Nuôi gà ta bán tết
Ở Thanh Lâm, ngoài thế mạnh phát triển kinh tế nhờ cây ăn quả như vải, mãng cầu, mít, bưởi và trồng rừng lấy gỗ bán, bà con nông dân còn có phong trào nuôi gà ta thả vườn đồi chờ bán vào dịp tết, cho kết quả cao.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân khá thành công từ mô hình này, cho biết cách đây chừng gần chục năm, học hỏi từ một người bạn lính ở bên huyện Sơn Động, anh đầu tư nuôi thả gà ta trên mảnh đất vườn đồi rộng của mình.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường luôn ưa chuộng gà ta, nhất là loại thả vườn, không nuôi bằng cám công nghiệp, nên anh chú trọng nuôi gà theo “tiêu chuẩn” này.
Anh Hùng kể: “Thoạt đầu, tôi nuôi theo hình thức cộng sinh, tức tự sản xuất gà giống bằng cách cho gà bố mẹ sinh sản.
Về sau, tôi kết hợp nuôi thêm nguồn gà giống mua có chọn lọc ngoài chợ.
Năm đầu tiên nuôi gà đã mang lại cho gia đình tôi mức lợi nhuận lên tới gần 70 triệu đồng.
Phát huy thành quả đạt được, năm thứ hai tôi mở rộng quy mô nuôi lên gấp đôi và cũng thành công mỹ mãn...nhờ bán vào dịp tết âm lịch”.
Dẫn chúng tôi ra thăm trang trại đang nuôi khoảng 1.000 con gà trong vườn đồi, anh Hùng cho biết, Tết Bính Thân 2016 tới đây anh sẽ bán hết đàn gà này và với trọng lượng mỗi con 1,5 - 2kg, nếu giá gà 120.000 đồng/kg như tết năm ngoái thì có thể thu lợi nhuận trên 80 triệu đồng (mỗi con lời 80.000 đồng sau khi trừ chi phí).
Qua gần chục năm “làm bạn” với mô hình nuôi gà ta chờ bán tết, từ một hộ nghèo túng, đến nay gia đình anh Hùng đã vươn lên khá giả khi xây được ngôi nhà hai tầng khang trang, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, con cái học hành đến nơi đến chốn...
Trang trại nuôi gà ta bán tết của gia đình bà Thúy
Học theo mô hình chăn thả gà ta bán tết như anh Hùng, hộ bà Lê Thị Thúy, dẫu đi sau đến vài năm so với anh Hùng, nhưng với quy mô nuôi lớn, kinh tế gia đình bà Thúy đã phất lên trông thấy.
Bà Thúy kể: “Thấy nhà anh Hùng và một số hộ khác nuôi gà ta thả vườn đồi bán tết khá nhàn hạ lại cho thu nhập khá, nên tôi bàn với chồng con vay vốn ngân hàng nông nghiệp huyện, vay thêm bà con họ hàng để đầu tư lưới thép rào quanh khoảng vườn rừng nhà mình.
Cách tết chừng 3 tháng, tôi bắt đầu ra chợ quanh vùng mua hơn ngàn con gà giống, loại 300 - 400g/con về nuôi.
Số gà giống này tôi lựa đồng đều, khoảng một nửa gà trống, một nửa gà mái, vì nhu cầu thị trường tết cần cả hai giống gà này.
Tôi cho gà ăn bắp, lúa, rau lá chứ tuyệt đối không có thức ăn công nghiệp, vì thế thịt gà chắc, ngon và được người tiêu dùng rất ưa thích”.
Từ lúc khởi đầu nuôi hơn ngàn con gà, đến nay đàn gà nuôi chờ bán tết của gia đình bà Thúy luôn ở mức 3.000 - 4.000 con.
Bà Thúy cho hay, việc nuôi gà ta thả vườn đồi không quá vất vả, chỉ phải làm mấy khu lán trại có mái che để gà tụ lại ngủ ban đêm.
Ban ngày gà tự đi kiếm ăn, bới móc cây cỏ quanh khu vườn rừng nên chỉ cho gà ăn 2 bữa vào lúc sáng và chiều tối.
Việc tiêm phòng dịch cho gà cũng phải được chú trọng, tốt nhất nên tiêm khi mới mua gà giống ở chợ về...
Nhiều bà con có kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn rừng đúc kết rằng: Gà ta vốn khỏe mạnh hơn gà công nghiệp và khi được chăn thả theo mô hình tự nhiên bán hoang dã, chúng sẽ tự điều chỉnh để thích nghi, hòa nhập và chống chọi với dịch bệnh, vì vậy gà thả vườn ít bị dịch bệnh hơn nuôi gà công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2013, tỉnh Dak Lak trích ngân sách 345 triệu đồng mua 129.650 con cá giống các loại thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn 8 huyện: Lak, Krông Ana, Ea Súp, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Pak và Ea Kar.
Chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ được thực hiện từ lâu, song việc sử dụng đèn sợi tóc với công suất 60 - 75 W tiêu thụ lượng điện rất lớn, dẫn tới chi phí đầu tư cho mỗi hecta cao, giảm tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, diện tích thanh long ngày càng tăng đã dẫn tới việc thiếu điện. Giải pháp để tăng thêm diện tích thắp sáng mà không thay đổi công suất thắp, giảm chi phí tiền điện, tăng lợi nhuận là thay thế đèn sợi tóc 60 - 75 W bằng đèn compact 20 - 23 W chống ẩm cho thanh long ra hoa trái vụ.
Nông dân trong huyện U Minh (Cà Mau) vừa kết thúc vụ thu hoạch cá đồng, giá cá ở mức cao ngay từ đầu vụ và tiếp tục tăng ở cuối vụ.
Theo thống kê, Bến Tre hiện có 718ha bưởi da xanh bị sâu đục trái tấn công, chiếm diện tích 24% so với diện tích bưởi đang cho trái, trong đó 3 huyện: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất.
Trạm bảo vệ thực vật huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) phối hợp nông dân thí điểm mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” với diện tích hơn 2ha. Các loài hoa được trồng chủ yếu là hoa có màu sắc sặc sỡ, có nhiều phấn hoa để thu hút thiên địch như: cúc Đà Lạt, hoa dừa cạn, sao nhái, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp,...