Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghịch Lý Hạt Muối

Nghịch Lý Hạt Muối
Ngày đăng: 03/03/2015

Việt Nam có hàng chục nghìn kilômét bờ biển, là nguồn nuôi sống cho hàng triệu diêm dân cả nước. Tuy nhiên, nghịch lý nhiều năm qua, giá muối luôn bấp bênh khiến diêm dân lao đao.

Thực tế, dù muối trong nước bị chê chất lượng thấp, nhưng nhiều nước trên thế giới vẫn nhập muối của Việt Nam.

Bài 1: Được mùa mất giá

Muối Bạc Liêu mặn mà, nổi tiếng và là ruộng muối lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với 56km bờ biển, ruộng muối nơi đây dao động trên dưới 3.000ha do phập phù thời tiết và giá. Bà con diêm dân lao động cật lực trong cái nắng gay gắt để làm ra hạt muối trắng, nhưng luôn thường trực nỗi lo giá hạ.

Hạt muối cũng chìm, nổi

Đi dọc theo con đê ven biển, không khí lao động khẩn trương trên đồng muối Bạc Liêu chạy dài từ TP Bạc Liêu tới Hòa Bình, Đông Hải. Ông Hồ Thanh Dân, xã Long Điền Đông (Đông Hải), nói: “Mùa muối bắt đầu từ mùa nắng năm nay đến mùa mưa năm sau. Nhưng năm nay, mưa dứt muộn, lại mưa trái mùa, tiết trời lạnh, nắng ít nên mùa muối chậm cả tháng”.

Ông Dân cho biết, “mới đầu vụ, giá muối tại ruộng khoảng 800 đồng/kg muối đen, chở ra tới bến sông sâu nước chảy mới bán được giá 1.000 đồng/kg. Nghe nói, nhà nước cho nhập muối như mọi năm thì chắc rớt giá nữa thôi”.

Trong cái nắng cháy da, những túp lều lá đơn sơ, rách nát, trơ trọi giữa cách đồng muối Điền Hải (Đông Hải), rất đông xã viên Hợp tác xã (HXT) Doanh Điền, trú nắng. Ông Nguyễn Quốc Vinh, kiểm soát viên HTX Doanh Điền nói: “Chúng tôi thuê 69 ha để sản xuất muối, trừ chi phí rồi chia cho bà con”.

HTX Doanh Điền có 111 xã viên cũng là 111 lao động trực tiếp sản xuất. Ông Nguyễn Việt Thành, xã viên HTX Doanh Điền nói: “Bà con vào HTX lấy công làm lời vì gia đình không đất hoặc thiếu đất sản xuất. Vụ mùa vừa qua, tôi được chia 20 triệu đồng”.

Ông Trần Công Khanh, kỹ thuật viên HTX Doanh Điền, xã Điền Hải (Đông Hải) cho biết, nước mặn lấy từ sông có độ mặn 70 phần ngàn, rồi bơm vô 6 ô phơi để tăng độ mặn lên 300 phần ngàn. Ông Trần Công Khanh nói: “Khi bơm nước đổ độ mặn thì một vài ngày sẽ kết tinh, thu hoạch được hạt muối”.

Muối nhập làm khổ diêm dân?

Trong chòi lá giữa đồng, gió lộng bốn bề, nắng chói chang, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng ấp Doanh Điền, Chủ tịch HĐQT HTX Doanh Điền nói: “Trong ấp có 41 hộ nghèo thì số đi làm thuê xứ xa, số còn lại vào HTX Doanh Điền làm muối. Thật ra, nghề làm muối phải có diện tích rộng, có nhân lực mới khá giả được”.

Những người làm muối ở Đông Hải gọi ông Võ Văn Kiệt, 42 tuổi (ở ấp Bờ Cảng, xã Điền Hải, Đông Hải) là vua muối Bạc Liêu. Bởi lẽ, ông Võ Văn Kiệt có 20 ha ruộng muối và chuyên mua bán muối đã thành tỷ phú. Ông Kiệt chia sẻ: “Làm muối nghèo, vựa muối giàu”. Ở xứ này, số người như ông Kiệt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đồng muối Bạc Liêu dao động khoảng 3.000 ha, sản lượng bình quân 200.000 tấn/năm. Bộ NN&PTNT có dự án xây dựng vùng muối, nhà máy sản xuất muối, kho dự trữ muối… nhưng chưa triển khai hoặc triển khai dở dang nên bà con diêm dân tự bơi trên cơ chế thị trường.

Vụ muối vừa qua, gia đình ông Võ Văn Kiệt thu mua của bà con khoảng 200 ngàn giạ (mỗi giạ tương đương 30 kg), tự sản xuất khoảng 30 ngàn giạ từ 20 ha ruộng muối. Ông Võ Văn Kiệt kể: “Giá muối không tăng nên tôi còn tồn khoảng 80 ngàn giạ. Nếu giá muối tại ruộng khoảng 1.000đồng/kg thì bà con sống khỏe, còn giá muối tại ruộng bây giờ khoảng 800đồng/kg và sẽ còn giảm nữa khi vào vụ chính”.

Trên đồng muối Bạc Liêu, bà con diêm dân phải đương đầu với thử thách “được mùa rớt giá”. Người làm muối phơi nắng dầm sương làm ra hạt muối trắng ngần vẫn tự lo liệu may rủi với giá cả, thị trường tiêu thụ.

Muối Bạc Liêu chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, thương lái khắp nơi đậu ghe tại sông để bà con chở ra bán. Ông Trần Công Danh, ở xã Long Điền Đông (Đông Hải) có 10 ha ruộng muối nói: “Khổ nhất là muối nhập làm cho muối rớt giá thê thảm”.

Tại xã Điền Hải (Đông Hải), người ta xây dựng kho dự trữ muối quốc gia hòng cứu giúp bà con trong trường hợp “được mùa rớt giá”. Tuy nhiên, theo ông Mai Thanh Hùng- Phó Phòng NN & PTNT Đông Hải (Bạc Liêu): “Không biết lý do gì, đơn vị thi công phần móng, rồi bỏ hoang”.


Có thể bạn quan tâm

Xây Dựng 4 Cánh Đồng Mẫu Lớn Đậu Phụng Xen Mì Vụ Đông Xuân Xây Dựng 4 Cánh Đồng Mẫu Lớn Đậu Phụng Xen Mì Vụ Đông Xuân

Để việc triển khai cánh đồng mẫu lớn đạt kế hoạch và hiệu quả cao, huyện chủ động yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị đủ lượng giống cần thiết để cung ứng cho nông dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn, triển khai quy trình sản xuất và lịch thời vụ theo quy định của ngành Nông nghiệp tỉnh. Để việc tiêu thụ thuận lợi, hiện Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định ký kết hợp đồng bao tiêu củ mì với nông dân.

13/11/2013
Gieo Cấy Được 9.779 Ha Lúa Tại Các Xã Vùng Tôm - Lúa Gieo Cấy Được 9.779 Ha Lúa Tại Các Xã Vùng Tôm - Lúa

Sau khi thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tính đến nay, nông dân các xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã gieo cấy được 9.779 ha lúa, đạt 88,9% so kế hoạch, các xã có diện tích xuống giống đạt chỉ tiêu từ 100% trở lên là: Thạnh Phú, Gia Hòa 2, Tham Đôn, Thạnh Quới. Ngoài các giống lúa chủ lực như: ST5, OM 4900, OM 6162… năm nay nông dân còn chọn các giống ngắn ngày có khả năng chịu mặn để đưa vào sản xuất.

13/11/2013
Nông Dân Xót Xa Nhìn Tiêu Chết Nông Dân Xót Xa Nhìn Tiêu Chết

Tiêu chết nhanh, chết chậm (thối gốc, rễ) luôn là nỗi ám ảnh lớn của người nông dân bởi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một biện pháp nào để khắc phục hiệu quả căn bệnh này. Với người trồng tiêu huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, năm nay lại là một mùa vụ buồn khi mà diện tích tiêu tàn lụi ngày một tăng. Thậm chí, ở nhiều hộ gia đình, số lượng tiêu sống chỉ còn vài trụ.

13/11/2013
Trồng Nấm Bào Ngư Được Đảm Bảo Đầu Vào, Bao Tiêu Đầu Ra Trồng Nấm Bào Ngư Được Đảm Bảo Đầu Vào, Bao Tiêu Đầu Ra

Mô hình trồng nấm bào ngư xuất hiện ở TX. Gò Công (Tiền Giang) khoảng 2 - 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do người mua phôi nấm không rõ nguồn gốc, người bán không chịu trách nhiệm về chất lượng; đầu ra sản phẩm nấm bấp bênh, dễ bị thương lái ép giá… nên không ít người trồng lâm vào cảnh lỗ vốn, bỏ nghề.

13/11/2013
Hiệu Quả Mô Hình Sản Xuất Đậu Nành Kết Hợp Bao Tiêu Sản Phẩm Hiệu Quả Mô Hình Sản Xuất Đậu Nành Kết Hợp Bao Tiêu Sản Phẩm

Vụ hè thu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành triển khai thực hiện mô hình sản xuất đậu nành kết hợp bao tiêu sản phẩm tại xã Tân Nhuận Đông, mô hình bước đầu cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa.

13/11/2013