Ngư Dân Chờ Gói Tín Dụng Mới
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi đề cập đến các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa, cho biết: Đến nay, cả nước có gần 6.200 tàu cá đăng ký và được phê duyệt đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa.
Tuy nhiên, Nhà nước mới hỗ trợ được 23 tàu cá đóng mới có công suất từ 90 CV trở lên và thay máy mới cho 130 tàu cá có công suất từ 40 CV trở lên. Như vậy, tỷ lệ tàu cá được hỗ trợ đóng mới, thay máy mới còn quá thấp.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nguyên nhân chính là do mức hỗ trợ thấp, trong khi giá máy mới 100% nhập khẩu lại quá cao nên không khuyến khích được ngư dân, điều kiện để được hưởng hỗ trợ khó khăn, trong khi máy tàu mới trong nước chưa sản xuất được.
Tuy chính sách rất khuyến khích nhưng do cơ chế cho vay và cơ chế xử lý rủi ro thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại thông thường nên rất khó với ngân hàng và ngư dân.
Để cải thiện tình hình, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị áp dụng chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước để hỗ trợ ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá.
Trước mắt, tập trung đóng tàu dịch vụ hậu cần đi kèm các tổ đội sản xuất trên biển và các tàu khai thác đối tượng giá trị cao như cá ngừ đại dương, mức vay 80% giá trị con tàu; thời hạn vay 10 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất ở mức ưu đãi 2,5%/năm và tài sản thế chấp chính là con tàu được hình thành. Ngân sách nhà nước bù chênh lệch lãi suất so với lãi suất thương mại ưu đãi trong nông nghiệp.
Dự kiến tổng giá trị gói tín dụng trên đây khoảng 48.000 tỷ đồng.
Khi đề cập đến định hướng đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực thủy sản trong thời gian đến, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định: Sẽ ưu tiên và tích cực thực hiện đầu tư tín dụng cho ngư dân để khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn hiệu quả nguồn vốn tín dụng.
Đối với khai thác thủy sản xa bờ, ông Bình đưa ra giải pháp là, bên cạnh việc triển khai cho vay đóng mới, cải hoán tàu và các chi phí trong các chuyến khai thác hải sản xa bờ như hiện nay, ngành Ngân hàng có chính sách tín dụng khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp thực hiện liên kết trong quá trình khai thác thủy sản xa bờ.
Bên cạnh đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đối với lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam.
Với cách nhìn nhận mới mẻ, thông thoáng về những giải pháp và chính sách phát triển thủy sản Việt Nam, một lần nữa cho thấy, ngành thủy sản nước ta đang có cơ hội để dần khẳng định và vươn lên thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân, góp phần đắc lực bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Nhưng, ngư dân còn trông chờ điều hơn thế. Đó là, các chính sách ấy sớm triển khai trên thực tế.
Có thể bạn quan tâm
Đó là tuyến đường bê tông nội thôn chỉ mất 12 ngày cho việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tại thôn Ngầu 1 xã Võ Lao (Văn Bàn, Lào Cai). Đây là một dấu ấn mới, một thành tích đáng tự hào trong việc huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới của thôn Ngầu 1.
Ông Nguyễn Phước Quang (ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang) đã có sáng kiến độc đáo khi biến phế phẩm của cây chuốt hột thành sợi nguyên liệu để làm nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ…
Vụ mùa vừa qua, hàng chục hộ trồng lúa trong khu vực được quy hoạch cánh đồng mẫu lúa trên địa bàn ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình bị thất trắng vì nước nhiễm mặn do một số hộ dân trong khu vực tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm.
Trong khi nhiều mặt hàng nông, thủy sản đang gặp khó về đầu ra thì vẫn có không ít doanh nghiệp tuyên bố: Thị trường không thiếu, giá cả không tệ, nhưng cái chúng ta đang thiếu lớn nhất chính là nguyên liệu sạch!
Cá con vớt lên bờ, có thể bán ngay tại chỗ; cá chưa phân loại được bán với giá 100.000 đồng/kg, nếu đã phân loại thì cá rễ tre có giá tới 200.000 đồng/kg, các loại cá khác khoảng 80.000 đồng/kg.