Nỗi lo cũ giữa mùa gặt mới
Niềm vui mùa gặt
Tháng tư về, những cánh đồng lúa bắt đầu chín rộ. Bông lúa trĩu hạt. Nỗi lo thất bát trong vụ đông xuân này đã qua. Khắp các cánh đồng râm ran tiếng cười trong mùa thu hoạch.
Tại xã Phổ Cường (Đức Phổ) – nơi đỉnh điểm của nỗi lo khô hạn từ khi sạ giống xuống cho đến lúc lúa trổ bông, chắc hạt. Sáng sớm, nông dân đã có mặt rất đông trên các cánh đồng. Chị Phạm Thị Hồng, thôn Nga Mân, xã Phổ Cường cho biết: “Khi lúa chắc hạt rồi mới hết lo. Lúa được mùa, nông dân vui lắm! Lâu rồi mới thấy có một vụ lúa ít vất vả nhưng lại đạt năng suất cao như thế này”.
Tại các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa lúa bây giờ đã chín vàng nhưng mới chỉ thu hoạch một số diện tích. “Từ nay đến hết tháng 4 này, có lẽ sẽ thu hoạch cơ bản lúa đông xuân. Do thời tiết thuận lợi, nông dân cũng chẳng lo gì phải gặt lúa xanh cả”, ông Nguyễn Thiên Thanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho biết.
Tại huyện Sơn Tịnh, đến thời điểm này hầu hết các cánh đồng ở chân cao đã thu hoạch. Năng suất bình quân đạt đến 65 - 70 tạ/ha, thậm chí có diện tích được chọn làm “mô hình trình diễn” năng suất đạt cao hơn.
Các huyện miền núi, diện tích lúa thu hoạch đã đạt khoảng 80 - 90%, năng suất bình quân 43 tạ/ha, có nơi đạt 55 tạ/ha. Do những ngày qua trời nắng, nên thu hoạch lúa đến đâu, bà con vùng cao phơi khô, cất trữ lúa vào chòi đến đó; đồng thời họ phơi rạ, đưa về chất thành cây để làm thức ăn cho trâu, bò.
Nỗi lo vụ hè thu
Nói là lúa được mùa, nhưng nếu làm bài toán về lợi nhuận của nghề trồng lúa thì nông dân nào cũng bảo rằng: Làm lúa để kiếm gạo ăn, kiếm rơm rạ cho bò. Tính cho kỹ thì lợi nhuận chẳng là bao.
Nông dân Nguyễn Tấn Đào, thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường nhẩm tính: “Mỗi sào ruộng đầu tư khoảng 700 - 800 nghìn đồng, thu hoạch được 500kg lúa, vị chi giá bình quân sản xuất ra 1kg lúa là 1.500 đồng. Giá bán hiện tại khoảng 5.000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất nông dân lãi khoảng 3.500 đồng, tức là khoảng 1,5 triệu đồng/sào. Tuy nhiên tiền nhân công nếu tính và trừ đi sòng phẳng thì nông dân chỉ còn lãi khoảng 500 nghìn đồng/sào mà thôi”.
Từ con số tính toán trên, nhiều nông dân cho rằng, làm ruộng không lãi bằng các cây trồng khác. “Phân bón, giống, rồi công lao động ngày càng tăng mà giá lúa lại cứ dậm chân tại chỗ thì người trồng lúa rất thiệt thòi” – ông Bùi Đình Tính, nông dân thôn Châu Me, xã Phổ Châu (Đức Phổ) cho biết. Đó là chưa kể tình trạng phân bón giả, giống kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật giả ngày càng gia tăng, gây thiệt hại cho nông dân nhưng chưa được cơ quan chức năng kiểm soát, ngăn chặn triệt để.
Đó là nỗi lo dài. Nỗi lo gần nhất của nông dân hiện nay là hạn hán sẽ lại xảy đến trong vụ hè thu này. Và nỗi lo ấy là có thật. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, tháng 5, 6 và 7 sẽ là đỉnh điểm của nắng hạn, mức độ gay gắt gia tăng đáng kể. Dự báo mực nước trên các sông, suối và hồ chứa sẽ tiếp tục hạ thấp. Hiện nay, theo Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, mặc dù các hồ đã đóng van do bây giờ đang là mùa gặt, nhưng mực nước tại các hồ chứa trong tỉnh chỉ đạt khoảng 15 - 30% dung tích. Nếu không có mưa, lượng nước này chỉ đủ cung cấp cho việc làm đất và tưới đến nửa vụ hè thu.
Chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nông dân nên chuyển đổi những diện tích chân cao sang trồng cây trồng khác để tránh thiếu nước gây mất mùa; đồng thời ra quân nạo vét kênh mương, hạn chế sự thất thoát khi dẫn nước về đồng ruộng. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi, các chủ hồ chứa thủy điện Đắkđrinh, Nước Trong phối hợp điều tiết nước tưới cho vùng hạ du để kịp thời cứu lúa, hoa màu khi cần thiết.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các địa phương còn tập trung hướng dẫn nông dân phòng trừ mầm bệnh tồn trữ trên đồng ruộng từ vụ đông xuân. “Cần thiết phải diệt trừ một số mầm bệnh phát sinh vào cuối vụ ngay từ khâu làm đất, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất cơ hội bùng phát dịch bệnh trên lúa ở vụ hè thu này”, ông Nguyễn Văn Chuyên - Phó Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây cho biết. Còn tại huyện Sơn Hà, do lũ bất thường xảy ra vào ngày 27.3 vừa qua đã làm thiệt hại đến một số tuyến kênh mương, hồ chứa nên khả năng sẽ khó khăn hơn trong việc đảm bảo nước tưới cho vụ hè thu nếu không được cấp kinh phí khắc phục kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Bên cạnh chôm chôm, măng cụt, dâu Hạ Châu… nhiều nhà vườn ở Cần Thơ và Hậu Giang hiện cũng đang bước vào mùa thu hoạch cóc với mức giá chấp nhận được.
Trong chuyến đi tham quan thực tế một số vườn xoài tại Đồng Tháp, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản thỏa thuận sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng xoài. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và xây dựng ngành hàng xoài ở Đồng Tháp.
Thị trường nông sản đang nóng dần lên khi hàng loạt trái cây đang chín rộ. Điểm đáng mừng là sức tiêu thụ mạnh và giá ổn định hơn so với cùng kỳ, mặc dù giá đã có chiều hướng giảm.
Khoai môn là cây trồng truyền thống của người dân một số ấp thuộc xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, những năm gần đây, do điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, cây môn trở thành cây màu chủ lực của xã Đại An, tạo nguồn thu ổn định cho người dân. Tuy nhiên, do thiếu điện phục vụ tưới tiêu nên diện tích khoai môn của xã Đại An khó có thể tăng thêm trong thời gian tới.
Gia đình anh Lê Băn Bực ở ấp Long Phú, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chuyên làm nghề trồng nấm rơm. Mỗi năm sản xuất ít nhất 5 vụ nấm, nhưng từ tháng 10/2014 đến nay, anh đã tạm dừng công việc trồng nấm rơm để chuyển sang trồng dưa hấu với lý do nấm rơm thường bị mất mùa dẫn đến thua lỗ.