Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Gà Thả Vườn An Toàn Sinh Học

Nuôi Gà Thả Vườn An Toàn Sinh Học
Ngày đăng: 21/10/2013

Từ đầu tháng 9-2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã An Khang (TP Tuyên Quang) tổ chức thí điểm mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học cho các hộ gia đình trên địa bàn xã. Sau hơn 3 tháng triển khai, các hộ gia đình tham gia mô hình đều đánh giá là mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học được triển khai tại 20 hộ gia đình thuộc 6 thôn là Phúc Lộc A, Phúc Lộc B, Thúc Thủy, Bình Ca, An Lộc A và An Lộc B với 2.000 con gà, giống lai giữa gà Mía với gà Lương Phượng. Trước khi triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể của xã tổ chức thẩm định lựa chọn các hộ gia đình trong xã có đủ điều kiện để chăn nuôi gia cầm.

Theo đó, các hộ gia đình phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu như: Có diện tích chuồng nuôi, sân thả, hàng rào bao quanh để ngăn cách với vùng lân cận; có vốn để đầu tư thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng ngoài phần được hỗ trợ; cam kết tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật của Khuyến nông.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình đã được được hỗ trợ 100% con giống, 50% kinh phí mua vắc xin phòng bệnh, thuốc khử trùng và thức ăn hỗn hợp. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật, cấp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà.

Sau hơn 3 tháng nuôi thả, cán bộ Khuyến nông cùng chủ chăn nuôi thường xuyên theo dõi và ghi nhận gà phát triển nhanh, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 1,9 kg, ít bệnh, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 90%. Đặc biệt, nhờ thực hiện đúng quy trình nên có những hộ đạt tỷ lệ nuôi sống trên 97%, như hộ gia đình chị Đinh Thị Sen, Nguyễn Thị Lê, Lê Thị Phượng ở thôn Phúc Lộc B; anh Trần Văn Hai thôn Bình Ca; anh Lê Đức Toàn thôn An Lộc A… Chia sẻ những kinh nghiệm để thực hiện nuôi gà theo hướng này, chị Nguyễn Thị Lê, thôn Phúc Lộc B cho biết: Người nuôi cần phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ Khuyến nông hướng dẫn.

Quan trọng nhất là phải giữ cho chuồng không bị ẩm ướt, không để thức ăn bị mốc, cách ly đàn gà với môi trường bên ngoài và làm tốt công tác khử trùng chuồng nuôi, sân thả. Gà được thả ở sân vườn, vận động nhiều nên cơ thể sắn chắc, nhanh nhẹn, khả năng chống chịu với thời tiết tốt. Trước khi xuất bán khoảng 10 ngày thì cho gà ăn hoàn toàn bằng thóc, cám gạo, ngô để thịt thơm ngon, an toàn đối với người tiêu dùng.

Tính về hiệu quả kinh tế, anh Trần Văn Hai, thôn Bình Ca cho biết, thực tế khi thực hiện mô hình nuôi 100 con gà, nếu tự chi phí trong 3 tháng thì hết 6 triệu đồng. Trong đó: 1,4 triệu đồng mua gà giống; 4,6 triệu đồng tiền thức ăn, thuốc khử trùng, vắc xin. Tính trung bình mỗi con gà của gia đình anh sau 3 tháng đạt trọng lượng 1,8 kg; gà thịt hiện tại có giá 70.000 đồng/kg; tỷ lệ nuôi sống đạt 90%. Vậy 90 con gà thịt sẽ cho thu hơn 11,3 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, còn được hơn 5,3 triệu đồng, bằng thu nhập của gần 4 sào lúa.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch xã An Khang cho rằng, đây là mô hình phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Mô hình đã được nông dân trong xã đánh giá cao, khẳng định được hiệu quả. Sự thành công của mô hình là tiền đề để nhân rộng ra toàn xã, nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đồng thời là một trong những hướng đi tốt để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thông qua triển khai mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại xã An Khang, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục rút ra một số kinh nghiệm như chú trọng hơn nữa công tác phổ biến cho các hộ gia đình về phương pháp chăm sóc gà, sử dụng vắc xin đúng cách… để hạn chế dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng mô hình này, nhằm phát triển vùng sản xuất hàng hóa, cung cấp gà sạch, an toàn cho nhân dân.


Có thể bạn quan tâm

Giá Cá Điêu Hồng Đã Về Ngưỡng Hòa Vốn Giá Cá Điêu Hồng Đã Về Ngưỡng Hòa Vốn

Trong 2 tháng qua, sản lượng cá điêu hồng nuôi bè tới lứa thu hoạch khá lớn nên giá cá liên tục tuột giảm. Hiện nay, thương lái tới tận bè thu mua với giá 33.000 - 34.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 7/2013. Với giá bán cá hiện nay, người nuôi đang ở ngưỡng hòa vốn và có nguy cơ thua lỗ nếu giá cá tiếp tục tuột giảm.

08/12/2013
Cây Thanh Long Ruột Đỏ Trên Đất Quảng Sơn Cây Thanh Long Ruột Đỏ Trên Đất Quảng Sơn

Vượt hơn 50km đường rừng, chúng tôi có mặt tại nhà ông Nguyễn Anh Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hợp Tiến, người đầu tiên mang cây thanh long ruột đỏ về trồng ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong - Đắk Nông).

27/12/2013
Giải Pháp Hạn Chế Nuôi Tôm Ngoài Vùng Quy Hoạch Giải Pháp Hạn Chế Nuôi Tôm Ngoài Vùng Quy Hoạch

Hai năm trở lại đây, nuôi tôm thẻ chân trắng có nhiều thuận lợi về điều kiện môi trường nước, thời gian nuôi ngắn, giá tăng cao mang lại lợi nhuận đáng kể cho hầu hết người nuôi và hiện là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh. Thực tế đó cũng đã làm cho người dân trong vùng qui hoạch ngọt hóa “xé rào”, đã tự phát đào ao và khoan giếng nước mặn để nuôi tôm.

08/12/2013
Triệu Phú 8X Trên Vùng Gò Đồi Triệu Phú 8X Trên Vùng Gò Đồi

Với sự cần cù, hăng say lao động, anh Hoàng Công Mê Sang ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm (Hải Lăng - Quảng Trị) đã khai hoang vùng đất gò đồi để lập trang trại. Sau 5 năm miệt mài sản xuất, kiến thiết, trang trại của Sang đã hình thành.

27/12/2013
Công Bố Chỉ Dẫn Địa Lý Trâu Bảo Yên Công Bố Chỉ Dẫn Địa Lý Trâu Bảo Yên

Sáng 6-12, tại xã Vĩnh Yên, Sở NN và PTNT tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã tổ chức công bố Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về chỉ dẫn địa lý đối với trâu của huyện Bảo Yên (Lào Cai).

08/12/2013