Nuôi Gà Đông Tảo Mô Hình Mới Ở Xã Song Bình (Tiền Giang)

Trong quá trình tìm hiểu vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu tại chỗ và cho hiệu quả kinh tế cao, ông Nguyễn Công Minh (Bình An, Song Bình, Chợ Gạo - Tiền Giang) đã chọn nuôi gà Đông Tảo (còn gọi là gà Đông Cảo).
Sau khi nuôi thử nghiệm, vào đầu năm 2013, ông đã thành lập Trang trại Gia Phát chuyên cung cấp con giống và gà thương phẩm vốn một thời chỉ được dùng để tiến vua.
Ông cho biết, đây là giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo, thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đặc điểm nổi bật của chúng là đôi chân rất to, xù xì, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ; khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 6kg, gà mái từ 3,5-5kg.
Đầu năm 2012, ông mua 20 con gà mái giống với giá 1,5 triệu đồng/con và 8 con gà trống giá từ 2-4 triệu đồng/con, trong đó có 4 con thuần chủng. Gà mái nuôi từ 7-8 tháng thì bắt đầu sinh sản, với 20 con mái giống mỗi ngày đẻ từ 10-12 trứng; mỗi tháng trang trại của ông cung cấp từ 120-150 con gà giống, cao điểm 200 con. Gà con 2 tuần tuổi có giá từ 120 đến 150 ngàn đồng/con, có khi lên đến 180 ngàn đồng/con. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu lời 10 triệu đồng từ gà Đông Tảo.
Thịt gà Đông Tảo ăn giòn, không dai, có thể chế biến được nhiều món như: luộc, xào lăn, hầm thuốc bắc hoặc nấu lẩu. Đặc biệt, một con gà trống Đông Tảo thuần chủng, 8 tháng tuổi trở lên, dáng đẹp có giá từ 3-5 triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng, còn thông thường từ 1,2-1,5 triệu đồng/con.
Theo ông, gà Đông Tảo là loài không quen nuôi nhốt, quen chạy nhảy nên chuồng trại phải rộng rãi, gà mau lớn và thịt sẽ ngon hơn. Tuy dễ nuôi nhưng phải chú ý chăm sóc kỹ chúng trong giai đoạn 1 tháng tuổi, chuồng trại đảm bảo ấm áp, các khâu vệ sinh, nước uống đầy đủ thì gà mới phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp.
Qua quá trình nuôi, ông nhận thấy gà Đông Tảo sinh trưởng và phát triển tốt, sức đề kháng cao, ít bị bệnh, kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh giống như gà thả vườn. Sau 4 tháng nuôi, trung bình gà trống và mái đạt từ 2,2-2,5 kg/con, giá gà thương phẩm hiện nay 120 ngàn đồng/kg.
Ông Minh còn đầu tư xây các khu chuồng trại để nuôi chim trĩ xanh và chim trĩ đỏ khoang cổ. Chuồng được xây bằng gạch ống cao 1,2 mét, phía trên ông dùng lưới B40 bao quanh để chim không bay ra ngoài, phía dưới có lớp cát dày 10 cm để chim tắm cát và làm ổ đẻ. Hiện tại trang trại của ông có 30 con chim trĩ trống và 100 con mái. Chim trĩ ít mắc bệnh và dễ nuôi như gà, chỉ cần nuôi 8 tháng là chúng bắt đầu đẻ trứng liên tục, bình quân từ 60-70 trứng.
Sau đó nghỉ 2 tháng để thay lông rồi tiếp tục đẻ. Với 100 con chim mái, hàng ngày gia đình ông thu từ 60-70 trứng. Để có đủ nguồn con giống cung cấp ra thị trường, gia đình ông đã đầu tư 3 lò ấp trứng bằng điện với tỷ lệ nở thành công 80%. Thức ăn chính của chim Trĩ là cám tổng hợp, bắp, rau xanh, cỏ...
Giá bán 1 chim trĩ con từ 60-80 ngàn đồng/con. Còn 1 cặp chim trĩ giống có trọng lượng từ 1,3-1,5 kg, giá bán từ 1,7-1,8 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng trang trại của ông cung cấp từ 700-800 con chim trĩ giống, trừ đi chi phí gia đình ông thu lãi 30 triệu đồng.
Hiện nay, trang trại của ông Minh đang phát triển tốt, thường xuyên cung cấp gà và chim trĩ cho các nơi và các hộ xung quanh để nuôi, sau đó ông thu mua lại trứng. Ông Minh cho biết, trong thời gian tới ông sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng mô hình này, trước hết là hỗ trợ người chăn nuôi trong xã về con giống, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm để giúp bà con thoát nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Rô (thôn 2, xã Cẩm Thanh, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam) là người đã ươm thành công giống dừa nước vùng ngập mặn từ trái với số lượng lớn

Cá tra được Chính phủ xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của ĐBSCL và cả nước. Dù đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng hiệu quả sản xuất vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hội thảo “Hiện trạng, thách thức và cơ hội của ngành nuôi cá tra Việt Nam” trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam 2011 thêm một lần nữa khẳng định: Cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất, để con cá tra phát triển bền vững!

Nhím biển hay còn gọi là cầu gai thuộc ngành động vật da gai, lớp cầu gai. Nhím biển có mặt ở hầu hết các vùng biển trên thế giới và thường phân bố theo chiều thẳng đứng từ vùng giữa triều đến vùng sâu 5.000m.

Hơn nửa tháng nay, tình trạng cá bị bệnh và chết ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) khiến hàng trăm hộ nuôi đứng ngồi không yên. Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã cử cán bộ trực tiếp đến địa phương hướng dẫn bà con về cách phòng, chống bệnh cho cá và xử lý môi trường nước ở vùng nuôi...

Chiết cành thường vào vụ xuân tháng 2-4 và vụ thu tháng 8-9. Vụ xuân chiết trước khi cây nhú lộc xuân. Nếu các loại cây rụng lá vào mùa đông, cần chiết sau khi lộc xuân đã trở thành lá bánh tẻ thì tỷ lệ cây sẽ ra rễ nhiều hơn