Nuôi Chim Yến Trong Khu Dân Cư Lắm Điều Rắc Rối

Gần đây, chim yến đua nhau bay về Bạc Liêu cư ngụ. Nhiều người dân ở đây đã “thức thời” xây nhiều nhà cao tầng, dẫn dụ yến về làm tổ nhằm khai thác nguồn lợi từ loài chim này. Từ đó, kéo theo biết bao sự phiền toái, khổ sở cho những hộ dân ở gần khu vực nuôi yến.
Ban đầu, chim yến được nuôi nhiều trong khu Địa ốc (phường 1, TP. Bạc Liêu). Thấy nuôi chim yến có hiệu quả kinh tế cao, nhiều người tổ chức nuôi và phong trào nuôi chim yến ngày càng lan rộng, kể cả những người ở khu dân cư đông đúc. Việc làm này đã gây bao phiền toái cho những người hàng xóm.
Đơn cử, người dân tại đường Ngô Quang Nhã (phường 1, TP. Bạc Liêu) rất bức xúc bởi tiếng ồn phát ra từ hai căn nhà nuôi chim yến. Đó là tiếng kêu inh ỏi của chim và từ những chiếc máy phát ra âm thanh để dẫn dụ chim yến. Bà Vũ Thị Đáy, 65 tuổi, nhà ở gần khu vực nuôi chim yến, cho biết: “Tôi đã lớn tuổi nên việc nghỉ ngơi đã khó khăn. Vậy mà ngày nào cũng phải chịu đựng tiếng ồn của máy và tiếng kêu của chim yến từ sáng sớm cho đến chiều tối”.
Bên cạnh tiếng ồn, chất thải từ chim yến cũng khiến người dân vô cùng bực bội. Anh Trần Vũ Nguyên (ngụ phường 3, TP. Bạc Liêu), cho rằng: “Hồ chứa nước mưa của gia đình tôi và các hộ lân cận hiện nay không thể sử dụng được bởi chất thải từ chim yến. Việc giặt giũ cũng gặp khó khăn. Tôi phải đợi cho chim yến bay về tổ mới đem quần áo ra phơi. Không biết gia đình tôi phải chịu đựng cảnh này đến bao giờ?”. Chưa hết, phân chim yến thường có mùi hôi rất nặng, lại tích tụ lâu ngày nên cũng là nỗi ám ảnh của các hộ dân sống bên cạnh khu vực nuôi chim yến.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Bạc Liêu có khoảng 37 hộ nuôi chim yến với tổng số 11.085 con, tập trung chủ yếu ở phường 1 và phường 5; số còn lại nằm rải rác ở một số xã, phường trên địa bàn.
Theo Thông tư quy định tạm thời trong vấn đề quản lý và nuôi chim yến: “Nhà nuôi yến phải độc lập, cách xa nhà dân xung quanh ít nhất 30m, âm thanh phát ra không vượt quá 70dBA (đề-xi-ben A) trong khoảng thời gian từ 6 - 21 giờ, không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 - 6 giờ sáng ngày hôm sau”. Quy định là vậy, nhưng xem ra đó vẫn còn là lý thuyết, bởi lẽ hiện nay, nhiều nhà nuôi chim yến vẫn liên tiếp mọc lên trong khu dân cư đông đúc.
Để việc nuôi chim yến ngày càng phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn, tránh gây rắc rối, khó chịu cho người dân, các ban ngành có liên quan cần có những kế hoạch cụ thể trong việc phân chia vùng nuôi chim yến. Khuyến cáo người dân hạn chế nuôi chim yến trong khu dân cư để tránh tình trạng bất cập như hiện nay. Cần giới hạn thời gian phát tiếng kêu ở các điểm và những hộ nuôi chim yến. Kiểm soát chặt chẽ khâu phòng ngừa dịch bệnh để bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Có thể bạn quan tâm

Chi cục Thú y Hà Nội vừa tiến hành thẩm định cơ sở an toàn dịch bệnh tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Việt Hưng, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.

Trạm Khuyến nông huyện Sơn Động (Bắc Giang) đang triển khai mô hình nuôi thỏ Newzealand cho 30 hộ dân tại các xã: Chiên Sơn, Quế Sơn, Cẩm Đàn với tổng kinh phí 250 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành chỉ thị về kiểm soát, ngăn ngừa việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai. Theo đó, Chi cục Thú y Đồng Nai tiếp tục tăng cường thực hiện lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất cấm tại các trang trại chăn nuôi, các cơ sở giết mổ… Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện “Tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”.

An toàn sinh học đối với các cơ sở chăn nuôi là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh thú y nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhậpvào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi đó.

Trong những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao lên tới 38 - 39oC nếu kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng, năng suất thịt của đàn lợn.