Nuôi Gà Thành Tỷ Phú

Từ một nông dân lam lũ, ông Nguyễn Văn Nam (62 tuổi), ở xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã trở thành tỷ phú. Biến đồi hoang thành trang trại chăn nuôi, gia đình ông đạt mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm…
Rất nhiều nông dân đã “xuống ruộng” vì giấc mộng chăn nuôi trang trại và rồi vỡ mộng. Nhưng nhờ linh hoạt tìm đầu ra, ông Nam luôn duy trì lợi nhuận trong sản xuất – kinh doanh và được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”.
Hiện thực ước mơ làm giàu từ đất
Đất đai vùng Nhơn Thọ không màu mỡ, nhưng từ thời trai trẻ ông Nam đã nuôi ước mơ làm giàu bằng nghề nông. Sau thời gian dài đắp đổi, năm 2000, ông Nam bàn với vợ quyết định làm ăn lớn với việc ký kết chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP (Thái Lan). Vợ chồng ông gom hết gia sản được khoảng 30 triệu đồng và vay ngân hàng 10 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại trên vùng đồi hoang ở thôn Đông Bình (Nhơn Thọ).
Ông Nam cho hay, nhiều người nói ông liều mạng vì đây là vùng đất khô cằn sỏi đá, chăn nuôi lúc ấy lại luôn bấp bênh về giá cả, dịch bệnh. Thế nhưng ông thấy được tương lai của vùng đồi này trong phát triển trang trại theo quy mô khép kín, không ảnh hưởng đến môi trường cộng đồng, cách ly dịch bệnh cho vật nuôi… Nhìn được lợi nhuận từ nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng, bao tiêu sản phẩm khi bắt tay chặt chẽ với doanh nghiệp. Ông lo đầu tư cơ sở chuồng trại, công chăm sóc; còn doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm chăn nuôi, đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn, kỹ thuật thú y…
Ông chia trang trại 7ha thành các khu chăn nuôi gà, heo, bò lai, ao cá, trồng rừng… Mỗi năm, ông nuôi 5 lứa gà siêu thịt (9.000 con/lứa), 2 lứa heo thịt (700 con/lứa), 2 ha cá nước ngọt… với thu nhập hàng tỷ đồng/năm. “Khó khăn thử thách trong chăn nuôi lớn là rất nhiều. Bí quyết làm trang trại của tui là phải tìm được nơi tiêu thụ ổn định, suy từ đầu ra để quyết định đầu tư. Điều này tránh tình trạng sản phẩm bị ế ẩm, mất giá” - ông Nam chia sẻ.
Bắt tay với doanh nghiệp
10 năm thắng lợi trong chăn nuôi gia công, năm 2011, ông Nam quyết định “độc lập chiến đấu”. Ông lý giải: “Sự biến động liên tục của thị trường vật tư chăn nuôi, dẫn đến việc nuôi gia công không còn lợi nhuận cao. Lúc đó, trang trại tui đã đủ sức tự vươn ra và tìm được hướng kinh doanh mới. Tui chấm dứt nuôi heo, chuyển từ nuôi gà siêu thịt sang tập trung nuôi gà ta, cung ứng giống. Phải dứt khoát chuyển hướng, chứ nếu dùng dằng là “chết chùm”. Cùng lúc, tui vẫn duy trì lợi nhuận “lai rai” từ 2ha ao cá, đàn bò lai, rừng trồng… Tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, với thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng”.
Cú “bắt tay” mới của ông Nam là với Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước, Bình Định). Sau ký hợp đồng với công ty, ngay trong năm 2012, ông đổ vốn nhập nuôi 15.000 mái giống gà đồi Yên Thế. Hiện, đàn gà cho trứng giống đã nâng lên 20.000 con, đạt mức lãi ròng ổn định 180 triệu đồng/tháng. Giá sàn trứng gà giống nội hiện 4.200 đồng/quả, trong lúc trứng gà thực phẩm cùng loại là 1.800 đồng/quả. Lúc này, gà nội đang “lên ngôi” nên trứng giống hút hàng, ông Nam dự tính tiếp tục nâng lượng đàn gà.
Ông nhìn nhận: “Cuộc chiến chống gà nhập lậu vào Việt Nam vẫn còn hết sức cam go. Nếu hạn chế tối đa lượng gà nhập lậu thì điều kiện phát triển của đàn gà giống nội ở nước ta sẽ rất sáng sủa. Bởi thương hiệu nhiều giống gà thuần Việt đang bắt đầu được ưa chuộng mạnh trong và ngoài nước”.
"Khó khăn thử thách trong chăn nuôi lớn là rất nhiều. Bí quyết làm trang trại của tui là phải tìm được nơi tiêu thụ ổn định, suy từ đầu ra để quyết định đầu tư. Điều này tránh tình trạng sản phẩm bị ế ẩm, mất giá” - ông Nguyễn Văn Nam
Năm 2010, ông Nguyễn Văn Nam được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao Giải thưởng “Sao Thần nông”. Năm 2012, ông được nhận bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI.
Có thể bạn quan tâm

Hơn tháng qua, giá trứng cút liên tục giảm khiến cho người nuôi ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) gặp khó khăn; nhiều hộ phải giảm đàn, bỏ trống chuồng.

Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford - Anh quốc vừa phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe và Chi cục thú y Đồng Tháp tổ chức chương trình Hội thảo kỹ năng chăn nuôi và dự phòng lây nhiễm bệnh trên động vật. Trên 60 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Châu Thành tham gia.

Ở xã chuyên canh nhãn Nhị Quí (Cai Lậy - Tiền Giang), ngoài vườn cây ăn trái, nhiều hộ dân đã gắn bó lâu năm với nghề nuôi ong lấy mật. Nuôi ong chi phí đầu tư không cao, đem lại thu nhập khá nếu nắm vững kỹ thuật chăm sóc và có niềm đam mê với nghề.

Những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn xã Chí Hòa (Hưng Hà - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng nhiều mô hình mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi cá rô đồng của ông Bùi Văn Tài, thôn Vị Giang là một điển hình. Nhờ nuôi cá rô đồng mà đến nay gia đình ông Tài đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Năm 2013, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả không đạt kế hoạch đề ra, người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do giá thức ăn tăng cao, giá bán ra thị trường thấp. Trước thực trạng thua lỗ, người chăn nuôi khó có thể tăng đàn.