Nuôi Gà Tây Đỡ Lo Dịch
Nhiều người hỏi tôi, gà nuôi mà không bán được thì làm cách nào? Cái quy luật “cung - cầu” cứ nhày nhót quanh bà con ta, lúc lên, lúc xuống kiểu này thì rất khó trả lời.
Thế nhưng, có một loại gà vẫn được ưa chuộng là gà tây. Hình như người mua xếp gà tây khác với gà ta cho nên họ cho rằng, gà ta có thể bị dịch còn gà tây thì không bị dịch(!).
Kể ra, nhìn chú gà tây ta cũng vững tin hơn. Con nào, con nấy đều nặng hơn chục cân, đi lại vững vàng, dáng hiên ngang, oai vệ. Nó không to bằng con đà điểu nhưng so với lũ gà nhà thì gà tây đủ để làm... vua! Có con còn nặng tới 14kg, ngang với chú chó. Tuy nhiên, gà thì vẫn là gà. Cúm gia cầm không loại trừ loài nào! Nếu đã nuôi gà thì phải lo phòng trừ cúm. Chỉ có điều, gà tây to, khỏe nên sức đề kháng của nó cao hơn. Dù sao thì ta cũng không chủ quan được.
Gà tây có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Có lẽ người Pháp và người Ấn Độ đã đưa nó vào Việt Nam từ thời họ đặt chân đến nước ta. Thời đó, dân ta không mặn mà với gà tây vì chê thịt gà tây nhạt, không thơm ngon. Người ta nuôi gà tây chủ yếu là để cho “tây” ăn. Thế nhưng gần đây, một mặt “tây” vào Việt Nam ngày càng đông nên yêu cầu về gà tây cũng tăng lên. Mặt khác, dân ta cũng bắt đầu thích ăn gà tây. Nhiều đám cưới, đám lễ đã sử dụng gà tây làm “chủ lực” để xếp cỗ. Thịt vài con thì cả làng ăn đủ!
Gà tây rất dễ nuôi. Nó hiền lành và chăm kiếm mồi. Món “khoái khẩu” của gà tây lại là cỏ. Thực ra, nó ăn nhiều loại cỏ, lá khác nhau. Ở Hưng Yên, nguồn rau xanh chủ yếu cho gà tây lại là bèo Nhật Bản. Họ băm bèo ra cho nó ăn. Thế thì khác gì lợn! Ấy vậy mà nó lại ăn ngon lành. Mới biết, các vùng trung du, miền núi, các nơi nhiều cỏ lác mà đưa gà tây vào nuôi thì thuận lợi biết bao.
Thức ăn của gà tây cũng giống như gà ta. Nó cũng ăn ngũ cốc, đậu đỗ, cám bã. Ngoài ra, nó ăn tới 30-40% là rau xanh, cỏ lác. Vì vậy, người nuôi gà tây thường chăn thả trên những bãi cỏ, những cánh đồng hoặc nuôi nhốt trong những sân chơi rộng. Điều quan trọng là nó cần nơi cao ráo, thoáng mát, không ẩm thấp. Nó rất sợ tiết trời âm u, ướt át, lạnh lẽo. Kiểu thời tiết đó rất dễ sinh bệnh. Ta không cho gà ra ngoài vào những lúc đó.
Gà tây chỉ khó nuôi ở giai đoạn từ 3 tháng tuổi đổ lại. Thời gian này ta cần đầu tư đủ thức ăn, tiêm phòng theo đúng lịch, giữ ấm cho gà và đảm bảo cho chuồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ, ấm áp.
Sau 3 tháng tuổi, nuôi chúng dễ hơn nhiều. Chúng ăn khỏe, lớn nhanh và ít bị bệnh tật. Gà tây nuôi 6-7 tháng thì bán tốt. Tùy từng giống (gà tây đen, gà tây trắng hoặc gà tây lông màu đồng) mà trọng lượng của chúng có thể đạt từ 10-20kg/con. Con đực bao giờ cũng lớn hơn con cái. Giá thịt gà tây cũng khá cao, từ 90.000-120.000 đồng/kg. Như vậy, một con gà tây cũng có thể bán được cả triệu bạc. Trừ chi phí đi, mỗi con cũng lãi vài trăm nghìn. Bà con thường nuôi mỗi đàn vài trăm con. Tiền thu được đâu nhỏ.
Vì vậy, ở đâu có điều kiện nuôi được gà tây, bà con nên xem xét. Cần gì, xin hỏi ông Đoàn Văn Hợi (0973.694.847) hoặc ông Mỹ (0169.8264.597). Họ là những người nuôi gà tây rất giỏi.
Có thể bạn quan tâm
Mùa lũ năm nay, toàn thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) có 138,65ha diện tích nuôi tôm mùa lũ, 46ha cá tra thương phẩm, 105 ao nuôi cá tra giống, 209 lồng bè...
Tại cồn An Thạnh, xã Hòa Bình (Chợ Mới - An Giang), nông dân rất phấn khởi vì thu hoạch ấu trúng mùa, được giá.
Ngày 24/10, tại thành phố Cần Thơ, các doanh nghiệp Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã cùng thảo luận tìm hướng ra cho con cá tra.
Bởi tất cả những sản phẩm của ong đều có thể cho thu nhập như: mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, phấn hoa... Những sản phẩm này đều có giá trị dinh dưỡng và tác dụng chữa bệnh rất tốt nên trên thị trường hiện nay thường rất dễ bán và được giá. Trong khi đó, vốn đầu tư cho việc nuôi ong không lớn, chủ yếu là đầu tư vốn ban đầu để đóng thùng, mua đàn gốc mà thôi...
Những ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường nên mực nước lũ ở các địa phương phía nam lên cao. Trước tình hình này, người làm vườn, rẫy đang khẩn trương thực hiện các biện pháp đối phó với lũ.