Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyên Gia Bàn Chuyện Nâng Giá Trị Hàng Thủy Sản

Chuyên Gia Bàn Chuyện Nâng Giá Trị Hàng Thủy Sản
Ngày đăng: 25/02/2015

Vùng duyên hải miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển thủy sản. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ xác định vùng này sẽ trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với các ngư trường trọng điểm. Điều này đặt ra yêu cầu cần có những định hướng và giải pháp xúc tiến thu hút đầu tư đúng đắn để tận dụng các lợi thế vốn có của từng địa phương trên cơ sở cân bằng lợi ích tổng thể của vùng nhằm nâng cao giá trị ngành thủy sản.

TIỀM NĂNG TO LỚN, ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC

Vùng duyên hải miền Trung gồm các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, có chiều dài bờ biển hơn 1.000km. So với cả nước, đây là vùng có tỉ lệ giữa bờ biển và diện tích đất liền lớn nhất - bình quân chưa đến 6km2 đất liền có 1km bờ biển, trong khi mức bình quân của cả nước là 100km2 có 1km bờ biển. Điều này hàm ý biển là nguồn sống chính của cư dân vùng này trông cậy chủ yếu hay lệ thuộc vào quan hệ với biển.

Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Điền, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), vùng biển duyên hải miền Trung có nhiều eo biển, cửa sông, vũng, vịnh, đảo với nguồn lợi hải sản phong phú, giá trị kinh tế cao. Ngoài khơi có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng và thuận lợi cho khai thác, nuôi trồng thủy sản. Đặc điểm này hàm ý vùng có khả năng cung cấp lượng hải sản quy mô lớn, chất lượng cao. Đây là một lợi thế tiềm năng có giá trị chiến lược riêng của vùng.

“Trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng biển Trung Bộ ước khoảng 712.000 tấn (dao động trong khoảng 696.000 đến 726.000 tấn), với 87% cá nổi nhỏ và 13% hải sản tần đáy. Trữ lượng nguồn lợi ở vùng bờ, vùng lộng chiếm khoảng 31% và vùng khơi chiếm 69% tổng trữ lượng hải sản của cả nước. Khả năng khai thác khoảng 294.000 tấn/năm, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, cá thu, tôm hùm…

So sánh với lượng cung - cầu trên thị trường cho thấy nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản sẽ cao hơn lượng cung tiềm năng, trong đó tiêu thụ thủy sản với nhịp độ cao hơn do sự gia tăng nhanh về dân số, thu nhập và hội nhập ngày càng sâu vào thị trường quốc tế. Đây là cơ hội để các địa phương trong vùng, trong đó có Phú Yên đẩy mạnh phát triển thủy sản”, tiến sĩ Nguyễn Huy Điền nói.

Còn báo cáo của Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung, cho thấy đến hết năm 2014, toàn vùng có gần 47.000 tàu khai thác thủy sản, chiếm khoảng 40% số lượng tàu khai thác thủy sản của cả nước, với tổng công suất trên 4 triệu CV. Trong đó tàu công suất trên 90CV dùng để khai thác xa bờ, dài ngày khoảng 12.000 chiếc, với tổng sản lượng khai thác gần 800.000 tấn.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung cho rằng: Dù hình thức tổ chức sản xuất ngành thủy sản của các địa phương trong vùng vẫn còn mang tính đặc thù của nghề cá nhân dân: nhỏ, lẻ; manh mún, năng lực khai thác còn hạn chế, nhưng đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Đặc biệt góp phần quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tuy ngành thủy sản đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng duyên hải miền Trung với khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản và 8,5% GDP của vùng (so với mức chung của cả nước chỉ khoảng 3% GDP) và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng, với kim ngạch xuất khẩu trên 7.100 USD, thế nhưng, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam lại cho rằng: Ngành thủy sản của vùng duyên hải miền Trung vẫn còn lâu mới đạt mức kỳ vọng và còn thấp xa so với tiềm năng. Công thức phát triển: “biển bạc” + sự cần cù, chăm chỉ và can đảm + sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến nay vẫn chưa đủ để mọi ngư dân trong vùng biển nhiều tiềm năng bậc nhất đất nước thoát nghèo.

Vì sao? Câu trả lời tổng quát là vì trình độ phát triển của ngành thủy sản của vùng nói chung và Phú Yên nói riêng chưa cao. Giải pháp nào để các địa phương trong vùng đưa ngành thủy sản phát triển bền vững?

Ngoài việc đẩy mạnh thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, theo tiến sĩ Nguyễn Huy Điền, các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung còn phải tích cực triển khai đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ở góc nhìn thương mại, ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam, nói: Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Phó thủ tướng Vũ Khoan đề cập đến 3 vấn đề, gồm: Thay đổi tư duy từ phạm vi quốc gia sang phạm vi toàn cầu; chuyển đổi tư duy từ thói quen ra mệnh lệnh sang việc điều hành theo pháp luật; chuyển đổi tư duy theo kiểu co cụm, cục bộ, bao cấp sang chủ động tiến công, chủ động chiếm lĩnh thị trường và chủ động cạnh tranh.

Những vấn đề mà Phó thủ tướng Vũ Khoan nêu ra đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với nhiều ngành, trong đó có thủy sản, bởi hàng thủy sản của Việt Nam muốn thâm nhập sâu vào thị trường các nước thì phải tuân thủ nghiêm ngặt các rào cản phi thuế quan, như rào cản về chống gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm…

Ông Cương đề xuất: “Để sản phẩm thủy sản của vùng duyên hải miền Trung thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế thì cần căn cứ vào đặc điểm sản xuất nguyên liệu và chủng loại sản phẩm vùng và từng địa phương để xác định quốc gia nào, thị trường nào kèm theo những yêu cầu về rào cản phi thuế quan sẽ là thị trường trọng điểm của toàn vùng và từng địa phương.

Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên lại đề xuất các địa phương trong vùng bổ sung vào chiến lược phát triển thủy sản dựa trên việc xác lập trục kinh tế chính của vùng là du lịch đẳng cấp cao. Ông Thiên đưa ra 3 chiến lược trọng điểm, gồm: khai thác hải sản đại dương, cung cấp hải sản sạch, chất lượng; nuôi trồng các loại thủy đặc sản, đặc biệt là tại các vùng có nhiều đầm phá; chế biến thủy sản thành các sản phẩm đặc sản có thương hiệu trên cơ sở thương hiệu có sẵn hoặc xây dựng thương hiệu mới.

Theo ông Thiên, định hướng chiến lược lâu dài, vùng duyên hải miền Trung đã chọn du lịch đẳng cấp cao làm “trục” chính của cơ cấu kinh tế trong tương lai. Vùng này lại có không gian văn hóa đa dạng và đặc sắc, nhiều loại thủy đặc sản của vùng đầm phá hiếm có trên thế giới, với nguồn cung sạch và chất lượng có thể chế biến thành các loại thực phẩm đặc hữu để thu hút du khách. “Như vậy đã rõ định hướng chủ yếu của sự phát triển ngành thủy sản ở vùng này trong giai đoạn tới là gắn kết chặt chẽ với phát triển ngành du lịch đẳng cấp cao theo hướng chuyển sang phát triển một ngành thủy sản đẳng cấp cao - chất lượng và đặc sắc”, ông Thiên nói.


Có thể bạn quan tâm

Triển Khai Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Hiệu Quả Triển Khai Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Hiệu Quả

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

22/02/2014
100% Diện Tích Nhãn Ở Vĩnh Long Nhiễm Bệnh Chổi Rồng 100% Diện Tích Nhãn Ở Vĩnh Long Nhiễm Bệnh Chổi Rồng

Ngày 18.3, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cho biết, đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh còn trên 8.700ha nhãn, phần lớn là nhãn tiêu da bò.

19/03/2014
Trồng Lan Thành Công Ở Xứ Nóng Trồng Lan Thành Công Ở Xứ Nóng

Lan hồ điệp (cattleya) sinh trưởng tốt ở xứ lạnh, nhưng ông Lê Minh Bửu, ở thôn Hòa Sơn, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi đã trồng thành công giống lan này trên mảnh đất khô cằn ngay tại vườn nhà.

22/02/2014
Tỏi Mồ Côi Giá 700.000 Đồng Mỗi Kg Tỏi Mồ Côi Giá 700.000 Đồng Mỗi Kg

Tỏi một tép (còn gọi là tỏi cô đơn, tỏi mồ côi) ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được nhiều người ưa chuộng và mua với giá gấp 7 lần loại thông thường.

19/03/2014
Mô Hình Nuôi Lươn Trong Bê Tông, Thu Tiền Triệu Mô Hình Nuôi Lươn Trong Bê Tông, Thu Tiền Triệu

Với kỹ thuật nuôi đơn giản, cho hiệu quả kinh tế cao, một số nông dân ở Cà Mau đang tìm tòi và nhân rộng mô hình nuôi lươn trong bể bê tông.

22/02/2014