Giá Gỗ Nguyên Liệu Giấy Tăng Mạnh
Từ đầu tháng 12.2013 đến nay, giá gỗ nguyên liệu keo, bạch đàn trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục tăng, hiện đang ở mức 1,15 - 1,2 triệu đồng/tấn; tăng 300 - 400 ngàn đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh là do các nhà máy dăm trong tỉnh cạnh tranh mua nguyên liệu, đẩy giá lên cao.
“Nóng” giá gỗ nguyên liệu
Ông Bùi Văn Hạnh - một người trồng rừng ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) - cho biết: Tôi có 8 ha rừng trồng từ nhiều năm trước. Vừa qua, tôi khai thác 4 ha rừng keo lai ở xã Nhơn Tân, Nhơn Hòa, năng suất đạt gần 100 tấn/ha. Với giá gỗ nguyên liệu như hiện nay, gỗ keo lai mua tại nhà máy xấp xỉ 1,2 triệu đồng/tấn, gỗ bạch đàn 1,13 triệu đồng/tấn, tôi có lãi trên 50 triệu đồng/ha. Từ khi có 8ha rừng kinh tế, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Cù Văn Mẫn, một hộ trồng rừng ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, cho biết: “Gia đình tôi trồng rừng cách đây hơn 10 năm. Hiện nay, tôi có trên 100 ha rừng nguyên liệu trên địa bàn xã Phước Thành và các địa phương lân cận. Vừa qua, tôi vừa thu hoạch 6 ha rừng keo lai, với giá bán bình quân 1,17 triệu đồng/tấn gỗ nguyên liệu, tổng doanh thu trên 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 250 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Toàn huyện trồng được 1.060 ha rừng theo Dự án WB3 do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn vay. Người dân trồng rừng chủ yếu bằng các giống keo lai, bạch đàn. Trong đó, gần 300 ha rừng trồng từ năm 2006 trên địa bàn xã Phước Thành, Phước An đã đến chu kỳ khai thác. Thời điểm hiện nay, giá gỗ nguyên liệu được các nhà máy dăm gỗ trong tỉnh thu mua với giá gần 1,2 triệu đồng/tấn, cao hơn 300 ngàn đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2012. Diện tích rừng đến kỳ khai thác ở thời điểm này đạt khoảng 80 - 120 triệu đồng/ha; lợi nhuận từ 47- 70 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều thương lái lùng sục thu mua gỗ keo, bạch đàn có đường kính từ 15 cm trở lên để chế biến gỗ ốp tường, gỗ sàn với giá trên 1,5 triệu đồng/tấn.
Chưa gắn kết giữa chế biến và xây dựng vùng nguyên liệu
Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh: Nguyên nhân giá gỗ nguyên liệu giấy ở mức khá cao như hiện nay là do nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu dăm gỗ tăng khá mạnh trong thời gian gần đây.
Hiện trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có hàng chục nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu rất quyết liệt. Nhiều nhà máy cạnh tranh trong khi nguồn nguyên liệu có hạn nên giá gỗ nguyên liệu tăng khá cao. Có thời điểm, giá gỗ nguyên liệu giấy tại một số địa phương tăng lên trên 1,3 triệu đồng/tấn.
Công ty hiện có trên 3.000 ha rừng trồng làm gỗ nguyên liệu ở các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân…, song sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác hàng năm vẫn không đủ cung cấp cho nhà máy chế biến dăm. Hiện nay, nhà máy chế biến dăm của Công ty thu mua mỗi ngày từ 500- 600 tấn gỗ nguyên liệu giấy trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thuận Tín, có nhà máy chế biến dăm tại phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn), cho biết: Thời điểm cuối năm, nhu cầu và giá xuất khẩu dăm sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, các nhà máy chế biến phải tăng cường cạnh tranh thu mua nguyên liệu để sản xuất. Hầu hết các nhà máy dăm gỗ trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng vùng nguyên liệu ổn định nên diễn ra tình trạng cạnh tranh quyết liệt, đẩy giá thu mua gỗ nguyên liệu lên cao.
Riêng đối với công ty chúng tôi, hiện công suất chế biến của nhà máy khoảng 1.500 tấn nguyên liệu/ngày, nhưng do thiếu nguyên liệu nên chỉ hoạt động cầm chừng với khoảng 200 tấn nguyên liệu/ngày. Cái khó của các nhà máy chế biến dăm gỗ hiện nay là chưa gắn kết giữa chế biến và xây dựng vùng nguyên liệu nên thường xuyên rơi vào cảnh “ăn đong”.
Phát triển theo quy hoạch
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 100 ngàn héc-ta rừng nguyên liệu giấy ở nhiều độ tuổi khác nhau từ các chương trình, dự án trồng rừng. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã khai thác được 6.659 ha rừng nguyên liệu giấy với sản lượng gỗ đạt 484.362 tấn.
Tuy vậy, nguồn nguyên liệu khai thác vẫn không đáp ứng đủ cho 21 nhà máy chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh. Một số nhà máy do không có nguyên liệu sản xuất nên phải hoạt động cầm chừng, có nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Đây là hệ quả của việc phát triển tràn lan các nhà máy chế biến dăm gỗ mà không gắn kết giữa xây dựng nhà máy với phát triển vùng nguyên liệu.
Giá gỗ nguyên liệu giấy đang tăng cao là điều đáng mừng đối với người trồng rừng, song từ nhiều năm nay giá mặt hàng này không ổn định mà khá bấp bênh, lúc thấp, lúc cao tùy thuộc vào nhà nhập khẩu. Lường trước tình hình này, ngày 31.10.2013, UBND ban hành Quyết định số 3240/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, phát triển công nghiệp chế biến dăm gỗ trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và dăm gỗ, phù hợp với Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 tỉnh Bình Định, Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu chung là khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai hiện có, tận dụng những lợi thế của từng địa phương để phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung, thâm canh, gắn hiệu quả kinh tế với phát triển bền vững, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến dăm gỗ được quy hoạch hoạt động ổn định, có hiệu quả.
Gắn kết giữa việc chế biến với xây dựng vùng nguyên liệu để tránh những hệ lụy không tốt trong quy luật cung - cầu, đồng thời tránh việc phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để trồng rừng kinh tế như đã từng xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh…
Có thể bạn quan tâm
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản về nguy cơ, tác hại của bệnh dịch trong nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản an toàn và bền vững, nhiều địa phương đã lên kế hoạch và chuẩn bị kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2015.
“Với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 7,92 tỷ USD, vượt kế hoạch hơn 1 tỷ USD, đây là một năm rất thành công, nhưng cũng là năm đầy vất vả của cả nông dân và doanh nghiệp (DN)”, đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại buổi gặp gỡ báo chí TPHCM ngày cuối năm 2014.
Sở KH-CN vừa nghiệm thu 2 dự án khoa học gồm: Dự án xây dựng mô hình sản xuất nhân tạo nghêu giống ở tỉnh Bạc Liêu và Dự án sản xuất giống và nuôi cá sặc rằn trong ao đất và trong ruộng lúa kết hợp. Thành công mang lại từ các dự án trên mở ra cho nông dân cơ hội sản xuất nghêu giống và cá sặc rằn.
Theo nhiều người dân thôn Vinh Bình, ban đầu, nông dân chỉ nuôi cá rô đầu vuông với số lượng ít để khảo nghiệm. Do thấy cá thích nghi tốt, lớn nhanh nên một số hộ đã mạnh dạn mua thêm con giống về nuôi. Ông Hồ Nhâm Bảo - hộ nuôi cá trong thôn chia sẻ: “Trước đây, tôi đã có thời gian nuôi cá trê lai, nhưng lợi nhuận rất ít do địa hình thấp, có năm bị mất trắng do lũ lụt. Cuối năm 2013, thấy cá rô đầu vuông của một số hộ trong thôn thả nuôi lớn rất nhanh nên tôi gửi mua một ít giống về thả thử.
Năm 2015, Tiền Giang có kế hoạch tiếp tục khai thác tốt tiềm năng nuôi thủy sản trên cả ba vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn gắn với chiến lược tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nhằm giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống và tạo thêm nguồn hàng hóa chất lượng tốt, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu.