Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Heo Chuyên Nghiệp Ở Quảng Nam

Nuôi Heo Chuyên Nghiệp Ở Quảng Nam
Ngày đăng: 26/05/2012

Từ khi Tam Phước (Phú Ninh - Quảng Nam) xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao dần khẳng định vị thế. Trang trại heo của một người từng là cán bộ nông nghiệp xã là một trong những mô hình để bà con nông dân học hỏi.

Tam Phước sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt đã đổi khác với những con đường bê tông phẳng lỳ, nhà cửa khang trang, nhiều doanh nghiệp, trang trại, xí nghiệp đã giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Những mô hình cá thể, giải quyết việc làm cho dưới 10 lao động như trang trại nuôi heo giống và heo thịt của anh Đặng Xuân Hoài (thôn Phú Lai, xã Tam Phước) hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm và đảm bảo môi trường. Lời giới thiệu của ông Huỳnh Tấn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Phước khiến chúng tôi tò mò, muốn đến xem và được ông Lực đưa đến tận nơi.

Trang trại nuôi heo nhưng không nghe mùi hôi của chất thải là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm. Ông Hoài đang cặm cụi cùng những lao động của mình và sinh viên thực tập chăm sóc đàn heo hàng trăm con mới được 10 ngày tuổi. Người đàn ông da ngăm đen, dáng vẻ chất phác chào chúng tôi bằng nụ cười hiền. Từng làm cán bộ trạm nông nghiệp ở huyện Đông Giang nhưng ông vẫn quyết định nghỉ việc để về quê với mơ ước làm giàu bằng chính cái nghề của mình. Ông Hoài kể: “Năm 1991, vợ chồng con cái đùm đề về lại quê cha để... làm nông dân. Nhiều người bảo tôi ngược đời, làm cán bộ không ưng lại đi làm nông dân. Nhưng tôi về là để làm một việc gì đó cho hợp với nghề của mình, hơn nữa con cái có điều kiện học hành ổn định. Mãi đến năm 2008, tôi mới dám thực hiện ước mơ ấp ủ đã lâu là mở trang trại nuôi heo. Tôi liền bắt tay vào làm thủ tục để xin đất mở trang trại heo giống, được sự thống nhất của chính quyền địa phương xã Tam Phước và huyện Phú Ninh, tôi được giao gần 2.000 m2 đất tại Gò Thôn (xã Tam Phước) để thực hiện dự án”.

Bắt đầu với nguồn vốn 200 triệu đồng tích cóp được, ông Hoài vay thêm 100 triệu đồng để đầu tư cho trang trại. Ông bắt đầu với 10 con heo giống. Sau một năm, 10 con heo giống cho ra lứa đầu tiên gần 250 con heo con, ông xuất bán lãi ròng khoảng gần 150 triệu đồng. Ông tiếp tục lấy số tiền lãi này mở rộng trang trại và mua thêm heo giống về nuôi. Cứ thế, những đàn heo liên tiếp ra đời và nâng tổng số vốn ông Hoài đầu tư cho trang trại trên 2,5 tỷ đồng. Là một cán bộ nông nghiệp nên kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, phòng ngừa dịch bệnh cho heo được ông thực hiện rất tốt, tránh những thiệt hại không đáng có. Sau gần 5 năm hoạt động, trang trại của ông được đầu tư hiện đại hơn. Đặc biệt, để đảm bảo môi trường, ông đã đầu tư xây dựng hầm biogas trên 120 triệu đồng với đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và khu ao bèo để lọc nước thải. 

Đây cũng là trang trại đầu tiên áp dụng các biện pháp xử lý nguồn nước thải bằng hệ thống hầm biogas hiện đại của xã Tam Phước. Ông Hoài nói: “Mỗi năm, trang trại heo thu lãi từ heo thịt và heo giống khoảng 300 triệu đồng. Trong năm đến, tôi sẽ làm hồ sơ xin huyện Phú Ninh cấp thêm đất để mở rộng trang trại đến 100 con heo giống đẻ, giải quyết thêm việc làm cho lao động địa phương”.

Ông Huỳnh Tấn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Phước cho biết, đây là mô hình đầu tiên phát triển mạnh nhất tại xã Tam Phước, ông Hoài đã dám nghĩ dám làm và làm tốt, biết cách đầu tư mở rộng nên đã thành công từ trang trại heo. Trang trại này không chỉ mang lại nguồn lợi lớn cho chính ông mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. “Trang trại anh Hoài mỗi năm đều đón hàng chục sinh viên ngành chăn nuôi của trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam về thực tập. Thời gian tới, xã Tam Phước sẽ nhân rộng mô hình này cho nhân dân học hỏi” - ông Lực nói.

Có thể bạn quan tâm

Chăn Nuôi Quy Mô Nhỏ, Lợi Nhuận Cao Chăn Nuôi Quy Mô Nhỏ, Lợi Nhuận Cao

Chỉ với hơn 1.000 m2, nhưng đó là nơi cô Nguyễn Hoàng Linh (phường An Thạnh, TX.Thuận An - Bình Dương) mở mô hình nuôi gà và heo, tuy quy mô không lớn nhưng mang lại nguồn lợi nhuận khá cao.

28/01/2013
Giá Sàn Mía Nguyên Liệu Niên Vụ 2013 - 2014 Là 750 Đ/kg Giá Sàn Mía Nguyên Liệu Niên Vụ 2013 - 2014 Là 750 Đ/kg

Thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO), vụ mía 2013 - 2014, CASUCO đưa ra mức giá sàn bảo hiểm cho nông dân với giá 750 đ/kg, mía 9 CCS tại cầu cảng nhà máy/xí nghiệp.

29/01/2013
Khảo Sát, Lập Vùng Nguyên Liệu Bông Vải Tập Trung 10.000 Ha Ở Quảng Nam Khảo Sát, Lập Vùng Nguyên Liệu Bông Vải Tập Trung 10.000 Ha Ở Quảng Nam

Ngày 31.1 là thời hạn cuối để các huyện Thăng Bình, Quế Sơn (Quảng Nam) kết thúc đợt khảo sát, xác định cụ thể diện tích đất có thể chuyển đổi sang trồng cây bông vải với vùng tập trung từ 300 ha trở lên, trên cơ sở đó Sở NN-PTNT để tham mưu UBND tỉnh về thí điểm vùng nguyên liệu bông vải tập trung.

29/01/2013
Nuôi Cá Lăng Đuôi Đỏ Thương Phẩm Mô Hình Cần Nhân Rộng Nuôi Cá Lăng Đuôi Đỏ Thương Phẩm Mô Hình Cần Nhân Rộng

Dự án tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ được triển khai tại Trại thực nghiệm giống thủy sản nước ngọt Hòa Định Đông (Phú Hòa) với số vốn hơn 820 triệu đồng. Sau 24 tháng triển khai, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã sản xuất thành công hơn 47.000 con cá giống và đúc kết ra được các quy trình sản xuất giống cá lăng đuôi đỏ phù hợp với điều kiện ở Phú Yên.

02/02/2013
Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn) Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Thương Phẩm Theo Quy Trình GAP Tại Ba Bể (Bắc Kạn)

Ba Bể (Bắc Kạn) là một địa phương có thế mạnh về diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản chính vì vậy để đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản cho năng suất cao, tạo ra các loại cá sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với môi trường và khả năng đầu tư thâm canh của người dân trên địa bàn, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông khuyến lâm tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm cá rô phi thương phẩm tại huyện Ba Bể theo quy trình GAP bước đầu mang lại hiệu quả khả quan và mở ra triển vọng trong thực hiện mô hình.

09/02/2013