Triển Vọng Từ Cây Hồng Hoa

Cây Hồng hoa là loại dược liệu quý, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, được Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ thực hiện Đề tài đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của loại cây này, bước đầu cho kết quả tích cực, là tín hiệu vui cho người nông dân và ngành nông nghiệp Dak Lak trong việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng.
Cây hồng hoa (còn gọi là cây bụp giấm, atisisô đỏ, hay cây rau chua) tên khoa học Hibiscus Sabdariffa có nguồn gốc ở châu Phi, được trồng ở Việt Nam vào đầu những năm 1990, chủ yếu làm cảnh, rau hoặc chế biến sirô giải khát. Những năm gần đây, loại cây này được nhiều người biết đến và được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung để làm nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm…
Còn ở Dak Lak, cây này chủ yếu được người dân trồng nhỏ lẻ, tự phát để làm thực phẩm, nước giải khát chứ chưa phải là cây kinh tế.
Nhận thấy giá trị của loại cây này, Tiến sĩ Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và nhóm nghiên cứu đã xây dựng và thực hiện Đề tài đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển cây Hồng hoa trên địa bàn Dak Lak.
Theo đó, từ tháng 5-2014, cây này (giống do Công ty Cổ phần thương mại Nhà Việt – Hải Phòng cung cấp) được trồng tại hộ bà H’Blanh Niê, buôn Ea Ma, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (1,3 ha) và ông Lê Ngãi, khối 7, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột (2 ha).
Theo đánh giá của bà H’Blanh Niê, cây Hồng hoa dễ trồng, chi phí đầu tư và công chăm sóc ít. Kết quả kiểm tra, đánh giá mới đây của nhóm thực hiện đề tài cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi cây có thể cho 3 – 4 kg quả, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch từ 4 – 6 tháng (tùy loại giống), ở Buôn Đôn đạt năng suất 13 – 14 tấn quả tươi/ha; Buôn Ma Thuột đạt 15 – 20 tấn/ha.
Ông Lê Ngãi cho biết, mỗi ha trồng Hồng hoa thu được hơn 15 tấn quả tươi, với giá doanh nghiệp hợp đồng thu mua 5000 đồng/kg (thấp hơn nhiều so với giá thị trường do được doanh nghiệp hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm), sau khi trừ chi phí thì thu nhập từ loại cây này cao hơn nhiều so với trồng bắp như trước đây, vì thế, thời gian tới, ông sẽ mở rộng diện tích và thử trồng thêm giống cây trái vụ.
Bên cạnh 2 mô hình quy mô lớn này, một số hộ dân trên địa bàn phường Ea Tam, xã Cư Êbur - TP. Buôn Ma Thuột cũng trồng cây này dọc bờ rào đất trống trong vườn bằng giống cây mọc hoang, bán lẻ quả với giá 12.000 – 15.000 đồng/kg. Như vậy có thể nói, loại cây này bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao nếu đưa vào trồng đại trà.
Theo nhóm thực hiện đề tài, loại cây này có thể là cây thoát nghèo cho người dân những địa bàn khó khăn như Buôn Đôn, Ea Súp, M’Drak…, không những tăng lợi nhuận cho người nông dân so với lúa, bắp, sắn, mía… mà còn đa dạng hóa cây trồng cho các địa phương.
Theo tìm hiểu, sản phẩm từ cây Hồng hoa giàu vitamin, có tác dụng giảm huyết, trẻ hóa cơ thể và giảm nguy cơ ung thư, được dùng để chế biến thành các loại rượu vang, trà, sirô, mứt... Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, Hồng hoa là loại cây thảo mộc dễ trồng, có thể thích nghi tốt với những triền đất dốc, cằn cỗi, chi phí đầu tư thấp.
Tuy đã có hiệu quả bước đầu, nhưng cây này chưa có trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp địa phương, nên trong khi chưa có nhà máy chế biến sản phẩm Hồng hoa trên địa bàn, người dân không nên trồng ồ ạt để dẫn đến sản phẩm khó tiêu thụ, mất giá như cây chanh dây hay thuốc lá trước đây.
Có thể bạn quan tâm

Đứng trước báo động đỏ về dịch bệnh tôm nuôi, nhiều năm qua ngành nông nghiệp đề ra nhiều giải pháp để loại trừ tôm giống kém chất lượng, song vẫn chưa thực hiện được.

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên đầm nước mặn Sa Huỳnh lo lắng vì kẻ gian cắt lồng bè nuôi cá của một số hộ nuôi gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Tuy vào vụ gần 2 tháng và bệnh sữa trên con tôm không còn phức tạp như năm trước, nhưng tình trạng tôm chết rải rác vẫn còn xảy ra, vì vậy vấn đề dịch bệnh đang là nỗi lo thường trực của người nuôi tôm hùm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Vẫn không ngừng tay múc từng bát cám đổ vào máng cho đàn lợn chị Thanh ở xã Văn Lương, huyện Tam Nông (Phú Thọ) vừa giãi bày: Giá cám bây giờ đắt quá, lãi thấp lắm, không có việc nên chúng em cứ phải nuôi, chứ trừ tiền giống, nhất là tiền mua thức ăn chẳng được bao nhiêu.

Cùng với việc áp dụng công nghệ biogas trong chăn nuôi, gần đây nhiều nông dân ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã thực hiện thành công kỹ thuật làm đệm lót sinh học áp dụng cho nuôi heo, gà.