Nuôi Cá Thác Lác Cườm Không Lo Việc Tiêu Thụ
Anh Đặng Thành Thơm ở xã Bình Thạnh (TX Hồng Ngự - Đồng Tháp) đã nói như vậy khi chuyển từ ươm nuôi cá tra giống sang nuôi cá thác lác cườm thời gian qua.
Cá thác lác cườm là giống cá nước ngọt có khả năng chịu phèn, thịt cá ngọt và dai, có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, đặc biệt là món chả, nên rất dễ tiêu thụ trên thị trường hiện nay.
Theo anh Thơm, muốn nuôi cá thác lác cườm thành công, phải chuẩn bị ao nuôi khoảng 10 ngày trước khi thả cá giống. Việc chuẩn bị gồm: tát cạn nước, vét bùn, bón vôi (9 kg/100m2), phơi ao (2 ngày), lấy nước vào ao ở mức 2m, diệt khuẩn trong nước (dùng dung dịch Vime–protex với liều 1 lít/2.000m3 nước ao), gây màu nước ao (nước phải có màu xanh lá chuối non rồi mới thả cá giống). Cá giống được chọn có kích cỡ 9 - 11cm, trên một ao rộng 1.600m2 anh thả 16.000 con.
Việc thay nước phải được làm thường xuyên: tháng đầu thay 1 lần (30% nước), tháng thứ 2 cho đến thu hoạch cứ 15 ngày thay nước 1 lần cũng với 30% nước trong ao. Định kỳ 15 ngày diệt khuẩn trong nước 1 lần bằng dung dịch Vime–protex với liều lượng 1 lít/1.500m3 nước trong ao.
Việc cho cá ăn được anh Thơm quan tâm. Ngày cho cá ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát (chủ yếu là buổi chiều vì cá có tập tính thích ăn đêm), thức ăn được để trên sàn để có thể kiểm tra mức độ cá ăn mà gia giảm và tiết kiệm thức ăn, giảm ô nhiễm nước ao.
Cá thác lác thích ăn mồi tươi sống, những nơi nguồn thức ăn tươi sống có khó khăn có thể tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp theo tỷ lệ 60 – 70% cá tươi + 40 - 30% thức ăn công nghiệp (chú ý: khi tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp nên giảm lượng cá tươi từ từ để tránh cá chưa quen thức ăn sẽ bị đói dẫn đến hao hụt). Sau 5 tháng nuôi có thể thu hoạch.
Với cách nuôi như trên, anh Thơm ước thu hoạch được 1.960kg cá thác lác thương phẩm. Nếu tính giá bán 55.000 đ/kg (giá thương lái đặt mua) anh thu 107,8 triệu đồng (chi 84,304 triệu) thì mức lời chưa cao.
Lý do là anh cho cá ăn thức ăn công nghiệp quá sớm nên mức hao hụt cá giống cao (tỷ lệ cá sống của anh chỉ đạt 47%), mặt khác giá cá giống của anh cao chiếm tới 50% chi phí. Tuy nhiên, nếu biết điều chỉnh những vấn đề trên thì lời nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, lại có 12km bờ biển nên thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng.
Vào những năm 1990, phong trào nuôi trăn ở Cà Mau rất phát triển, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho người nuôi. Tuy nhiên, về sau giá trăn bấp bênh, thị trường tiêu thụ yếu, khó bán, có người phải mang trăn con thả vào rừng, nhiều hộ đã nghỉ nuôi hoặc nuôi cầm chừng. Trong 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn thịt và trăn đẻ đã phát triển trở lại trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trong huyện Phú Tân (Cà Mau) không ngừng tăng lên. Phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần đáng kể trong việc tăng sản lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Chẳng hiểu do thời tiết hay sâu bệnh mà na Chi Lăng (Lạng Sơn) năm nay ra hoa ít hơn hẳn, thậm chí có diện tích không ra hoa. Bằng biện pháp kỹ thuật, người dân vùng na đã tuốt lá để kích thích cây ra hoa đợt hai, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao lại có hiện tượng bất thường này?
Sau 3 năm triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”, tổng diện tích lúa đạt trên 10.000 héc-ta của trên 6.400 lượt nông dân tham gia. Kỹ sư Châu Ngọc Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành (An Giang) tâm đắc: Mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích lúa “Cánh đồng mẫu lớn” đang ngày càng mở rộng.