Nuôi Ghép Cá Phi Với Tôm Công Nghiệp Sáng Kiến Mang Dấu Ấn Khoa Học

Anh Nguyễn Anh Dũng, ấp Tân Đức, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau có 5 vụ nuôi thành công từ việc nuôi ghép cá phi với tôm sú và thẻ chân trắng. Mô hình này giải quyết được môi trường vùng nuôi, nâng cao năng suất tôm nuôi, được nông dân nuôi tôm công nghiệp (NTCN) lân cận trong xã áp dụng và thành công.
Xuất phát từ ý tưởng vuông nuôi quảng canh thắng lợi khi ao nuôi có cá phi xen kẽ, anh Dũng nảy sinh sáng kiến đặt khung lưới chiếm 10-15% diện tích ao nuôi thả cá phi với mật độ 2 con/mét vuông. Kết quả, 5 vụ nuôi đều thành công, tôm đạt kích cỡ 18-22 con/kg và được nông dân trong ấp áp dụng ở 21 ao NTCN, mở hướng cho mô hình nuôi tôm bền vững trước tình hình dịch bệnh hiện nay.
Sáng kiến mang tính khoa học
Từ ý tưởng ban đầu được tính toán, anh Dũng quyết định sử dụng khung lưới bao ví nằm ngay trung tâm ao nuôi, nơi mùn bã gom tụ lại trong quá trình nuôi với diện tích 10-15% ao nuôi. Bên trong khung lưới này tiếp tục được thiết kế 1 khung lưới mành khoảng 1 m2 để bao ví cá lúc thả còn nhỏ, tránh hiện tượng cá chui ra ngoài ao nuôi. Mật độ nuôi ghép trong ao được anh Dũng tính toán 2 con/mét vuông là phù hợp nhất.
Ngoài việc xử lý ao nuôi đúng kỹ thuật, quá trình xử lý cá phi để đưa vào ao nuôi cũng là một nghiên cứu mang tính khoa học mà anh Dũng đã thực hiện mang lại thành công.
Các khâu xử lý cá được thực hiện là: cá được xác định số lượng, trọng lượng được cho vào thùng hay thau nhựa đủ lớn, cho 30 gam muối/m3 nước, sục khí sau 1 giờ chắt nước bỏ; tiến hành cho nước ao nuôi đã được xử lý và cho 50 g Oxytetracyclin/m3 nước tiếp tục sục khí để tẩy rửa vi khuẩn bám trong thành ruột của cá. Sau đó, tiếp tục cho 200 cc Iodine/m3 nước và sục khí 1 giờ, sau đó cho xuống ao nuôi; 7 - 10 ngày sau, nước lên màu thì tiến hành thả tôm nuôi.
Anh Dũng cho biết: “Từ kích cỡ cá ban đầu (bằng ngón tay cái), cá lớn theo ngày tuổi của tôm được thiết kế trong khung lưới mành. Khi tôm được 45 ngày tuổi, ăn chuẩn, cho cá ra khung lưới lớn. Lúc này, váng bọt nổi lên trong ao, xác tảo tàn cùng với lượng thức ăn dư thừa sau cử cho ăn được gom vào giữa thông qua quá trình chạy quạt sẽ được cá phi xử lý hết”.
Tập tính của cá phi là bơi lội, làm ổ trên mặt đáy ao và mùn bã hữu cơ từ nhiều nguồn được cá lọc triệt để, từ đó lượng khí độc trong ao như NH3, H2S… gần như không có. Còn pH và kiềm thì luôn ổn định trong suốt vụ nuôi. Ðây chính là yếu tố góp phần cho vụ nuôi thành công trong 5 lần liên tiếp của anh Dũng hiện nay.
Thức ăn dư thừa của cá phi thải trở lại ao nuôi tiếp tục được tôm ăn nên lượng đạm từ thức ăn được sử dụng triệt để. Anh Dũng cho biết, nếu trước kia bùn thải ra môi trường ngoài là 5 tấn thì nay chỉ còn 2 tấn; thời gian nuôi tôm 6 tháng đạt trọng lượng 20 con/kg thì nay còn 5 tháng rưỡi. Chi phí cho vụ nuôi, đặc biệt thuốc xử lý như vi sinh, khoáng chất trộn vào thức ăn… giảm từ 6 - 12 triệu đồng/vụ nuôi.
Trong vụ nuôi vừa rồi, với thời gian 5 tháng 27 ngày, tôm sú đạt trọng lượng 20 con/kg, anh Dũng đã thu hoạch 3 ao, được 1,537 tỷ đồng. Dự kiến 3 ao còn lại cũng đạt kích cỡ trên, anh đang chờ giá. Nếu tính chung cả vụ, anh có tổng thu trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 2 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng cá phi thu được từ 6 ao nuôi trên 1,5 tấn với giá bán 15.000 đồng/kg thì anh thu về trên 20 triệu đồng.
Hướng mở bền vững
Qua 13 năm thực hiện việc NTCN, ông Ngô Văn Tuấn, Hợp tác xã Ðoàn Kết, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, ghi nhận bài toán giải quyết môi trường một cách hiệu quả khi được anh Dũng hướng dẫn và áp dụng thí điểm trên ao nuôi tôm sú đã được 4 tháng tuổi.
Ông Tuấn nhận định: “Màu nước tuyệt vời, 13 năm qua tôi chưa từng thấy màu nước ao nuôi khi có cá phi như vậy. Với đặc tính cá phi lấy ô-xy từ không khí cộng với việc bơi lội của chúng giúp đảo nước tăng lượng ô-xy cho ao nuôi”.
Ông Tuấn còn thí điểm thả trực tiếp cá vào ao nuôi và nhận thấy trong khoảng thời gian tôm ăn thì không thấy cá vào tranh ăn, phân tôm có trong nhá sau thời gian cho ăn không còn do cá phi ăn sạch, sau đó phân cá thải ra tiếp tục được tôm ăn lần nữa.
Anh Trần Văn Hùng, ấp Tân Thành, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi thực hiện mô hình NTCN đã 6 vụ không vụ nào vượt qua 60 ngày tuổi, có vụ lỗ nặng hoặc chỉ hoàn vốn. Ðược anh Dũng tư vấn thực hiện và áp dụng nuôi ghép cá phi trong vuông, anh đã thực hiện vượt giới hạn trên đến 80 ngày, tôm đạt trọng lượng 54 con/kg, thu hoạch lãi trên 100 triệu đồng.
Anh Hùng phấn khởi: “Mặc dù mình không hiểu hết tính chất khoa học từ việc nuôi cá phi trong ao nuôi tôm nhưng rõ ràng môi trường ao nuôi rất ổn định, tôm mau lớn và bùn đáy ao cũng giảm đi. Anh em xung quanh xem, nhận thấy hiệu quả và sẽ thực hiện theo mô hình này”.
Ở vụ nuôi tới, anh Dũng tiếp tục cải tiến mô hình bằng cách khi tôm được 2 tháng tuổi, tuyển cá phi thả trực tiếp ra ao nuôi, đồng thời thả thêm một ít cá đối cùng với bố trí 2 giá thể ở 4 góc ao nuôi sò huyết để lọc nước. Với cách bố trí mô hình như trên, môi trường ao nuôi tiếp tục được cải thiện, tiếp tục mang lại thành công.
Trong 21 ao tôm công nghiệp áp dụng việc nuôi ghép cá phi, theo anh Dũng, có 20 ao thành công cao, còn 1 ao lấy được vốn do tôm bệnh còi, không lớn. Ở vụ nuôi tới này, dự kiến có trên 50 ao thực hiện theo cách làm của anh Dũng. Phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi đang triển khai nhân rộng cho người NTCN thực hiện, giảm áp lực ô nhiễm môi trường và dịch bệnh hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Cụ thể, hơn 730ha chè bị nhiễm rầy xanh, tỷ lệ hại trung bình 2,5 - 5% nơi cao 6 - 15%, búp bị hại; 635ha bị hại bởi bọ cánh tơ, tỷ lệ hại trung bình 3,1 - 6,5%, nơi cao 10 - 15% búp bị hại; diện tích chè bị ảnh hưởng bởi bọ xít muỗi là 310, tỷ lệ hại trung bình 1,6 - 3,5%, nơi cao 5 - 12% búp bị hại.

Vì vậy, để bảo vệ và khai thác hợp lý loài vọp, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III - Nha Trang (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, phân bố và đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác hợp lý loài vọp Geloina coaxans (Gmelin, 1791) ở Bến Tre. Đề tài vừa được Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh nghiệm thu.

Tham gia LMSX có 50 hộ xã viên HTXNN 2 Cát Hanh với diện tích canh tác 52,65 ha. Với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp (DA CTNN) tỉnh thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, các nông hộ tham gia liên minh đã áp dụng tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ xoài theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các nhà xuất khẩu trái cây Việt tìm cách lách vào thị trường nước ngoài qua vụ nghịch để tránh cạnh tranh trực tiếp với trái cây các nước trên thị trường thế giới, tuy nhiên, điều này dễ dẫn tới bảo hòa của thị trường trái cây.

Vừa đọc được tin trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, ngay ngày hôm sau tôi đã mò lên Bắc Giang để đi thăm cơ sở nuôi vịt trời đầu tiên ở Việt Nam. Đây là trại nuôi vịt trời của anh Tô Quang Dần ở bên hồ Cây Đa, thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.