Nuôi Gà Thả Vườn An Toàn Sinh Học
Từ đầu tháng 9-2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã An Khang (TP Tuyên Quang) tổ chức thí điểm mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học cho các hộ gia đình trên địa bàn xã. Sau hơn 3 tháng triển khai, các hộ gia đình tham gia mô hình đều đánh giá là mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học được triển khai tại 20 hộ gia đình thuộc 6 thôn là Phúc Lộc A, Phúc Lộc B, Thúc Thủy, Bình Ca, An Lộc A và An Lộc B với 2.000 con gà, giống lai giữa gà Mía với gà Lương Phượng. Trước khi triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể của xã tổ chức thẩm định lựa chọn các hộ gia đình trong xã có đủ điều kiện để chăn nuôi gia cầm.
Theo đó, các hộ gia đình phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu như: Có diện tích chuồng nuôi, sân thả, hàng rào bao quanh để ngăn cách với vùng lân cận; có vốn để đầu tư thức ăn, thuốc thú y, thuốc sát trùng ngoài phần được hỗ trợ; cam kết tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật của Khuyến nông.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình đã được được hỗ trợ 100% con giống, 50% kinh phí mua vắc xin phòng bệnh, thuốc khử trùng và thức ăn hỗn hợp. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật, cấp tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà.
Sau hơn 3 tháng nuôi thả, cán bộ Khuyến nông cùng chủ chăn nuôi thường xuyên theo dõi và ghi nhận gà phát triển nhanh, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 1,9 kg, ít bệnh, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 90%. Đặc biệt, nhờ thực hiện đúng quy trình nên có những hộ đạt tỷ lệ nuôi sống trên 97%, như hộ gia đình chị Đinh Thị Sen, Nguyễn Thị Lê, Lê Thị Phượng ở thôn Phúc Lộc B; anh Trần Văn Hai thôn Bình Ca; anh Lê Đức Toàn thôn An Lộc A… Chia sẻ những kinh nghiệm để thực hiện nuôi gà theo hướng này, chị Nguyễn Thị Lê, thôn Phúc Lộc B cho biết: Người nuôi cần phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ Khuyến nông hướng dẫn.
Quan trọng nhất là phải giữ cho chuồng không bị ẩm ướt, không để thức ăn bị mốc, cách ly đàn gà với môi trường bên ngoài và làm tốt công tác khử trùng chuồng nuôi, sân thả. Gà được thả ở sân vườn, vận động nhiều nên cơ thể sắn chắc, nhanh nhẹn, khả năng chống chịu với thời tiết tốt. Trước khi xuất bán khoảng 10 ngày thì cho gà ăn hoàn toàn bằng thóc, cám gạo, ngô để thịt thơm ngon, an toàn đối với người tiêu dùng.
Tính về hiệu quả kinh tế, anh Trần Văn Hai, thôn Bình Ca cho biết, thực tế khi thực hiện mô hình nuôi 100 con gà, nếu tự chi phí trong 3 tháng thì hết 6 triệu đồng. Trong đó: 1,4 triệu đồng mua gà giống; 4,6 triệu đồng tiền thức ăn, thuốc khử trùng, vắc xin. Tính trung bình mỗi con gà của gia đình anh sau 3 tháng đạt trọng lượng 1,8 kg; gà thịt hiện tại có giá 70.000 đồng/kg; tỷ lệ nuôi sống đạt 90%. Vậy 90 con gà thịt sẽ cho thu hơn 11,3 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, còn được hơn 5,3 triệu đồng, bằng thu nhập của gần 4 sào lúa.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch xã An Khang cho rằng, đây là mô hình phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Mô hình đã được nông dân trong xã đánh giá cao, khẳng định được hiệu quả. Sự thành công của mô hình là tiền đề để nhân rộng ra toàn xã, nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đồng thời là một trong những hướng đi tốt để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thông qua triển khai mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học tại xã An Khang, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục rút ra một số kinh nghiệm như chú trọng hơn nữa công tác phổ biến cho các hộ gia đình về phương pháp chăm sóc gà, sử dụng vắc xin đúng cách… để hạn chế dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng mô hình này, nhằm phát triển vùng sản xuất hàng hóa, cung cấp gà sạch, an toàn cho nhân dân.
Related news
Ngày 14-6, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) Phạm Quốc Liêm cho biết, container 40 feet với gần 22 tấn chuối già hương xuất khẩu của công ty đang trên đường đến Tokyo, Nhật Bản.
Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đã dự thảo xong Đề án phát triển vùng sản xuất cam xoàn ở xã Phương Phú và được các sở, ngành tỉnh góp ý xong, đa phần đều thống nhất với nội dung dự thảo của đề án.
Các loại trái cây hè tại các huyện Tân Thành, Châu Đức và Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) đang vào mùa thu hoạch. Mới đầu mùa nhưng giá một số loại trái cây bán tại vườn giá 10 - 20% so với vài tháng trước. Điệp khúc “rộ mùa mất giá” lại tái diễn khiến các nhà vườn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Dự án thiết lập vườn dừa giống và bình tuyển cây dừa mẹ để cải thiện giống dừa trong sản xuất đại trà đã được Chi cục Bảo vệ thực vật triển khai vào năm 2014. Mục tiêu dự án là bình tuyển 18 ngàn cây dừa mẹ theo tiêu chuẩn, hướng dẫn chăm sóc dừa mẹ đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất.
Thời tiết khô hạn khiến năng suất chuối đạt thấp, thêm vào đó giá chuối lại rớt thê thảm do hạn chế khối lượng xuất khẩu.