Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Tiến Vua - Chuyện Hoang Đường Có Thật

Nuôi Cá Tiến Vua - Chuyện Hoang Đường Có Thật
Ngày đăng: 14/07/2012

Theo sử sách cổ ghi lại: Vào thời Hùng Vương thứ ba, niên hiệu là Hùng Quốc Vương, có một ngư dân làm nghề chài lưới ở khu vực ngã ba sông Việt Trì, nơi tụ hội của ba con sông lớn chảy từ vùng núi phía Bắc, đó là sông Thao, sông Lô và sông Đà. Bắt đầu từ đây người ta gọi là sông Cái hay sông Hồng. 

Một lần kia ngư dân đó bắt được một con cá lạ, mình giống cá trôi, vảy bạc gặp ánh nắng mặt trời thì lấp lánh ánh xanh pha chút màu hồng, vây và đuôi có những tia đỏ, đầu to, môi dưới dày thụt vào tựa như môi lợn, nom rất đẹp. Ngư dân này không dám ăn bèn cung tiến vua. Khi thưởng thức món cá này, nhà vua thấy cá thơm, có vị ngọt đậm không giống những loài cá khác, nhất là ăn xong người nhẹ nhõm và sảng khoái, nên đã chỉ dụ cho dân chúng phải bảo vệ loài cá quí hiếm này, ai bắt được phải tiến vua.

Cá Anh Vũ chỉ sống ở những sông suối nước trong xanh có nhiều đá cuội, loài cá chỉ ăn rong rêu và lục tảo, bởi thế môi dưới của chúng khá dày và hơi thụt vào, đó là một khối sụn giống như mõm lợn giúp chúng dễ dàng gặm lớp rêu bám trên đá. Hệ thống sông suối miền núi phía Bắc là nơi cá Anh Vũ cư trú, như: Sông Đà, sông Gâm, sông Lô, sông Chảy, sông Bằng Giang và các con suối: Nậm Mu, Nậm Na, Nậm Thia, Nậm Bon, Nậm Be...chảy từ những cánh rừng đại ngàn xuống, nước sạch và trong xanh.

Cách đây vài chục năm, người dân sống dọc theo những con sông suối đó vẫn bắt được cá Anh Vũ, con to nhất khoảng từ 2,5- 3kg, tên gọi loài cá này mỗi địa phương, mỗi dân tộc một khác. Có nhiều cách chế biến cá Anh Vũ, như: Nướng, kho tộ, hấp, nấu canh măng chua, ủ chua trong các ống bương, lẩu... Ruột cá dài, nhỏ bằng đầu tăm, khi mổ ra người ta lấy ruột cá trộn với các loại rau thơm bọc lá gừng rồi nướng, hoặc hấp ăn có vị đắng rất ngon. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua do việc đánh bắt cá vô tội vạ, có tính chất huỷ diệt, ngoài chài lưới người ta còn sử dụng mìn, ruốc cá bằng lá cây độc hoặc bằng hoá chất, kích điện... nên không chỉ loài cá Anh Vũ mà rất nhiều loài cá quí hiếm khác, như: cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá chày đất, cá thần, cá hoả, cá đầm xanh, cá xỉnh, cá lum, cá mi... đều đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bởi thế, cá Anh Vũ còn lại rất ít, chúng thuộc loài quí hiếm. Tại thành phố ngã ba sông Việt Trì, loài cá này được bán trong các nhà hàng với giá từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng một ki lô gam. Có lẽ đó chỉ là kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Theo một số ngư dân lão luyện vùng sông nước ngã ba Bạch Hạc, thì từ lâu lắm rồi, khi các dòng sông bị ô nhiễm do chất thải của các nhà máy công nghiệp và việc khai thác cát sỏi, đánh bắt theo kiểu tận diệt loài cá Anh Vũ đã mất dạng từ lâu.

Chuyện hoang đường có thật

Ông Chu Quốc Tuấn- Phó chủ tịch thị xã Nghĩa Lộ khoe với tôi: Trại cá Nghĩa Lộ đã nuôi được cá Anh Vũ, ông mời tôi ăn một bữa lẩu cá tiến vua chính hiệu. Thật khó tin, nên tôi vào Trại cá giống Nghĩa Lộ để kiểm chứng một câu chuyện có vẻ hoang đường đó.

Thật may cho tôi Trại trưởng, kỹ sư thuỷ sản Trần Ngọc Thư đang theo học cao học tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đang có mặt ở nhà. Anh bảo tôi: Không ít người nghĩ như vậy, ngược lại tôi lại nghĩ khác. Nhiều loài cá tự nhiên đã được con người nuôi dưỡng, thuần hoá và nhân giống thành công.

Lo ngại trước loài cá đứng bên bờ tuyệt chủng, nhất là quê hương chúng ở miền núi phía Bắc này, Trại cá giống Nghĩa Lộ đã phối hợp với Trung tâm quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc, đặt tại Hải Dương đã sưu tầm giống cá Anh Vũ về nuôi để thuần hoá và nhân giống. Chúng tôi đã đi tới các con sông, suối khắp khu vực miền núi phía Bắc, đúng là loài cá này còn lại rất ít ở sông Bằng Giang (Cao Bằng) và sông Gâm (Na Hang, Tuyên Quang) mua lại của ngư dân đánh bắt được, một số nuôi trong các ao đá, con to nhất bằng chuôi dao, thường to hơn cái đũa một chút. Ròng rã mấy tháng trời, bỏ ra hơn 40 triệu mới mua được 600 con. Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I đã giám định ADN, xác định số cá Anh Vũ mà Trại cá giống Nghĩa Lộ mua về đang nuôi thử nghiệm trong ao đúng là cá Anh Vũ giống gốc.

Nói rồi anh dẫn tôi ra xem ao nuôi cá Anh Vũ. Thư cho biết, dưới đáy ao đổ một lớp cát suối dày khoảng 20cm, trên là một lớp đá cuội lấy từ suối về tạo thành nhiều hang hốc. Do tập quán sinh sống của loài cá này ở khu vực nước chảy, nước lấy vào ao là nước suối Ngòi Lung chảy từ rừng Trạm Tấu được dẫn bằng những ống nhựa to bằng bắp chân xối từ trên cao xuống, tạo thành những dòng chảy trong ao không khác môi trường tự nhiên của chúng. Thức ăn của chúng ngoài rêu mọc trên đá và lục tảo không có thứ nào khác. Nên không thể có chuyện nuôi cá Anh Vũ theo kiểu công nghiệp, do đó chúng phát triển rất chậm. Sau hơn một năm nuôi trong môi trường nhân tạo, cá Anh Vũ phát triển bình thường, không có biểu hiện bệnh tật, con to nhất được khoảng 0,8-1,2kg. Những con đến tuổi sinh sản được chuyển về Trung tâm giống thuỷ sản Hải Dương, để nghiên cứu sinh sản nhân tạo.

Theo người dân sinh sống dọc các con sông suối, cá Anh Vũ sinh sản vào cuối tháng tư, khi những trận mưa rào đầu tiên trút xuống, lũ từ trên nguồn đổ về còn khá lạnh dâng lên các bãi cát sỏi xăm xắp nước tương đối bằng phẳng, từng đàn cá Anh Vũ lên đó vật đẻ. Trứng của chúng trôi theo dòng nước nở dần trên đường chảy ra biển. Những con cá con bơi ngược theo dòng nước như cha mẹ chúng từ nghìn năm trước tìm về những dòng sông, dòng suối có nhiều rêu bám trên đá để sinh sống. Trần Ngọc Thư cho biết: Nếu không tạo ra cho cá Anh Vũ có bãi đẻ thì trứng của chúng sẽ tự tiêu đi. Những cán bộ của Trung tâm giống thuỷ sản Hải Dương đã vuốt trứng và tinh trùng của cá Anh Vũ trong các khay nhựa, sau đó đem ấp trong môi trường nhân tạo.

Tỷ lệ trứng nở không cao, nhưng đã thành công trong việc ấp nở trong môi trường nhân tạo. Trại cá giống Nghĩa Lộ đang lựa chọn những con cá đến tuổi trưởng thành để thụ tinh và ấp nở nhân tạo trong năm nay.

Trần Ngọc Thư không ngần ngại cho tôi hay: Trại cá giống Nghĩa Lộ nằm trong qui hoạch của Bộ Thuỷ sản nay là Bộ NN-PTNT, được Chính phủ phê duyệt là một trong 16 Trung tâm giống thuỷ sản cấp I, những năm qua chúng tôi đã nghiên cứu và sản xuất thành công các giống cá nước ngọt: trắm, mè, trôi, chép, rô phi đơn tính...Hiện chúng tôi đang nghiên cứu nuôi và nhân giống một số loài cá quí hiếm cư trú ở khu vực miền núi phía Bắc trước nguy cơ tuyệt chủng,Mặc dù là trại giống nằm trong qui hoạch của Bộ n hưng chúng tôi phải tự bươn chải, nên rất khó khăn.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu Quả Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu Quả

Vụ Đông Xuân (ĐX) 2013 - 2014 và vụ Thu 2014, huyện Phù Cát (Bình Định) đã thực hiện 2 mô hình (MH) cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất đậu phụng trên diện tích 88 ha tại 2 xã Cát Hiệp và Cát Hải, có 373 hộ tham gia. Bên cạnh việc thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, MH còn được triển khai 5 công thức bón phân cho cây đậu phụng.

22/11/2014
Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng

“Nông dân cần kịp thời được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống mới. Thu hoạch cách nhau mấy ngày mà chênh lệch đến mấy triệu đồng... Sống nhờ vườn mà nghề vườn bấp bênh, rủi ro quá, nhiều người đã bỏ đất đi làm thuê làm mướn”, anh Nghĩa nói vậy. Bản thân anh cũng đang hợp đồng với ngành du lịch Vĩnh Long chạy đò chở khách để kiếm thêm phụ vợ nuôi bầy con.

22/11/2014
Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu

Với giá trị kinh tế nổi bật, cây cam đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. (Gia đình anh Cao Xuân Quỳnh, xóm Nam Thành, xã Nam Phong (Hòa Bình) thoát nghèo vơn lên làm giàu nhờ cây cam).

22/11/2014
Nhiều Cơ Hội Mở Ra Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong Nhiều Cơ Hội Mở Ra Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong

Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm cam Cao Phong ngày càng khẳng định được lợi thế nổi bật so với các loại đặc sản khác của địa phương. Đến nay, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Kết quả này mở ra nhiều cơ hội để cam Cao Phong trở thành một thương hiệu mạnh, có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong và ngoài nước.

22/11/2014
Cây Hồng Xiêm Giúp Hàng Nghìn Hộ Dân Thoát Nghèo Cây Hồng Xiêm Giúp Hàng Nghìn Hộ Dân Thoát Nghèo

Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây hồng xiêm lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay hồng xiêm đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây hồng xiêm. Tới đây, diện tích trồng hồng xiêm của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định

22/11/2014