Nuôi Gà Sao, Hướng Xóa Nghèo Hiệu Quả

Chúng tôi đến thăm trang trại của ông Võ Văn Minh, xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang đúng lúc ông Minh đang xuất bán 500 con gà Sao giống cho khách hàng.
Mỗi tuần trang trại của ông đều đặn bán một lượng gà như thế, ông thu được 17 triệu đồng tiền lời từ gà giống. Bên cạnh gà giống, ông Minh còn bán cả gà Sao thương phẩm.
Đối với ông Minh, gà Sao là vật nuôi mới và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ông cho biết: “Nuôi gà Sao không bị thất thoát. Nó còn mới nên tôi bán được giá cao. Vì đạt được kinh tế rất cao, từ đó, tôi nhân dần đến bây giờ nên ngày càng phát triển thêm.”
Gà Sao là giống gà dễ nuôi, thích hợp với điều kiện tự nhiên của nhiều địa phương tại nước ta. Gà có hình dáng đẹp, có thể nuôi làm cảnh, hoặc nuôi thương phẩm. Gà thích sống theo bầy đàn, thích bay khi di chuyển và kêu to.
Theo ông Minh, vốn đầu tư mô hình này thấp hơn 60% các loại gà khác nhưng lợi nhuận lại tăng hơn gấp đôi. So với gà Tàu thì lượng thức ăn của gà Sao ít hơn. Một con gà Sao xuất chuồng khoảng 1 kg thì ăn chỉ 2,5 kg thức ăn, trong khi để đạt trong lượng đó thì gà Tàu phải ăn tới 7,5 kg.
Đặc biệt, gà Sao có khả năng miễn dịch với các loại bệnh do vi rút gây ra, nhất là bệnh dịch cúm gia cầm.
Ông Minh chia sẻ: “Gà Sao có khả năng kháng thể cao hơn so với các loại khác. Như trước đây, tôi nuôi gà công nghiệp thì tỉ lệ hao hụt tới 30%, còn gà Sao này thì tỉ lệ nuôi sống là 90-95%.”
Trên gà Sao chỉ thường xuất hiện bệnh E.coli, cầu trùng, chủ yếu do máng ăn, chuồng trại không sạch.
Theo kinh nghiệm của ông Minh, với gà Sao nên xây dựng chuồng thoáng mát, cao ráo. Thiết bị chiếu sáng đảm bảo 16-18 tiếng cho gà đủ. Máng cho gà uống nước cách mặt đất 3 cm, đảm bảo nguồn nước uống không bị ô nhiễm.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn nữa, bà con cần lưu ý đến khẩu phần cho ăn. Mỗi ngày cho gà ăn 2 lần. Đối với gà đẻ thì mỗi con ăn 0,5 gram/ngày, gà thương phẩm mỗi tháng ăn 1,5 kg. Sử dụng thức ăn công nghiệp, bổ sung thêm rau xanh như lục bình, rau muống.
Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 60 hộ nuôi gà Sao. Nhiều hộ thoát nghèo nhờ mô hình nuôi gà Sao do chi phí chăm sóc thấp và giá ổn định. Với gà giống khoảng 35 ngàn đồng/con, gà thịt khoảng 65.000-70.000 đồng/con thì trung bình hộ thấp nhất cũng có được 50-60 triệu đồng/năm.
Để phát triển mô hình nuôi gà Sao thì công tác khuyến nông, phổ biến kỹ thuật và điều kiện nuôi đóng một vai trò quan trọng. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó phòng Nông nghiệp huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết: “Gà Sao đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều bà con nông dân. Trong thời gian tới, công tác khuyến nông của chúng tôi sẽ tập trung phổ biến mô hình này để tăng thu nhập cho bà con, xóa đói giảm nghèo cho địa phương .”
Hiện nay, gà Sao là gia cầm thượng hạng nên bán được giá cao. Nhiều vùng như Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Phước,.. mô hình này đang được phổ biến. Nhưng theo ông Hòa để mô hình này phát triển bền vững, tránh tình trạng rớt giá như các sản phẩm khác thì bà con phải đi theo hướng an toàn, khép kín, xây dựng vùng giống, cơ sở giết mổ tại chỗ.v
Có thể bạn quan tâm

Trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) hiện có 27.300ha cà phê. Nhận thấy nhu cầu rất lớn về cây giống phục vụ cho Chương trình tái canh cà phê, ông Bùi Đình Thám (thôn 12, xã Lộc Thành) đã mạnh dạn dành 2.000m2 đất, trong tổng số 4.000m2 đất vườn nhà, để sản xuất cây cà phê giống cao sản, cung ứng cho thị trường.

Người nuôi cá rô đầu vuông ở ĐBSCL đang lâm vào tình cảnh của người nuôi cá tra, “chết đứng” hàng loạt. Thê thảm nhất có lẽ là người nuôi ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Đây chính là nơi gần 10 năm trước khởi nguồn phong trào nuôi cá rô đầu vuông khắp ĐBSCL.

Giá muối SX thủ công tại Khánh Hoà hiện đang ở mức từ 650-800 ngàn đồng/tấn, tăng từ 50-100 ngàn đồng/tấn so với tháng trước.

Hàng ngàn tấn hành tây tích trữ tại Đà Lạt hiện tại không tìm được nơi tiêu thụ, có nguy cơ phải đổ bỏ số lượng lớn do thời tiết mưa ẩm kéo dài.

Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết: Thời gian gần đây, tình hình sâu đục thân gây hại cà phê trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là trên địa bàn TP Đà Lạt, đã tái phát và diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Tính đến cuối tháng 5/2014, tại các xã Xuân Trường, Trạm Hành và Tà Nung của TP Đà Lạt đã có 440ha cà phê bị sâu đục thân gây hại.