Nuôi Dê Trên Núi Hòn Hèo
“Nuôi dê ban đầu ít, rồi sau khi sinh sản sẽ nhiều lên, chẳng mấy chốc mà có cả đàn” - triết lý ấy của người nuôi dê ở xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) tuy giản đơn nhưng có cả niềm tin và hy vọng làm giàu.
Lên núi tìm dê
Anh Trần Văn Vương - Phó Trưởng Công an xã Ninh Vân kể cho tôi nghe câu chuyện khá lý thú về dê hoang trên núi Hòn Hèo. Thấy tôi hăng hái muốn lên núi tìm dê hoang, anh đã tình nguyện đi cùng. Sau cơn mưa đêm cuối năm, con đường lên đỉnh Hòn Hèo vốn đã gập ghềnh lại càng trở nên khó đi. Tôi và anh Vương gửi xe ở một chòi canh rẫy ngay bìa rừng để ngược lên khu vực thùng Ba Dao (Hòn Hèo) tìm bầy dê hoang.
Trên đường đi, anh Vương kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Đầu tiên là chuyện con dê bén duyên với đất Ninh Vân cách đây hơn 15 năm; ông Nguyễn Văn Trường (ở thôn Đông) là người tiên phong đưa dê về nuôi ở vùng đất lắm sỏi đá này. Kế đến là chuyện lũ dê trước đây lạc bầy, bây giờ thành dê hoang.
Anh Vương nhớ: “Cách đây gần 10 năm, đàn dê nhà ông Trường khi di chuyển từ mũi Cỏ (thôn Đông) sang nuôi ở bãi Cây Bàng (thôn Tây), khi lên núi Hòn Hèo kiếm ăn, đàn dê đã có hơn 10 con đi lạc. Lâu dần, bầy dê này đã thành dê hoang, dê núi. Bây giờ, số lượng dê lạc bầy, sống tự nhiên đã lên đến mấy trăm con. Tụi tôi đi tuần tra trên núi thường gặp chúng ở thùng Ba Dao, khu Suối Cát...”.
Câu chuyện về bầy dê lạc cứ nối dài, rồi chúng tôi đã vượt được mấy con dốc để lên đến thùng Ba Dao. Ngồi nghỉ mệt, anh Vương quan sát xung quanh tìm dấu vết lũ dê. Bất chợt, chúng tôi nghe tiếng kêu “be, be...” của một vài con dê từ phía những lùm cây cạnh con đường mòn. Thấy tôi hăm hở định tiến về phía đàn dê, anh Vương ngăn lại, rồi bảo: “Lũ dê này đi hoang lâu rồi, bây giờ chúng nhát lắm, thấy người là bỏ chạy ngay.
Chúng ta chỉ có thể quan sát từ xa chứ không đến gần chúng được đâu”. Chúng tôi rón rén đến một bụi cây cách nơi lũ dê đang ăn khoảng 100m để quan sát và chụp ảnh.
Đứng từ xa, tôi đếm được bầy dê có hơn 20 con, trông chẳng khác gì dê nhà mà tôi từng gặp. Chúng thản nhiên gặm lá cây; chốc chốc, một vài con chồm lên khiêu chiến, thậm chí húc nhau. Thấy tôi tò mò, anh Vương bảo: “Thông thường, một đàn dê sẽ có một con dê đực đầu đàn. Giống này cũng ngộ, một con dê đực phải có ít nhất cả chục “thê, thiếp”. Mấy con dê cái “đánh nhau” cũng chỉ để “quyến rũ” dê đực. Nói chung, chúng làm mọi cách để “tạo ấn tượng” với những con dê đực trong đàn”.
Thấy có người đến, anh Vương cho tôi biết, đó là ông Trường, người đầu tiên mang dê về Ninh Vân, là chủ nhân của bầy dê hoang này. Hỏi ra mới biết, ông Trường lên núi để xem đàn dê dạo này ra sao, chúng đang kiếm ăn ở khu vực nào để tìm cách bắt về bán trong dịp Tết.
Ông Trường cho biết: “Tôi nuôi dê cách nay đã 18 năm. Đàn dê của tôi đi hoang đã gần 10 năm. Bây giờ, chúng tản mát đi lung tung hết, có khi đi lên phía xã Ninh Thọ, có khi lại sang hướng xã Ninh Phú. Số lượng đàn dê hoang hiện có thể đã hơn 500 con, chúng phân ra thành cả chục đàn rồi”.
Được biết, trước đây, ông Trường nuôi dê theo kiểu thả rong, không chuồng trại; sáng ra lùa dê lên núi cho tự kiếm ăn, chiều lại lùa về nên có một số con đi lạc. Ông Trường nói: “Tôi đã từng thông báo cho người trong thôn, trong xã, nếu ai bắt được mang về bán thì “cưa đôi”, nhưng chẳng mấy ai bắt được chúng. Chỉ có đám thợ rừng đặt bẫy, bắn trộm thì nhiều”.
Ông kể, năm 2010, những tay bắn voọc chà vá chân đen thấy đàn dê bị lạc của ông đang kiếm ăn đã tiện thể bắn luôn. Trên đường chở dê từ Ninh Vân ra Ninh Phước, những tay thợ săn này bị người dân phát hiện, kiểm tra trong bao tải không chỉ có dê mà còn có mấy con voọc quý hiếm, sau đó đã bị xử lý.
Cuộc sống ổn định nhờ nuôi dê
Trò chuyện với ông Trường, tôi được biết, nghề nuôi dê cũng rất hiệu quả. Ông Trường cho hay, mỗi năm, 1 con dê cái đẻ được 2 lứa, mỗi lứa 2 - 3 con nên chẳng mấy chốc mà có “con đàn, cháu đống”. Hiện nay, giá dê thịt (mỗi con chừng 20kg) dao động khoảng 100.000 đồng/kg (bán dê giống thì tiền cao hơn).
Với đàn dê hơn 300 con đang nuôi (không tính đàn dê lạc trên núi), tính ra, ông Trường là triệu phú trong nghề nuôi dê với tổng trị giá đàn dê hơn 600 triệu đồng.
Thu nhập từ nuôi dê đã mang lại cuộc sống khấm khá cho gia đình ông Trường. Thấy vậy nên nhiều hộ ở Ninh Vân cũng đã học hỏi kinh nghiệm và đầu tư nuôi dê. Đến thăm trại dê của gia đình bà Năm (thôn Đông), bà kể: “Tháng 4-2014, gia đình tôi mua mấy cặp dê giống để nuôi ở khu vực mũi Cỏ, mới đó mà đàn dê đã đẻ thêm 16 con. Bây giờ, đàn dê đã có 31 con. Với giá thị trường hiện nay, đàn dê của gia đình tôi có giá khoảng 50 triệu đồng.
Vợ chồng tôi đang tính cho dê sinh sản để nhân đàn, nên dù có rất nhiều người hỏi mua nhưng tôi chưa muốn bán. Đàn dê mau lớn, đẻ nhanh thấy mà ham. Tôi chỉ mong giá cả ổn định, dê không bệnh tật. Cứ như thế, người nuôi chẳng mấy chốc mà giàu...”.
Trò chuyện với những người nuôi dê ở xã Ninh Vân, tôi được biết, hiện nay, đàn dê nuôi ở địa phương này khoảng 400 con. Trong đó, hộ ông Trường nuôi nhiều nhất, những hộ còn lại chỉ nuôi khoảng 20 con/hộ. Phong trào nuôi dê đang phát triển nhanh ở địa phương này, nhiều hộ đã làm lán trại, tìm mua dê giống để nuôi.
Bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân nói: “Con dê rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Ninh Vân, nhất là ở dãy núi Hòn Hèo. Từ hiệu quả này, địa phương đang định hướng để phát triển đàn dê.
Con dê không chỉ là vật nuôi giảm nghèo mà còn có thể giúp nông dân Ninh Vân vươn lên làm giàu. Tới đây, UBND xã sẽ khuyến khích những hộ có hoàn cảnh khó khăn đầu tư nuôi dê. Việc phát triển đàn dê sẽ chú trọng đầu tư chuồng trại, chăn dắt chứ không để thả rong như trước”.
“Nuôi dê ban đầu ít, rồi sau khi sinh sản sẽ nhiều lên, chẳng mấy chốc mà có cả đàn” - suy nghĩ ấy của người nuôi dê tuy giản đơn nhưng có cả niềm tin và hy vọng làm giàu. Trên đường về, ánh nắng mùa xuân làm bừng sáng một góc Hòn Hèo. Từ xa, tôi nghe vọng lại tiếng kêu “be, be...” xen lẫn với câu hát của người du mục: “Ở nơi ấy, tôi đã thấy trên ngọn núi cao có hai người, chỉ có hai người yêu nhau... Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ trên đồi, một mái tranh nghèo, một nhà sàn đơn sơ. Ở nơi ấy, họ đã sống cuộc sống yên bình...”.
Có thể bạn quan tâm
Ông Trần Quốc Hải và Trần Quốc Thanh (ấp 2, xã Suối Dây, H. Tân Châu, Tây Ninh) mày mò học hỏi, nghiên cứu chế tạo thành công máy trồng và thu hoạch khoai mì. Chiếc máy ra đời hỗ trợ đắc lực cho nông dân trồng khoai mì ứng dụng cơ giới hóa. Đặc biệt, ngoài việc trồng khoai mì, có thể ứng dụng máy vào việc phun thuốc trừ sâu, bón phân, làm cỏ, vun hàng và thu hoạch khoai mì...
Ông Nguyễn Xuân Quốc - Trưởng phòng Kinh doanh XNK Công ty Cổ phần Đại Thuận (Tashun) cho biết, hiện nay thương lái Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ xô đến các bến bãi để tranh giành thu gom nguyên liệu. Họ mua tất cả các loại hải sản với đủ mọi kích cỡ, chất lượng khác nhau và với giá cao hơn giá bán cho những người thu gom ở trong nước, sau đó đóng hàng lên xe bảo ôn và đưa về Trung Quốc
Ngày 30.6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các bộ, ngành đã có buổi làm việc tại tỉnh Hà Nam về việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, nghề dệt truyền thống của người dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng đã bị mai một nhiều. Trong đó, làng dệt của người thiểu số dưới chân núi Lang Bian là một điển hình.
Vụ hè thu 2011, Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa triển khai mô hình bẫy cây trồng diệt chuột tại 7 HTX nông nghiệp. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, mô hình này rất hiệu quả trong việc diệt chuột bảo vệ mùa màng