Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Heo Thả Rông... Trong Chuồng

Nuôi Heo Thả Rông... Trong Chuồng
Publish date: Friday. August 1st, 2014

Heo tộc không còn được thả rông trong vườn, ngoài đường; không chỉ được nuôi một vài con để làm thịt mỗi khi tết đến, lễ hội về mà nay đã được nuôi với số lượng lớn hơn và đang góp phần cải thiện sinh kế cho người dân ở xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm.

Ông Nguyễn Văn Ba - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bảo, cho biết: Bắt đầu từ giữa năm 2011, dự án nuôi heo tộc thương phẩm đã được Sở Khoa học công nghệ triển khai ở Lộc Bảo. Ban đầu với 18 con giống cấp miễn phí cho 6 hộ, đến nay, không kể lượng heo thịt xuất đi, toàn xã đã có khoảng 70 con heo giống sinh sản.

Điều đặc biệt trong việc nhân rộng giống heo này ở Lộc Bảo là con giống không chỉ được bà con bán rẻ cho nhau mà nhiều nhà còn cùng chung nuôi heo giống đến khi heo sinh sản, heo con được phân phát cho các hộ góp vốn. Vì vậy, từ 6 hộ nuôi thí điểm, đến nay mô hình chăn nuôi này đã được bà con tự nhân rộng ra toàn xã.

Chị Ka Bích, một trong những hộ nuôi heo tộc điển hình ở Lộc Bảo chia sẻ: Heo tộc cây gì cũng ăn được, nên bà con chủ yếu cho chúng ăn bẹ chuối, thân cây ngô non, rau, các loại cỏ, các loại quả xanh, mầm cây, tro bếp… Sáng thả ra, tối gọi “ộc, ộc” là heo tự chạy về chuồng ngủ, không sợ heo bị chết lạnh ngoài vườn như trước đây.

Cũng là một trong những hộ nuôi heo với số lượng lớn ở Lộc Bảo, anh K’Bớ, đồng thời là cán bộ thú y xã cho rằng: Sức đề kháng của loài vật nuôi này rất cao nên hầu như không bị mắc các bệnh dịch như heo nhà, tuy nhiên, phải tiêm phòng, tẩy giun sán định kỳ heo mới chóng lớn để bán được.

Heo tộc không còn sinh sản tự do như trước mà nhờ có sự giúp đỡ của con người, heo con sinh ra con lớn và không bị chết nhiều như khi nó tự sinh trong vườn, trong rẫy. Sau gần 2 tháng tuổi, heo con tách mẹ được đưa sang chuồng rộng hay sân vườn. Chuồng trại chỉ cần đảm bảo hợp vệ sinh, không bị nắng rọi, mưa hắt và gió lạnh lùa vào là được.

Qua quan sát những chuồng nuôi heo của bà con ở Lộc Bảo, nguyên liệu để làm chuồng trại ngoài vườn có thể là tre, gỗ, gạch hoặc quây thép B40 rào chắn cẩn thận xung quanh một khoảng đất có tán cây để dành chỗ cho heo trú ngụ vào ban ngày và có máng thức ăn đặt rải rác trong đó. Các hộ gia đình thường xây thêm một chuồng có mái che đơn giản để heo chạy vào lúc trời mưa hay tối đến.

Từ thực tế chăn nuôi của gia đình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bảo cho rằng, để chăn nuôi heo tộc đạt hiệu quả kinh tế cao, điều quan trọng nhất là lựa chọn, chủ động được con giống tốt, chuồng trại gắn với khu vườn rộng thoáng mát đảm bảo điều kiện nuôi "bán hoang dã".

Thức ăn cho heo chủ yếu tận dụng nguồn cây cỏ có sẵn, tinh bột chỉ chiếm khoảng 10% để tránh cho heo bị nhiều mỡ, bán không được giá, thịt mất ngon, nên tốn rất ít chi phí và công chăm sóc. Heo con cần được chích thuốc phòng đầy đủ, nhất là ở những gia đình nuôi với số lượng lớn.

Ông Ba cho biết thêm: Cùng khoảng thời gian 6 tháng nếu nuôi heo tộc với trọng lượng 15 - 20 kg thì bán thu lãi gấp 3 lần so với heo nhà. Riêng ở Lộc Bảo, heo cứ từ 15 - 20kg là thời điểm tốt nhất để xuất chuồng.

Giá thịt heo tộc mà thương lái đang thu mua tại Lộc Bảo hiện nay khoảng 120.000 đồng/kg, song lượng heo luôn không đủ lượng cầu của thương lái. Đặc biệt, vào thời điểm cận Tết Nguyên Đán, giá cao hơn nhiều mà heo vẫn khan hiếm.

Được biết, tại Làng du lịch Madagui, món thịt heo tộc quay hiện nay rất nổi tiếng. Ông Nguyễn Hữu Chinh - Giám đốc Làng du lịch Madagui chia sẻ, hiện thịt heo tộc là đặc sản tại làng du lịch này. Đặc biệt, heo tộc do chính bà con nuôi là loại thực phẩm sạch, sử dụng hoàn toàn nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt heo tộc nhiều nạc, mềm, rất ít mỡ, lớp da dày nhưng rất giòn.

Việc nuôi heo tộc theo cách cổ truyền của bà con kết hợp với khoa học hiện đại nên vừa nâng cao số lượng đàn đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng. Thịt heo tộc vẫn là loại thương phẩm rất hút hàng trên thị trường hiện nay. Hiện tại, chưa có hộ nào đầu tư nuôi theo quy mô lớn, chỉ dừng lại ở mức hộ gia đình nhiều nhất là 20 con nên việc tiêu thụ còn dễ dàng.

Vì vậy, nếu muốn đưa heo tộc thành sản phẩm chăn nuôi chính đem lại hiệu quả cao thì việc tìm thị trường tiêu thụ ổn định là bước đầu tiên cần phải tính tới.


Related news

Giá Chuối Giảm Gây Khó Khăn Cho Nông Dân Giá Chuối Giảm Gây Khó Khăn Cho Nông Dân

Chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây, giá chuối giảm liên tục đã gây khó khăn cho bà con nông dân.

Wednesday. July 9th, 2014
“Phất” Lên Từ Cây Măng Cụt “Phất” Lên Từ Cây Măng Cụt

Lao động cật lực để kiếm được ít đất bưng nhưng lại không thuận lợi cho việc trồng hoa màu. Ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã tìm đến cây măng cụt, kết quả là cây măng cụt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.

Wednesday. July 9th, 2014
Đầu Tư Trên 1,5 Nghìn Tỷ Đồng Trồng Cây Cao Su Đầu Tư Trên 1,5 Nghìn Tỷ Đồng Trồng Cây Cao Su

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2014 do UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, BCĐ Tây Bắc tổ chức giữa tháng 5 vừa qua; Dự án trồng 10 nghìn ha cao su của Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang đã được trao Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn trên 1,560 tỷ đồng.

Wednesday. July 9th, 2014
Thài Phìn Tủng Trồng Xen Canh Đậu Tương Trên Đất Ngô Kém Hiệu Quả Thài Phìn Tủng Trồng Xen Canh Đậu Tương Trên Đất Ngô Kém Hiệu Quả

Đậu tương là một loại cây trồng quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của người dân và một phần làm hàng hóa. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn chưa quen với việc chuyển đổi trồng đậu tương trên đất ngô kém hiệu quả trong vụ Xuân - hè bởi lẽ loại cây này chỉ được trồng vào vụ Hè - thu.

Wednesday. July 9th, 2014
Nuôi Cá Chim Vây Vàng Mô Hình Thử Nghiệm Thành Công Ở Phú Quý Nuôi Cá Chim Vây Vàng Mô Hình Thử Nghiệm Thành Công Ở Phú Quý

Huyện đảo Phú Quý từ lâu đã có truyền thống nuôi thủy sản bằng lồng bè, chủ yếu là các loại hải đặc sản như cá giò, tôm hùm và cá mú... Nhưng thời điểm hiện nay do tình trạng dịch bệnh cùng với sức mua giảm nên ngày càng tạo áp lực cho bà con nuôi trồng thủy sản tại vùng đảo.

Wednesday. July 9th, 2014