Lệ Thủy (Quảng Bình) Được Mùa Ruốc Biển
Mặc dù không phải là nghề chính, thế nhưng mùa ruốc biển (còn gọi là khuyết) năm nay, ngư dân các vùng bãi ngang Lệ Thủy (Quảng Bình) được cả mùa lẫn giá khiến cho nhiều người vô cùng phấn khởi. Khai thác ruốc biển đã mang lại khoản thu nhập không hề nhỏ cho những ngư dân nơi đây.
Theo những ngư dân đi biển lâu năm trong vùng thì đã gần chục năm nay, chưa có năm nào bà con xã Ngư Thủy Nam lại trúng đậm mùa ruốc biển như năm nay. Thông thường mùa ruốc biển bắt đầu từ tháng 9 âm lịch và kéo dài đến tháng 12 âm lịch.
Trong khoảng thời gian này, ruốc thường xuất hiện và đi theo từng luồng theo những con sóng trôi sát gần bờ; để đánh bắt ruốc, ngư dân phải dùng loại lưới dày. Dù mới đầu mùa nhưng nhiều ngư dân đã trúng đậm ruốc biển khiến nhiều người hy vọng sẽ có một mùa ruốc bội thu.
Mới 6 giờ sáng, nhưng không khí nhộn nhịp đã bao trùm cả bờ biển ở thôn Liêm Bắc. Cách bờ chưa đầy 1 hải lý, hàng chục chiếc thuyền nan lớn nhỏ đang ngược xuôi tất bật cào ruốc. Trên bờ, nhiều người đứng đợi thuyền vào với tâm trạng hồ hởi.
Vừa hướng mắt nhìn ra biển ngóng thuyền của hai đứa con trai đi cào ruốc vào ông Lê Văn Tị, thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Trung vừa tâm sự, ba hôm nay, hôm nào gia đình ông cũng đánh bắt được 2 đến 3 tạ ruốc.
Và niềm vui như được nhân đôi với gia đình ông khi giá mỗi kg ruốc tươi bán được 11.000 - 12.000 đồng. Tính ra mỗi ngày gia đình ông thu được gần 3 triệu đồng. So với đánh bắt cá thì công việc này tuy vất vả nhưng giá trị thu lại cao hơn hẳn. Hầu như những ngày này gia đình nào có thuyền cũng tận dụng hết thời gian để ra khơi khai thác ruốc biển.
Niềm vui được mùa, được giá khiến cho những ngư dân như quên hết mệt mỏi. Vừa cập bờ sau chuyến thứ hai trong ngày ra khơi, một ngư dân cười tươi cho hay: "Ruốc mấy hôm nay xuất hiện nhiều lại gần bờ nên tôi tranh thủ ra khơi. Có ngày ra khơi 5 chuyến, bắt được từ 2 - 2,5 tạ". Ruốc sau khi đưa vào bờ, sẽ được bà con sàng và làm sạch hết rác rồi gánh lên nhập trực tiếp cho các chủ thu mua đang chờ sẵn.
Không chỉ riêng xã Ngư Thủy Nam ngư dân phấn khởi vì được mùa ruốc biển mà các xã như Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc bà con cũng vui vẻ, hồ hởi không kém. Những con ruốc đỏ tươi sau khi được kéo lên bờ, vào những ngày được nắng, nhiều ngư dân quyết định không nhập trực tiếp cho các thương lái mà đem về phơi khô. Con ruốc khi được phơi khô thì giá trị cao gấp mấy chục lần so với ruốc tươi.
Chị Nguyễn Thị Thương, xã Ngư Thủy Bắc đang thu gom số ruốc vừa mới phơi khô đóng bao để bán cho thương lái đến mua tại nhà cho hay: Nếu bán ruốc tươi thì giá mỗi kg là 11.000 đồng, nhưng nếu phơi khô thì mỗi kg ruốc khô có giá 100.000 đồng. Tuy phải chế biến và phơi khô vất vả nhưng giá trị lại cao nên chị rất mừng.
Có thể nói, với ngư dân những xã bãi ngang như Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Bắc, quanh năm bám biển mưu sinh thì ngoài những vụ cá chính, mùa ruốc biển năm nay, được mùa được giá là niềm vui bất ngờ không diễn tả hết thành lời.
Theo ông Nguyễn Phương Lâm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam cho hay: Toàn xã có đến 80% người dân theo nghề biển, tuy nhiên hiện chỉ có 260 chiếc thuyền nan công suất dưới 20CV hoạt động. Đa số ngư dân đều làm việc theo mùa vụ, tức mùa nào nghề ấy và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, vì vậy, mùa ruốc năm nay ngư dân được mùa không những mang lại niềm vui mà quan trọng là tạo được khoản thu nhập lớn cho những ngư dân nghèo.
Có thể bạn quan tâm
“Thời tiết xấu, ngư dân chúng tôi không dám đùa giỡn với tính mạng và tài sản của mình nên phải cho tàu nằm bờ gần một tháng nay”, thuyền trưởng Nguyễn Công (chủ tàu BĐ 95279, trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đang neo đậu tàu tại Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng chia sẻ.
Ngày 19-12, Sở KH&CN tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu một số bệnh thường gặp trên một số loài cá biển nuôi tại BR-VT, đề xuất giải pháp phòng trị” do Thạc sĩ Bùi Quang Mạnh, Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam làm chủ nhiệm đề tài; Hội đồng nghiệm thu đã xếp đề tài loại Khá. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xác định tác nhân gây bệnh thường gặp trên cá biển nuôi (mú, hồng, chẽm và cá bớp) tại BR-VT và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh. Thời gian nghiên cứu từ tháng 11-2012 đến tháng 8-2014.
Những món ăn hấp dẫn từ bào ngư như: bào ngư chấm mù tạt – xì dầu; bào ngư nấu cháo toàn tính (thả cả vỏ vào cháo). Ngoài ra, dược tính của bào ngư sẽ công hiệu hơn khi kết hợp với các vị thuốc bắc trong món canh “bào ngư, hải sâm đen, tần thuốc bắc” – một món chuyên dùng cho người già yếu phục hồi sức khỏe.
Mô hình thực hiện với quy mô 100m3 lồng, 1.000 con cá giống với 2 hộ tham gia là ông Lê Văn Thư và Hà Văn Đức ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên. Các hộ được hỗ trợ 100% con giống với kích cỡ tối thiểu 5cm/con, không còi cọc, dị hình, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng và 50% thức ăn công nghiệp, 50% vôi bột tỏa, 50% thuốc phòng bệnh cho cá. Tổng số tiền hỗ trợ 47.150.000 đồng. Ngoài ra, các hộ nuôi còn được tập huấn về kỹ thuật chuẩn bị lồng nuôi, thả cá, chăm sóc quản lý, phòng bệnh cho cá...
Sáng 19/12, Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh Khánh Hòa tổ chức nghiệm thu loại khá đối với kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa”. Chủ nhiệm đề tài là tiến sĩ Võ Thế Dũng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3.