Nuôi chim bồ câu vốn ít, hiệu quả cao
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi trên địa bàn xã Tân Kim (Phú Bình - Thái Nguyên) phát triển khá mạnh, đa dạng cả về mô hình và vật nuôi.
Trong số đó phải kể đến mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm, đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo và làm giàu.
Chị Nguyễn Thị Kim, xóm Đèo Khê, một trong những hộ dân làm giàu từ nuôi chim bồ câu chia sẻ: Năm 2010, tận dụng chuồng gà bỏ trống, tôi đã chia thành những ô nhỏ nuôi 20 đôi chim bồ câu sinh sản giống Hà Lan và Nhật.
Thời gian đầu, tôi rất lo lắng bởi bồ câu là loại chim nuôi thả tự do, tự kiếm mồi và xây tổ, giờ mình nuôi theo phương pháp nhốt chuồng có thể chúng sẽ khó thích nghi.
Tuy nhiên, do tích cực tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc và nhân giống chim bồ câu từ một số mô hình ở Lạng Sơn, Tuyên Quang nên sau 3 tháng nuôi, chim không bị hao hụt, sinh trưởng tốt và sinh sản lứa đầu.
Đến nay, gia đình tôi luôn duy trì ổn định khoảng 200 cặp bồ câu sinh sản, một năm chúng đẻ 8 - 9 lứa.
Với giá bán bình quân từ 90 - 95 nghìn đồng/cặp bồ câu thương phẩm, bình quân một năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Trước đây, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Thu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, năm 2013, chị đã vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện 10 triệu đồng để mua 30 cặp bồ câu sinh sản về nuôi.
Theo chị Thu thì nuôi bồ câu khá đơn giản bởi chuồng trại không quá phức tạp, chỉ cần không gian sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng và cung cấp nước, thức ăn đầy đủ một ngày 2 lần là có thể nuôi được.
So với gà thì bồ câu cũng có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, phân của chúng có thể tận dụng để bón cây trồng rất hiệu quả.
Hiện nay, gần 100 cặp bồ câu giống của gia đình đang sinh trưởng tốt và sinh sản đều.
Bình quân, một tháng chị xuất bán khoảng 50 - 70 cặp bồ câu thịt cho các quán ăn nhỏ ngoài thị trấn Hương Sơn, với giá bán trung bình 90 nghìn đồng/cặp.
Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 3 triệu đồng.
Được biết, người dân xã Tân Kim đã nuôi chim bồ câu cách đây 10 năm, chủ yếu để làm cảnh nhưng 3 năm trở lại đây, nhiều hộ dân bắt đầu nuôi chim thương phẩm với số lượng lớn.
Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 70 hộ dân nuôi chim bồ câu với tổng đàn trên 5.000 con, tập trung ở các xóm Đèo Khê, Trạng Đài, Bờ La...
Theo đánh giá của các hộ chăn nuôi thì nuôi chim bồ câu không tốn nhiều công chăm sóc, sinh sản nhanh, vốn đầu tư không quá cao (khoảng 250 nghìn đồng/cặp chim bồ câu giống), thức ăn của chúng có thể tận dụng từ các sản phẩm trồng trọt như ngô, thóc...
Mặt khác, thịt chim bồ câu là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao nên rất dễ tiêu thụ, khi xuất bán bà con không bị ép giá như lợn hoặc gà.
Từ nguồn thu nhập ổn định này mà đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, một số hộ trong xã còn vươn lên làm giàu từ nuôi chim bồ câu giống.
Chị Ngô Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Kim cho biết thêm: Để khuyến khích người dân tích cực nhân rộng quy mô sản xuất, tháng 6-2015, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN xã thành lập Tổ hợp tác nuôi chim bồ câu, gồm 25 tổ viên.
Đối tượng là những hội viên phụ nữ thuộc diện nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số, ở các xóm Đèo Khê, Hải Minh, Quang Tiến, Bờ La và Trạng Đài.
Mỗi tổ viên được hỗ trợ 4 cặp chim bồ câu Pháp sinh sản, khoảng 10kg thức ăn, thuốc thú y và một số dụng cụ chăn nuôi, trị giá trên 2 triệu đồng.
Việc thành lập Tổ hợp tác nuôi chim bồ câu là hướng phát triển mới, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ khi nông nhàn, tăng thêm thu nhập, góp phần thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, Tổ hợp tác còn là nơi để các tổ viên được gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật nhân giống, chăm sóc và làm chuồng trại cho chim bồ câu, đảm bảo tỷ lệ sống đạt cao.
Mô hình nuôi chim bồ câu đang tiếp tục được người dân xã Tân Kim nhân rộng.
Với các hộ thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn thì đây được coi là hướng làm kinh tế hiệu quả để từng bước thoát nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm đáp ứng nhu cầu chưng mâm ngũ quả ngày tết và mong muốn bán được giá cao, nhiều nhà vườn trồng xoài trên địa bàn tỉnh đã tập trung xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ để bán vào dịp Tết Ất Mùi năm 2015. Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất vụ xoài năm nay bị giảm đáng kể, có không ít nhà vườn phải “lỗi hẹn” với mùa xoài tết trong sự tiếc nuối.
Ngay khi vừa thu hoạch mía, ông Nguyễn Chánh ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã không một chút đắn đo khi phá bỏ ruộng mía để trồng mì, tỉa đậu. Ông Chánh là một nông dân gắn bó lâu đời với cây mía mấy chục năm qua, chẳng còn thiết tha với cây mía.
Với mục đích liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, con giống; trao đổi những kinh nghiệm hay, cùng hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… những người cùng chung nghề chăn nuôi đã tìm đến với nhau để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao.
Những năm qua nhờ phát triển cây cao su nên cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị đã được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, thời gian gần đây giá mủ cao su giảm mạnh đã làm cho người trồng cao su phải lao đao. Trước thực trạng đó Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các công ty chế biến cao su trong tỉnh đã chủ động tìm hướng đi mới, đồng hành cùng người dân vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời, hướng đến sự phát triển bền vững...
Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện có trên 4.800 ha cà phê chè catimor, trong đó có gần 4.500 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Với doanh thu bình quân hàng năm trên 300 tỷ đồng, cây cà phê đã mang đến cho người dân địa phương nhiều điều tốt đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.