tuổi và nếu chăm sóc tốt hơn cây cho trái nhiều hơn, đẹp hơn. Phật thủ chỉ bán trái chứ không bán ký. Mỗi trái dao động từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/trái (tùy theo trái lớn, nhỏ).