Tạm Dừng Nhập Khẩu Các Sản Phẩm Gia Cầm Vào Việt Nam
Không để gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, đặc biệt đối với các tỉnh vùng biên.
Trước tình hình cúm A/H7N9 có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm vừa ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm, có khả năng lây lan sang người, tạm dừng nhập vào Việt Nam gia cầm và sản phẩm gia cầm sống dưới mọi hình thức.
Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây lan sang người nêu ra 4 tình huống về diễn biến cúm H7N9 tại Việt Nam.
Tình huống 1: Chưa phát hiện virus cúm trên gia cầm và người; tình huống 2: Chưa phát hiện virus trên gia cầm, môi trường nhưng có người mắc bệnh; tình huống 3: Phát hiện virus trên gia cầm và môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh và tình huống 4: Phát hiện virus cúm trên gia cầm hoặc môi trường và người cũng mắc bệnh - đây là tình huống xấu nhất.
Các biện pháp triển khai sẽ tùy theo từng tình huống. Cơ quan thú y cũng xác định tập trung triển khai lấy mẫu giám sát trên gia cầm tại các chợ, điểm thu gom, tập kết gia cầm và các mẫu môi trường thuộc địa bàn có nguy cơ cao như các tỉnh biên giới phía bắc, các địa phương tiêu thụ gia cầm lớn. Hiện nay, tại 60 chợ thuộc 9 tỉnh được lấy mẫu xét nghiệm gia cầm thường xuyên để giám sát dịch.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, nếu phát hiện virus cúm H7N9 trên gia cầm, sẽ phân công đội ứng phó nhanh trực tiếp xuống địa bàn để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Huy động tối đa nguồn lực từ các cơ quan thú y Trung ương giám sát dịch tễ… Trường hợp phát hiện virus cúm trên các mẫu lấy tại chợ sẽ cấm tạm thời việc bán gia cầm sống đối với chợ đó trong khoảng thời gian tối thiểu 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của virus lưu hành.
Trước mắt, giải pháp ưu tiên là phải nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới nhằm ngăn chặn virus có thể xâm nhập qua đường này vào trong nước.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nêu ý kiến, Cục sẽ đôn đốc các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, giáp Trung Quốc đẩy mạnh quyết liệt thực hiện Đề án 2088 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới. Đồng thời, rà soát toàn bộ các địa bàn có nguy cơ nhiễm cao để ngăn chặn mọi đường xâm nhập của virus vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nêu rõ, Việt Nam đang có nguy cơ cao lây lan dịch H7N9 nên càng phải nỗ lực để ngăn chặn virus cúm này vào nội địa.
Trước mắt, các địa phương có đường biên giới cần thắt chặt quản lý đường biên, không để tình trạng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là yếu tố quyết định để mỗi người tự phòng chống cho bản thân và gia đình.
“Chúng ta phải ngăn chặn bằng được sự xâm nhập của virus thông qua việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới nhất là gà loại thải. Một khi chúng ta đã quyết tâm, đồng lòng từ Trung ương xuống địa phương thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đề nghị các bộ ban nghành, đia phương chúng ta làm quyết liệt hơn nữa để ngăn ngừa việc buôn bán việc vận chuyển gia cầm, các loại sản phẩm gia cầm qua biên giới”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang ở tình huống thứ nhất, đó là chưa phát hiện virus cúm gia cầm H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người.
Đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) cảnh báo, Việt Nam, Lào, Myanmar là những nước có nguy cơ cao về lây nhiễm virus cúm A/H7N9. Do đó, cần thiết phải xây dựng kế hoạch chủ động để đối phó với chủng virus này. Mục tiêu chung là chủ động phát hiện, sẵn sàng ứng phó với dịch và giảm thiểu tác động tiêu cực cho con người.
Có thể bạn quan tâm
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ góp phần cung cấp các giống, cây con mới cho bà con nông dân, mà còn từng bước đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng được ngành chức năng của tỉnh chủ động triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Trái ngược với xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm vừa qua, trong tháng Một, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong ngành nông nghiệp đều có sự sụt giảm đáng kể, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của ngành như: thủy sản, gạo, càphê, gỗ, hạt tiêu…
Tăng được dư nợ thêm gần 100 tỷ đồng trong năm 2014 có thể coi là một thành công lớn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bắc Kạn. Trong đó, vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 70% đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên toàn tỉnh.
Không khí tết len lỏi đến vườn cây bằng tín hiệu thu hoạch thì thị trường trái cây tết cũng bắt đầu sôi động. Các loại trái cây chủ lực của chợ tết như bưởi, cam, chanh, quýt, mãng cầu,... đang được nhiều vựa tất bật thu mua, có loại đang chuẩn bị thu hoạch cũng đã được đặt hàng trước vài tuần. Tại vườn, các thương lái ráo riết “săn hàng” để kịp đưa trái cây bán ra chợ tết.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như các kế hoạch về xây dựng GTNT trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách không ổn định, vốn đầu tư công cắt giảm song với quyết tâm và kiên định mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và GTNT nói riêng. Riêng lĩnh vực GTNT, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh không bị cắt giảm mà luôn duy trì ổn định 60 - 90 tỷ đồng/năm.