Nông sản bí đầu ra đừng đổ lỗi cho nông dân!

Phóng viên: Chưa bao giờ chủ đề đầu ra cho nông sản lại “nóng” như hiện nay khi hàng loạt mặt hàng chủ lực của ta liên tục mất giá, ế hàng. Nhiều người đổ lỗi cho nông dân sản xuất tự phát, làm theo phong trào…?
- TS Võ Mai: Tôi phải nói ngay, đổ lỗi cho nông dân là không phải. Nhiều năm qua, họ phải tự “bơi” trên mảnh đất của mình, không ai giúp nên họ sản xuất cầu may là dễ hiểu. Còn nếu xác định lỗi thì phải khẳng định lỗi đó thuộc về quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phối hợp không tốt. Đáng lẽ, Bộ Công Thương phải có điều tra nghiên cứu thị trường rồi “đặt hàng” cho Bộ NN-PTNT tổ chức sản xuất. Đằng này, lâu nay chúng ta cứ làm ngược, sản xuất ào ào rồi không biết bán cho ai.
Tiếp nữa là công nghệ sau thu hoạch (xử lý, bảo quản, vận chuyển, chế biến...) quá yếu, đặc biệt là khâu chế biến gần như bỏ trống nên khi hàng tươi không bán được chỉ có cách đổ bỏ, tiếc vô cùng! Khoảng trống này cũng là lỗi của nhà nước vì không có chính sách cho nó phát triển.
Gần đây cũng có nhiều nơi liên kết sản xuất - tiêu thụ nhưng liên tục bị “trục trặc”, nông dân bị đổ lỗi làm ăn tùy tiện, không theo khuyến cáo?
- Liên kết với nông dân cứ trục trặc là do liên kết còn lỏng lẻo, chưa gắn kết thực sự. Tôi lấy ví dụ mô hình đầu tiên xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang hợp tác với nông dân trên diện tích 1.000 ha. Mô hình liên kết này có lợi ngay cho nông dân trong khi phải 3 năm sau doanh nghiệp mới có lãi nên ban đầu, nhiều cổ đông ngoại trong công ty phản đối, không cho thực hiện.
Khi chuẩn bị họp cổ đông, tôi được lãnh đạo công ty nhờ chủ trì cuộc họp với nông dân. Tôi trình bày khó khăn hiện tại của công ty và họ đã ào lên sân khấu, đứng sau tôi và nói trước hội nghị sẵn sàng góp đất để tăng vốn cho công ty đủ để phủ quyết ý kiến của nhóm nhà đầu tư kia. Khi ấy, tôi đã chảy nước mắt vì tinh thần hết mình của người nông dân. Tôi kể chuyện này để thấy khi mình hết lòng với nông dân thì họ cũng sẽ hết lòng với mình.
Tôi đã có hàng chục năm gắn bó với nông nghiệp, nông dân. Nhất là 10 năm gần đây, kể từ khi nghỉ hưu, tôi làm nhiều dự án hỗ trợ nông dân, phải nói rằng nông dân mình rất thật thà, chịu khó tiếp thu. Đương nhiên, cả trăm người thì cũng có 1-2 người xấu nhưng không điển hình cho tính cách của họ. Muốn nông dân làm theo thì mình phải cho họ hiểu mình đến là để giúp họ thật lòng và đặc biệt là không lợi dụng họ. Đồng thời, phải chứng minh cho họ thấy thực tế hiệu quả và phải có mô hình cụ thể. Còn nói suông nông dân không nghe là phải.
Vải tươi Việt Nam vừa có lô hàng đầu tiên xuất đi Mỹ, sắp tới là Úc. Theo bà, chúng ta có nên kỳ vọng nhiều vào những thị trường mới này?
- Phải gọi đây là một sự kiện thực sự, không chỉ là niềm hy vọng của nông dân Việt Nam mà cả nhà nhập khẩu nước ngoài cũng đang mong chờ. Tôi biết có khách hàng người Úc đang ở Việt Nam đã đi đến các vườn thanh long và xoài rất muốn được đem về Úc bán nhưng chúng ta chỉ mới đàm phán xong cho quả vải. Điều này cho thấy thị trường cho trái cây Việt Nam còn rất lớn nhưng vấn đề là phải biết khai thác.
Với Úc, Mỹ, việc mở cửa thị trường khó khăn là do trái cây tươi Việt Nam ở xứ nhiệt đới thường mang một loại trứng ruồi đục quả có khả năng phát sinh dịch hại mới trên cây trồng nước họ. Vì thế, những quốc gia này thường buộc chúng ta phải xử lý bằng những giải pháp khá tốn kém như chiếu xạ.
Nhưng thị trường EU thì khác, họ không trồng cây nhiệt đới nên mở cửa tự do và rất triển vọng. Người tiêu dùng các nước này lại giàu có, không so đo về giá cả nên nhà nước cần tập trung xúc tiến thương mại ở đây. Khi EU có hội chợ, triển lãm phải mang hàng đến giới thiệu, đồng thời chủ động đi kiếm thị trường, xem họ thích gì, yêu cầu kiểm soát chất lượng ra sao, từ đó sản xuất rồi đem bán chứ không phải ngồi đợi họ đến mua. Hay như thị trường Nga rất rộng lớn nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác là bao.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, bà con nông dân các vùng quê đang khẩn trương thu hoạch ngô. Dọc đường vào xã Xuân Phú (Ea Kar) đâu đâu cũng thấy ngô, ngô được chở từ rẫy về nhà, được phơi đầy trên sân... Ông Y Bai Mlô, thôn Thanh Phong cho biết, năm nay năng suất ngô cao hơn năm trước khoảng 1 tấn/ha, đạt 8-9 tấn/ha, nhưng giá bán lại thấp.

Nông dân Nguyễn Đức Thanh, xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Lương 3 (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) phấn khởi: “Giống lúa Thiên ưu 8 thật sự “bén duyên” trên vùng đất khó tại địa phương. Đồng ruộng được chọn để gieo cấy thường bị chua phèn, thấp trũng nhưng giống lúa trên vẫn phát triển tốt, không bị đổ ngã. Mật độ ché bông, hạt vào chắc cao hơn so với nhiều giống lúa thông thường nên đạt năng suất cao”. Thích nghi cao

Trước đây, 6 công đất vườn của gia đình ông A chủ yếu trồng nhãn tiêu huế nhưng giá cả không ổn định, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Qua nhiều lần được Hội Nông dân xã, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư huyện tổ chức tham quan học tập mô hình kinh tế có hiệu quả ở tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, ông A nhận thấy giống ổi lê Đài Loan dễ trồng, cho năng suất cao nên quyết định đốn bỏ 2 công nhãn già cỗi, đầu tư trồng 300 gốc ổi lê Đài Loan.

Anh Châu Thành Nguyên ở ấp 5, xã Tân Hưng (Đồng Phú) trồng 7 sào nhãn tiêu Huế trên 10 năm tuổi, bình quân cho thu hoạch từ 50 đến 60 kg/cây. So các năm trước, năm nay vườn nhãn của anh Nguyên năng suất tăng gần gấp đôi, đạt khoảng 12 tấn. Giá nhãn bán tại vườn hiện 9.000 đồng/kg, trừ chí phí gia đình anh thu về từ 30 đến 35 triệu đồng.

Thái Lan hiện đang thiếu tôm cỡ lớn để cung cấp cho khách hàng khiến giá tăng. Do các nhà máy chế biến tăng thu mua tôm cỡ nhỏ khiến người nuôi tôm thu hoạch lượng lớn tôm cỡ nhỏ và không giữ lại để sản xuất tôm cỡ lớn với giá bán cao hơn.